Trên cơ sở nhận thức lại chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và quan niệm của các nhà kinh điển mácxit về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị nói riêng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới toàn diện và triệt để tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt Đảng đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm và bước đitrongquá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.
Thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới, Đảng lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới chính trị. Kết quả là chúng ta đã đổi mới một cách căn bản về cơ sở hạ tầng, từ nền kinh tế thuần nhất một thành phần sang kinh tế nhiều thành phần với đa hình thức sở hữu; từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, quan liêu sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; từ phân phối bình quân, tem phiếu sang phân phối theo hiệu quả lao động, theo vốn đóng góp và theo phúc lợi xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986). Ảnh: Tư liệu.
Tiếp đó, để chính trị phù hợp với đổi mới kinh tế, từ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương, khóa VII (12-1991) đến nay, khi điều kiện về mặt kinh tế đã cho phép, chúng ta tiến hành đổi mới căn bản về chính trị. Tuy nhiên, trong đổi mới chính trị, Đảng ta đã khẳng định có những vấn đề thuộc về nguyên tắc, không đổi mới mà cần được củng cố, đó là: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và thực hiện chế độ chính trị nhất nguyên, một đảng lãnh đạo.
Trong đổi mới chính trị, Đảng ta tập trung đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, các khâu khác được tiến hành thận trọng từng bước, bởi lẽ, chính trị có thể tác động đến các mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm trong xã hội. Đảng nhấn mạnh: “Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị”[1]. Bên cạnh đó: “việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn”. Có thể nói, đây là một chủ trương đúng và trúng, bảo đảm không gây nên những đảo lộn làm mất cân bằng trong đời sống xã hội; đồng thời, giữ vững được sự ổn định chính trị - một tiền đề tiên quyết cho sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội.
Biểu hiện cụ thể trong đổi mới hệ thống chính trị nước ta hiện nay là:
Thứ nhất, Đảng chủ trương nâng cao tầm trí tuệ của Đảng. Để nâng cao tầm trí tuệ, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng.
Trong thực tiễn đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Đảng ta cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, có những hạn chế đang trở thành nguy cơ không thể xem thường. Vì vậy, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải thường xuyên tự chỉnh đốn, thực hiện xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đồng thời tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, tập trung đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tự giác đổi mới bộ máy nhà nước từ cơ chế hành chính, tập trung quan liêu sang bộ máy quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Theo đó, đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đối với cơ quan hành pháp, tập trung cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho; đối với cơ quan tư pháp, đổi mới theo hướng xét xử đúng người, đúng tội trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tố tụng.
Thứ ba, tăng cường vai trò phản biện xã hội, tính độc lập tương đối của các tổ chức chính trị - xã hội. Vai trò phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội đã được Đảng coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn.
Thực tiễn đổi mới đồng bộ và toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra một số vấn đề về đổi mới chính trị:
Một là, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là thành quả của sự nghiệp đổi mới mang tính đột phá về kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cần thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô. Đồng thời, Nhà nước quản lý và điều tiết có hiệu quả trong thực tiễn phát triển kinh tế.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng dân chủ. Nếu như Đảng lãnh đạo bằng phương thức mệnh lệnh như trước đổi mới sẽ không phù hợp và không có hiệu quả, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Đồng thời, trong điều kiện Đảng cầm quyền, cần có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong Đảng.
Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bởi lẽ các tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ Đảng, củng cố và bảo vệ chính quyền nhà nước, nhất là trong chế độ một đảng lãnh đạo. Vì vậy, trong thực tiễn phải tránh và khắc phục tình trạng “nhà nước hóa”, “chính trị hóa”, từ đó làm giảm vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.54.
Hà Lê