Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, người dân giờ đây có thể dễ dàng nói lên ý kiến của mình, có quyền lựa chọn thông tin, truyền bá, chia sẻ thông tin mà mình yêu thích, chặn, lọc các thông tin không “hợp khẩu vị” của mình. Nếu chúng ta sử dụng phương thức tuyên truyền mang tính áp đặt, một chiều từ trên xuống, không xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của đối tượng thì sẽ không đạt được hiệu quả. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm của 35 năm đổi mới là: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân”.
Trong bối cảnh đó, cần phải đổi mới tư duy và tổ chức bộ máy tuyên truyền.
Một là, chuyển đổi tư duy từ công tác tuyên truyền sang truyền thông chính trị và quan hệ công chúng.
Mạng xã hội ra đời và đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ làm cho vai trò của người dân trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao. Mạng xã hội trở thành diễn đàn cho phép nhân dân được bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng, ý kiến của mình đối với Đảng. Nhờ mạng xã hội, nhân dân không chỉ tiếp nhận tư tưởng của Đảng một cách thụ động mà đang từng bước trở thành chủ thể tham gia xây dựng và tiếp nhận quan điểm, đường lối của Đảng. Điều đó đặt ra yêu cầu công tác tuyên truyền hiện nay phải chuyển sang truyền thông chính trị, tức là hoạt động của nó phải mang tính hai chiều, bình đẳng giữa chủ thể và đối tượng, kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích của Đảng với nhu cầu, lợi ích của người dân ngay từ khâu xây dựng đường lối, chính sách. Phương thức của truyền thông chính trị chủ yếu là lắng nghe, chia sẻ, đối thoại và thuyết phục làm cho nhân dân có nhận thức, thái độ đúng và tích cực, tự giác hành động theo mục đích của Đảng.
Truyền thông chính trị không có nghĩa là từ bỏ công tác tuyên truyền, mà bao hàm cả việc tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị để trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào hệ tư tưởng và cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, công tác tuyên truyền của Đảng cũng phải đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại đi đôi với duy trì kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong phát ngôn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đặt ra yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền.
Trong công tác đấu tranh chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch cũng phải sử dụng tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, đối với nhân dân cần chuyển sang truyền thông vận động, thuyết phục, giúp họ nhận thức được lợi ích của mình khi tin tưởng và làm theo đường lối, quan điểm của Đảng. Như vậy, truyền thông chính trị vừa đúng phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa phù hợp với điều kiện người dân hiện nay có quyền lựa chọn thông tin phù hợp với nhu cầu, lợi ích của mình và phù hợp với phương thức quản trị quốc gia của các nước trên thế giới. Đổi mới tư duy sẽ tránh và khắc phục được tình trạng ỷ lại sức mạnh quyền lực, “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức”, đối phó trong công tác tuyên truyền.
Với tư cách là một tổ chức chính trị, lại là đảng cầm quyền, Đảng có mối quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Để ứng xử tôn trọng, bình đẳng trong mối quan hệ với người dân, Đảng luôn phải lắng nghe và thuyết phục công chúng hiểu được những giá trị của hệ tư tưởng; tính đúng đắn và lợi ích của người dân trong thực hiện đường lối của Đảng; đồng thời phải tuyên truyền, quảng bá các thành tựu nổi bật của Đảng; bảo vệ, lan tỏa hình ảnh đẹp của cán bộ, đảng viên. Do đó, Đảng phải tiến hành hoạt động quan hệ công chúng để xây dựng niềm tin, giữ gìn uy tín, hình ảnh của Đảng đối với công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông giống như các đảng chính trị khác trên thế giới.
Hai là, thành lập trung tâm truyền thông chính trị là cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp và hiện đại làm công tác truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông và quan hệ công chúng.
Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh, rộng, nhiều chiều, thường gây ra các vụ khủng hoảng truyền thông thì một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thiếu chuyên nghiệp sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trên cơ sở tư duy mới và chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, cần xây dựng cơ quan truyền thông của Đảng theo hướng tinh gọn, tập trung nguồn lực, chỉ đạo và tác chiến linh hoạt, tinh nhuệ và đồng bộ. Theo đó, trong Đảng cần có cơ quan truyền thông chính trị và quan hệ công chúng thống nhất từ khâu tham mưu, chỉ đạo và tác chiến.
Cơ quan tuyên giáo hiện nay đang phải phụ trách nhiều mảng công tác khác nhau; các cơ quan truyền thông, báo chí của Đảng lại nằm rải rác ở các tổ chức khác nhau nên có thể có thời điểm chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin nhanh chóng và thống nhất. Khi cần truyền thông một quan điểm, chủ trương mới, hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông, cơ quan thông tin, tuyên truyền có thể không đủ quyền lực và nguồn lực để ứng phó kịp thời. Vì vậy, nên chăng phải thành lập cơ quan truyền thông chính trị và quan hệ công chúng của Đảng trên cơ sở tổ chức lại những bộ phận làm công tác tuyên truyền, giáo dục, báo chí, truyền thông, nghiên cứu dư luận xã hội đã có, hoặc cũng có thể hợp nhất những bộ phận này của cơ quan Tuyên giáo với cơ quan Dân vận (vì công tác dân vận thực chất cũng làm công tác tuyên truyền, vận động).
Trung tâm truyền thông chính trị của Đảng có chức năng tham mưu, chỉ đạo và tác chiến toàn bộ hoạt động truyền thông và quan hệ công chúng của Đảng. Về tổ chức bộ máy, Trung tâm bao gồm các bộ phận: nghiên cứu dư luận xã hội, giáo dục lý luận chính trị, thông tin và quan hệ công chúng, các cơ quan báo chí của Đảng, bộ phận ứng phó khủng hoảng truyền thông. Cơ quan này có nhiệm vụ tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục và quan hệ công chúng của Đảng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan truyền thông chính trị ở Trung ương, cấp ủy các địa phương, bộ, ngành thành lập cơ quan truyền thông chính trị và quan hệ công chúng trong phạm vi địa phương, bộ, ngành mình.
Ba là, đào tạo cán bộ truyền thông chính trị bài bản và chuyên nghiệp.
Các cơ quan của Đảng có liên quan sớm triển khai đào tạo cán bộ truyền thông chính trị theo địa chỉ. Đối tượng tuyển sinh là những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, cán bộ đang làm việc trong hệ thống chính trị được đào tạo theo vị trí việc làm để tạo động lực cho người học say mê, tâm huyết, giỏi nghề. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông (đặc biệt là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cải tiến chương trình đào tạo cán bộ tuyên truyền thành đào tạo cán bộ truyền thông chính trị phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở kế thừa các chương trình đào tạo cán bộ tư tưởng trước đó, cần bổ sung những học phần mới, liên quan đến truyền thông xã hội và mạng xã hội. Chương trình mới dành nhiều thời gian thực hành, thực tế hướng tới rèn luyện kỹ năng tuyên truyền trên không gian mạng cho người học như: xây dựng kế hoạch truyền thông, chế tác các sản phẩm truyền thông, kỹ năng phát hiện, lan tỏa thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông, phát ngôn và giao tiếp với cơ quan báo chí, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch,…
Vĩnh Ngọc