Cách mạng Tháng Tám ở các địa phương thắng lợi một cách nhanh gọn trước hết bởi sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, nhưng không thể không kể đến vai trò của những cán bộ Đảng với kinh nghiệm lãnh đạo phong trào dày dặn, tấm gương suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh ngày 16/6/1907, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).
Thuở nhỏ, Phạm Văn Chiêu (còn gọi là Bảy Chiêu) là người thông minh và hiếu học. Mới 10 tuổi, đã rời gia đình lên Sài Gòn học. Năm 19 tuổi, Phạm Văn Chiêu tốt nghiệp xuất sắc trường Sư phạm Sài Gòn và sau đó dạy học ở Gò Vấp. Từ năm 1936 đến năm 1942, thầy Bảy Chiêu là Hiệu trưởng trường Tổng Hóc Môn. Suốt 16 năm dạy học, thầy đã mang hết tâm lực của mình truyền bá cho học sinh những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1942, do những hoạt động yêu nước, thầy Bảy Chiêu bị thực dân Pháp bắt giam ở bót Catina (Sở mật thám của Pháp ở Đông dương), Khám lớn Sài Gòn, rồi đày đi Biên Hòa. Tại đây, Thầy có dịp tiếp xúc với những nhà yêu nước, đảng viên cộng sản; Phạm Văn Chiêu bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ lý tưởng cộng sản và trở thành đảng viên cộng sản sau khi ra tù (tháng 4/1944).
Sau khi ra tù đồng chí Phạm Văn Chiêu tích cực tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí tham gia và hoạt động trong Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền phong) và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt Xứ ủy Tiền phong tại tỉnh Gia Định.
Sau ngày 9/3/1945, Xứ uỷ Nam Kỳ (Tiền Phong) chủ trương đánh Pháp, lợi dụng Nhật để phát triển nhanh phong trào cách mạng, đây là chủ trương nhạy bén và bắt kịp tình hình đón thời cơ một cách chủ động, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh riêng của Nam Kỳ.
Theo chỉ đạo của Xứ ủy, lực lượng “Thanh niên Tiền phong” do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kha Vạn Cân… những đảng viên cộng sản làm nòng cốt lãnh đạo đã ra đời ở Sài Gòn và nhanh chóng lan ra khắp Nam Kỳ, thu hút hàng vạn người tham gia.
Chân dung đồng chí Phạm Văn Chiêu
Tháng 4/1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong ở Gia Định thành lập do Nguyễn Văn Công - một đảng viên đưa vào làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong. Đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng các đồng chí Tỉnh ủy (Tiền Phong) ở Gia Định tích cực hỗ trợ, xây dựng lực lượng chính trị trong Thanh niên Tiền Phong. Vì vậy, lực lượng Thanh niên Tiền phong trong tỉnh Gia Định phát triển mạnh mẽ. Với sự phát triển nhanh chóng rộng rãi, Thanh niên Tiền Phong trở thành một phong trào, một hình thức mặt trận có tổ chức do Tỉnh ủy (Tiền Phong) lãnh đạo thu hút đông đảo lực lượng thanh niên và nhiều tầng lớp cách mạng hướng về chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, được sự chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Gia Định (Tiền Phong) đã họp và thành lập Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Bảo, Phạm Văn Khung, Phạm Văn Chiêu, Phan Văn Đáng, Nguyễn Văn Tám. Ủy ban khởi nghĩa giao cho đồng chí Phạm Văn Chiêu soạn thảo kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh Gia Định[1].
Để chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghĩa, đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng Ủy ban khởi nghĩa cử người đi các địa phương trong tỉnh để nắm tình hình và chuẩn bị lực lượng. Đặc biệt, đồng chí Phạm Văn Chiêu rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để thúc giục tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân chuyển bị cho tổng khởi nghĩa. Đồng chí Phạm Văn Chiêu trực tiếp chủ trì một cuộc mít tinh tại rạp hát Lạc Xuân (Gò Vấp) để tuyên truyền, giải thích về Cương lĩnh và Chương trình của mặt trận Việt Minh. Ngoài ra, Ủy ban khởi nghĩa cho dán khẩu hiệu, truyền đơn được dán ở nhiều nơi vận động đồng bào ủng hộ Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên các nóc nhà cao trong thị xã Gia Định và Gò Vấp... Trên các nẻo đường thôn xóm đâu đâu cũng vang lên lời ca, tiếng hát kêu gọi thúc dục nhân dân chuyển bị đấu tranh.
Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân, công tác tổ chức chuyển bị cho tổng khởi nghĩa được đồng chí Phạm Văn Chiêu và Ủy ban khởi nghĩa cho thành lập các ban, mỗi ban phụ trách một mảng công việc để gấp rút chuyển bị cho khởi nghĩa: Tiểu ban Tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Bảo phụ trách, Tiểu ban Binh vận do đồng chí Dược phụ trách, tiểu ban đề phòng địch chống cự do đồng chí Tư phụ trách. Tiểu ban Binh vận tích cực vận động lực lượng binh lính, cảnh sát để kiềm chế địch...[2]
Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ (Tiền Phong), đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng Tỉnh ủy Gia Định (Tiền Phong) tích cực vận động các tầng lớp nhân dân Gia Định, phối hợp cùng Xứ ủy (Tiền Phong) tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Các đồng chí lãnh đạo trong Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa Gia Định đi về các địa phương trực tiếp lãnh đạo phong trào và vận động quần chúng chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn.
Rạng sáng 25/8/1945, hàng vạn quần chúng Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, Thủ Đức và các làng phía tây bắc Gò Vấp, tập hợp hàng ngũ chỉnh tề, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định, Đoàn Hóc Môn do đồng chí Nguyễn Oắng, Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Quận ủy Hóc Môn điều hành. Đoàn Thủ Đức do đồng chí Phạm Văn Búng, Tỉnh ủy viên phụ trách. Đoàn Bà Điểm do đồng chí Huỳnh Văn Thớm, Bí thư Tỉnh ủy điều hành. Ba đoàn đều tổ chức theo từng địa phương, mỗi đoàn đều có cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng và cờ vàng sao đỏ, có đội vũ trang hộ vệ bằng súng, gươm trang nghiêm và các khẩu hiệu.
Hai đoàn biểu tình của Hóc Môn và Bà Điểm nhập tại đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn ngày nay) hợp thành một đoàn thống nhất của tỉnh. Cùng lúc đó các đoàn biểu tình của các quận Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Trung Quận, Lái Thiêu... và đoàn của các tỉnh lân cận như Chợ Lớn, Tân An, Thủ Dầu Một, Biên Hòa... cùng nhân dân thành phố nườm nượp kéo vào Sài Gòn tham dự mít tinh và tuần hành giành chính quyền ở Sài Gòn.
Sau khi dự mít tinh và tuần hành ở Sài Gòn, đoàn biểu tình tỉnh Gia Định (Tiền Phong) quay về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Gia Định, khoảng 2 giờ chiều, đoàn người bao vây tòa bố Gia Định (dinh Tỉnh trưởng). Tỉnh trưởng Gia Định Nguyễn Phước Lộc khiếp sợ giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Chính quyền toàn tỉnh Gia Định thuộc về tay nhân dân. Chiều 25/8/1945, cờ đỏ sao vàng được cắm trên Tòa bố Gia Định (số 6 đường Phan Đăng Lưu ngày nay). Sau đó, đoàn biểu tình quận Gò Vấp quay về giành chính quyền ở Gò Vấp. Quận trưởng Tạ Nhật Tứ nhận thấy không kháng cự nổi, nên đã bàn giao chính quyền cho lực lượng cách mạng.
Sau thắng lợi giành chính quyền Sài Gòn và tỉnh Gia Định, đồng chí Phạm Văn Chiêu và Ban lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền gấp rút lập kế hoạch và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh phải nhanh chóng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Chiều ngày 26/8/1945, Đảng bộ quận Hóc Môn cử một phái đoàn gồm các đồng chí Lê Thanh Châu (Sáu Phiên) Trưởng đoàn, Nguyễn Văn Thức, Lê Phẩm Thinh, Cao Đức Luốt, Nguyễn Văn Phúc, Lâm Minh Quang, Chế Văn Thơm... vào dinh quận Hóc Môn đòi quận Huân giao lại chính quyền. Quận Huân đã chuẩn bị trước nên nhanh nhẹn ra đón tiếp phái đoàn và chấp hành bàn giao toàn bộ chính quyền gồm sổ sách, hồ sơ, dinh trại cùng 1 trung đội lính khố xanh với đầy đủ súng đạn. Chính quyền quận Hóc Môn đã về với cách mạng toàn vẹn.
Tại Thủ Đức, chiều ngày 25/8/1945 lực lượng khởi nghĩa khu vực Dĩ An do đồng chí Đào Sơn Tây, Trịnh Phong Đán, Trần Thắng Minh phối hợp với lực lượng của Trần Văn Ngà, lực lượng ở thị trấn Thủ Đức giành chính quyền ở huyện. Dựa vào lực lượng quần chúng đông đảo và lực lượng Thanh niên Tiền Phong có võ trang, hiên ngang tiến vào dinh quận (phủ huyện). Thủ lãnh Thanh niên Tiền Phong Trần Thắng Minh được cử vào gặp quận trưởng Trần Văn Viễn yêu cầu giao lại chính quyền cho Việt Minh.
Trước khí thế cách mạng của quần chúng, Quận trưởng Trần Văn Viễn không dám chống cự, buộc phải giao lại toàn bộ ấn tín, giấy tờ và phải ra lệnh cho cảnh sát giao nộp toàn bộ vũ khí cho cách mạng. Đúng 16 giờ ngày 25/8/1945, lực lượng cách mạng giành được chính quyền ở thị trấn Thủ Đức.
Tại huyện cần Giờ (thuộc Vũng Tàu lúc bấy giở) do vị trí địa lý, nên sự chỉ đạo của tỉnh xuống chậm. Ngày 25/8/1945, khi nghe tin Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, tại làng Bình Khánh các đoàn Thanh niên Tiền Phong của làng mang tên Trần Hưng Đạo, Võ Tánh, Lê Phước Điền, Ngô Quyền, Hoàng Diệu... với vũ khí thô sơ đã nổi dậy xông vào đồn bót quân Nhật và tay sai. “Cờ đỏ sao vàng” tung bay khắp ỉàng và cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi....
Như vậy, cùng với thắng lợi khởi nghĩa ở Sài Gòn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban khởi nghĩa, ngày 25/8/1945, khởi nghĩa ở tỉnh Gia Định giành thắng lợi nhanh chóng và sau vài ngày, khởi nghĩa ở các quận, huyện trong tỉnh cũng giành được thắng lợi. Đặc biệt, nhiều địa phương như Hóc Môn, Thủ Đức... giành thắng lợi nhanh chóng một cách hòa bình, không đổ máu, bảo toàn được toàn bộ giấy tờ, ấn tín và trang bị vũ khí của chính quyền cũ.
Thắng lợi khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn, Gia Định có ý nghĩa vô cùng quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của tổng khới nghĩa ở Nam Bộ. Đúng như đồng chí Lê Duẩn khẳng định: "Cách mạng tháng Tám là cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt ở các thành thị lẫn nông thôn mà đòn quyết định là cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn"[3].
Ngôi trường mang tên Phạm Văn Chiêu tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh
Thắng lợi khởi nghĩa ở Gia Định có vai trò công lao, đóng góp của đồng chí Phạm Văn Chiêu, một trong những nhà lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Gia Định. Đặc biệt, đồng chí Phạm Văn Chiêu là người trực tiếp xây dựng và soạn thảo kế hoạch khởi nghĩa. Với những đóng góp vào thắng lợi của khởi nghĩa ở Gia Định nên sau khi Cách mạng tháng Tám thành công ở Gia Định, ngày 23/9/1945, đồng chí Phạm Văn Chiêu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Gia Định.
Từ một trí thức, một thầy giáo yêu nước đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia cách mạng trở thành một trong những người lãnh đạo quan trọng của tỉnh Gia Định là người soạn thảo kế hoạch khởi nghĩa và trực tiếp lãnh đạo các tầng lớp nhân dân Gia Định tiến hành khởi nghĩa tháng Tám ở Gia Định thắng lợi.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Văn Chiêu với sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân Chương độc lập. Đặc biệt, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không quên những công lao đóng góp của đồng chí đã lấy tên Phạm Văn Chiêu đặt tên cho đường phố, trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1995, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định lấy tên đồng chí Phạm Văn Chiêu đặt tên cho một con đường, một trường trung học cơ sở tại quận Gò Vấp. Ngày 27/3/1996, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn ban hành Quyết định số 80/QĐ-UB, quyết định lấy tên Nhà giáo cách mạng Phạm Văn Chiêu đặt tên cho một trường tiểu học tại chiến khu An Phú Đông.
Kim Dung
[1] Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn-Chợ Lớn và Gia Định, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.129
[2] Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn-Chợ Lớn và Gia Định, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr 129
[3] Lê Duẩn: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1976, t.2, tr. 649.