Khi căng thẳng thương mại Trung-Mỹ nổ ra, Việt Nam được cho sẽ là điểm đến của các tập đoàn quốc tế. Khi thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 và nhiều khiếm khuyết của chuỗi cung ứng toàn cầu được bóc trần, thế giới đặt vấn đề với tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc; Việt Nam một lần nữa được nhắc đến như là điểm dừng chân mới của dòng vốn FDI.
Quả thật, Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong chống dịch, và có điều kiện để tập trung khôi phục, phát triển kinh tế và chúng ta có đủ niềm tin để thu hút vốn FDI, tạo đột phá cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bình tĩnh nhìn nhận để có những hành động hợp lý, để có thể hiểu rõ và cụ thể hóa các cơ hội thu hút dòng vốn FDI này.
Dòng vốn FDI ra khỏi Trung Quốc
Đầu tiên, chúng ta phải khẳng định rằng, kể cả trước khi đại dịch nổ ra, vấn đề chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã được đặt ra khi đầu tư vào Trung Quốc quả thật đã trở nên đắt đỏ với sự gia tăng đáng kể các chi phí như lao động, đất đai, quản lý môi trường, và các yếu tố kinh doanh khác. Chiến lược Trung Quốc +1 là một trong những giải pháp được đề cập đến nhiều, theo đó sản xuất sẽ được chuyển ra các nước lân cận Trung Quốc. Một mặt, các tập đoàn đa quốc gia có thể giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác, hàng hóa sản xuất ra vẫn có thể thuận lợi quay lại phục vụ thị trường rộng lớn này.
Đại dịch Covid-19 là cơ hội để các nước và tập đoàn đa quốc gia nhận ra rằng, việc phụ thuộc vào Trung Quốc không chỉ là vấn đề chi phí, mà thật sự là một rủi ro lớn: Khi chuỗi cung ứng phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia, một mắt xích nào đó, khi mắt xích đó có vấn đề, toàn bộ chuỗi sẽ có thể bị đứt gãy. Quả thực, khi cung một số mặt hàng thiết yếu không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong đại dịch, các quốc gia và tập đoàn nhận thức được sự bất lực của mình.
Theo Giáo sư Karen Dynan (Đại học Harvard), nguyên Phụ tá Bộ trưởng đặc trách Chính sách Kinh tế của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Covid-19 đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình các công ty Mỹ chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc có nghĩa là dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Cho đến lúc này, không còn nhiều nghi ngờ là làn sóng đó sẽ xảy ra. Một loạt các nước lớn như Hoa Kỳ, UK, các nước châu Âu, Ấn Độ, v.v. đã trực diện đặt vấn đề cắt giảm mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng vốn FDI được đưa ra khỏi Trung Quốc sẽ dừng chân ở đâu sẽ là một vấn đề cần làm rõ.
Đầu tiên, phải nhấn mạnh rằng, dòng chảy vốn FDI toàn cầu sau đại dịch có mối quan hệ chặt chẽ với sự tái cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được tái cấu trúc theo hai hướng: một là các nước sẽ kéo hoạt động sản xuất kinh doanh về gần với nước mình để tăng tính linh động trong ứng phó với các cú sốc cung-cầu, và hai là đa dạng hóa chuỗi bằng cách phân tán các cơ sở sản xuất sang một nước thứ ba ngoài Trung Quốc.
Để minh họa trong tháng 04/2020, Nhật Bản đã dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy về trong nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á.
Trong khi đó, cũng trong tháng 04/2020, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow cho rằng Washington nên gánh chịu chi phí để các công ty Mỹ chuyển các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và đưa về Mỹ.
Theo hãng tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney, chỉ số đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp (Reshoring Index) cho thấy năm 2019, hàng sản xuất nội địa Mỹ đã chiếm một thị phần đáng kể so với hàng nhập khẩu từ 14 nền kinh tế châu Á. Cũng theo hãng tư vấn này, trong năm 2019, hơn 31 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ là hàng đã được dịch chuyển từ nguồn Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, v.v.
Thứ hai, phải khẳng định rằng, cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI sau đại dịch là vô cùng quyết liệt. Một mặt, trong hơn 05 năm qua, FDI toàn cầu chứng kiến một sự suy giảm liên tục từ hơn 2000 tỷ USD năm 2015 xuống còn hơn 1500 tỷ năm 2019. Đại dịch chắc chắn sẽ làm cho khối lượng vốn FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm. Mặt khác, các nước, đặc biệt các nước đang phát triển, cần nguồn lực lớn để khôi phục kinh tế sau đại dịch và do vậy sẽ có những hành động quyết liệt để kéo vốn FDI về với nước mình.
Sau đại dịch, rất nhiều nước trong khu vực sẽ là đối thủ trực tiếp của Việt Nam. Bên cạnh các đối thủ truyền thống khác, có thể kể đến hai đối thủ quan trọng là Ấn Độ và Indonesia. Ấn Độ là đất nước với hơn 1.3 tỷ dân, thị trường rộng lớn, và có một bộ phận đáng kể lao động có kỹ năng đa dạng, phong phú. Gần đây, Ấn Độ có nhiều động thái «căng thẳng» với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế như khuyến cáo các công ty nước này trong việc sử dụng các dịch vụ 5G của các nhà cung cấp Trung Quốc, hay kêu gọi tẩy chay các ứng dựng Trung Quốc như Tik Tok. Ấn Độ với chiến lược «Make in India», tại thời điểm này đang thật sự muốn trở thành công xưởng tiếp theo của thế giới.
Tương tự, Indonesia cũng là một nên kinh tế lớn, với quy mô thị trường lớn gấp ba lần Việt Nam; đây cũng là nền kinh tế với lực lượng lao động có kỹ năng không thấp hơn Việt Nam.
Và điểm đến là Việt Nam...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có nhận thức và tiếp cận hợp lý để có thể thành công thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta cần nhận thức rằng, trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh xu hướng kéo sản xuất về trong nước và khu vực lân cận, còn có xu hướng chuyển sản xuất sang nước thứ ba ngoài Trung Quốc. Điều này cũng là để các tập đoàn đa quốc gia phục vụ các thị trường mục tiêu ở xa, bao gồm cả Trung Quốc. Đây chính là «đối tượng» FDI để Việt Nam thu hút.
Thứ hai, trong cuộc cạnh tranh dòng vốn FDI sau đại dịch, Việt Nam cần xác định lợi thế cạnh tranh của mình. Thứ nhất, Việt Nam cần cụ thể hóa lợi thế là một nước láng giềng của Trung Quốc, và do vậy có thể là cửa ngõ để vào Trung Quốc như Chiến lược Trung Quốc +1. Thứ hai, Việt Nam cần làm rõ hơn lợi thế địa chính trị của mình trong khu vực như là một thuận lợi để các tập đoàn đa quốc gia có thể mở rộng và kết nối các hoạt động sản xuất kinh doanh ra toàn khu vực. Thứ ba, từ đòn bẩy của thành công chống dịch Covid-19, Việt Nam phải củng cố hình ảnh là một điểm đến an toàn và ổn định cho các dòng vốn. Và thư tư, Việt Nam cần tiếp tục củng cố niềm tin cho nhà đầu tư về môi trường kinh doanh cũng như chất lượng các yếu tố đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, Việt Nam cần có chiến lược hợp tác với các nước trong khu vực, thậm chí với các đối thủ tiềm năng như Ấn Độ, Indonesia, v.v. để có một chiến lược chung có thể phát huy lợi thế của nhau trong thu hút FDI.
Ngày 29/4/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Chính phủ Mỹ đang làm việc với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Một liên minh như vậy sau đại dịch có thể là một tiếp cận hợp lý để tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế chung trong khu vực, trong đó có thu hút FDI.
Cuối cùng, một điểm cần nhấn mạnh nữa là, trong bất cứ tình huống nào, Việt Nam cần thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Trong thời gian tới, chúng ta cần bám sát nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), theo đó, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo xu thế cuộc cách mạng 4.0, hay thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang có nhu cầu cao.
V.A.N.