Tình hình thế giới vào những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ XX tác động mạnh mẽ đến việc điều chỉnh chính sách, chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy, phát triển đường lối đối ngoại cho phù hợp. Từ định hướng coi “đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại”, Đảng ta đã từng bước chuyển sang đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại; từ chỗ chú trọng nhân tố chính trị - quân sự, sang ưu tiên cho nhân tố kinh tế, giữ vững hòa bình, độc lập và phát triển.
Điểm khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng được đánh dấu bởi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 1988) khi khẳng định, lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung xây dựng, phát triển kinh tế vì một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VI khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng. Ảnh tư liệu
Như vậy, từ yêu cầu của việc bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và phát triển đất nước, Đảng ta đã đổi mới nhận thức về tình hình thế giới và khu vực, chuyển sang cách tiếp cận toàn diện hơn, coi thế giới như môi trường tồn tại, phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, Đảng cũng phải có sự đổi mới về tư duy đối ngoại để thích nghi với những biến đổi và yêu cầu của thực tiễn. Kết quả của quá trình đó là sự hình thành những hệ thống quan điểm đánh giá tình hình thế giới sát hơn, từ đó xây dựng chính sách đối ngoại ngày càng có hiệu quả phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc trong các giai đoạn cách mạng cụ thể.
Bước sang đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới đòi hỏi chúng ta cần nhận thức nhạy bén và dự báo được những diễn biến phức tạp, những thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế để có sự chỉ đạo phù hợp về đối ngoại. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau, trên cơ sở cùng tồn tại hòa bình. Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) tuyên bố thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.
Để cụ thể hóa chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa với tất cả các nước theo nguyên tắc đã được xác định, Đại hội VIII (năm 1996) của Đảng chủ trương: “Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Trong đó, Đảng dành ưu tiên lớn, xác định trọng tâm của mối quan hệ quốc tế là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và các nước ASEAN.
Trên cơ sở quan điểm của Đại hội VII và VIII, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đã bổ sung, phát triển thành: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Sự bổ sung và phát triển mới này vừa thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữa nghị của Đảng, Nhà nước ta, mong muốn chân thành sẽ là bạn với những ai mong muốn là bạn của Việt Nam, đồng thời biểu thị thái độ trách nhiệm cao của nước ta trong quan hệ quốc tế.
11 quốc gia trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago - Chile ngày 8/3/2018. Ảnh: Internet
Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam khi khẳng định: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. Sau đó, các Đại hội XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung thêm quan điểm của Đại hội X.
Đến Đại hội XIII, Đảng xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại.Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng đồng quốc tế”.
Có thể nói, từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là bạn, là đối tác tin cậy”, “là thành viên tích cực, có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế là cả một quá trình bổ sung, hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta, thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng ta về đối ngoại qua mỗi thời kỳ lịch sử, tiến kịp với sự phát triển của thời đại, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Việt Nam chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, tháng 11-2020
Sự phát triển tư duy và quan điểm đối ngoại của Đảng còn thể hiện ở việc đổi mới nhận thức về hợp tác và đấu tranh, từ quan niệm “địch - ta”, chuyển sang cách nhìn nhận có tính biện chứng về đối tác và đối tượng trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc trong từng hoàn cảnh cụ thể. Theo đó, những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Và bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Với sự nhìn nhận biện chứng này thì trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta nên cần có biện pháp và hình thức đấu tranh thích hợp; còn trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác.
Đảng ta cũng nhận thức thực tế hơn về hội nhập quốc tế. Từ chỗ “phá thế bao vây, cấm vận” tiến đến “hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới”, và tiếp theo là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” một cách toàn diện, sâu rộng. Theo đó, Việt Nam không ngừng phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè truyền thống và quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, đổi mới tư duy còn giúp chúng ta thấy rõ quan hệ giữa các nước lớn với nhau, quan hệ giữa các nước lớn với các nước nhỏ, cũng như quan hệ giữa các nước láng giềng. Đó là những quan hệ chằng chịt, phức tạp đòi hỏi phải có chính sách đối ngoại mềm dẻo, cùng với sự ứng biến khéo léo với tinh thần bảo vệ bằng được độc lập dân tộc, lợi ích quốc gia và gìn giữ hòa bình để phát triển.
Có thể nói, Đảng ta đã nhận thức một cách nhanh nhạy và kịp thời những biến đổi nhanh chóng, liên tục của tình hình thế giới, từ đó tích cực, chủ động đổi mới tư duy đối ngoại và từng bước hoàn thiện đường lối đối ngoại đổi mới, chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Thông qua đó, Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ đối ngoại song phương và đa phương, tham gia và phát huy tốt vai trò của mình tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, ASEAN, ARF, ASEM... Nhờ vậy, Việt Nam đã tận dụng được các nguồn lực của thế giới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nền độc lập của dân tộc.
Bá Tuyên