Tây Nam Bộ là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, như một bán đảo hình chữ V, với mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của lãnh thổ trên đất liền. So với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, đây là vùng đất mới, nhưng lại là một vùng đất mà văn hóa văn vô cùng giàu có, đa dạng và con người mang trong mình bản sắc riêng đậm đà.
Từ thế kỷ XVII vùng đất này mới được khai phá một cách nhanh chóng. Vùng đất được hình thành bằng phù sa và luôn luôn được phù sa bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Đây là vùng đất đa văn hóa với sự hội tụ của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó, chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm.
Tây Nam Bộ cũng là vùng đất đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt, người dân Tây Nam bộ cũng thờ các vị Thành Hoàng, Bà Chúa Xứ, những người có công khai hoang, lập ấp và các vị anh hùng trong đấu tranh bảo vệ làng ấp, có công với nước. Người dân nơi đây cũng rất mộ đạo và đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của nhiều tôn giáo khác nhau bao gồm Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu nghĩa, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tin Lành, Đạo Hồi (dòng Islam), Bửu Sơn Kỳ Hương.
Bản sắc riêng con người Tây Nam Bộ cũng như truyền thống yêu nước, bất khuất đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức, bất công được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình khẩn hoang, mở nước, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp, thành phần, cùng chung lưng đấu cật, đổ mồ hôi, xương máu để xây dựng cuộc sống, đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Chính quá trình lịch sử đó đã hun đúc cho cộng đồng cư dân qua các thế hệ nơi đây những đặc trưng tính cách văn hóa tốt đẹp, tạo nên những giá trị, sức mạnh lớn lao, mà ngày nay đã trở thành điểm tựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Tây Nam Bộ và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thứ nhất, con người Tây Nam Bộ hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước. Vùng Tây Nam Bộ có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc và là nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông sông biển quốc tế nên con người nơi đây biết khai thác tối đa lợi thế của tự nhiên nhằm phục vụ cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của mình, hình thành đặc trưng tính cách văn hóa nổi bật đó là “tính hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước”.
Nhờ đó, cư dân trong vùng biết khai thác và nuôi trồng lúa, cây ăn trái và nhiều loại thủy, hải sản và gia cầm phong phú như các loại cá, tôm, cua, lươn, ếch, rắn, vịt chạy đồng v.v..; phát triển mạnh giao thông đường thủy với hàng triệu chiếc tàu thuyền, xuồng ghe chuyên chở, kết nối toàn vùng Tây Nam Bộ với các địa bàn khác. Người dân cũng đẩy mạnh các ngành nghề khai thác rừng ngập nước, rừng ngập mặn với nguồn sản vật mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.
Biết sống hòa hợp với thiên nhiên sông nước, cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, cư dân vùng Tây Nam Bộ đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng, biến nơi đây trở thành trung tâm sản xuất và chế biến nông, thủy sản, lương thực, thực phẩm lớn nhất của Việt Nam.
Hiện nay, Tây Nam Bộ đóng góp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây của cả nước. Sản xuất thủy sản chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu, hằng năm cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt và gần 67% sản lượng thủy sản nuôi trồng, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thứ hai con người miền Tây Nam Bộ trọng tình, trọng nghĩa. Tây Nam Bộ cũng là vùng đất mới so với các vùng miền khác trên lãnh thổ Việt Nam, được đẩy mạnh khai phá từ thế kỷ XVII đến nay, đây là địa bàn cư trú của những con người từ nhiều nơi đến đây lập nghiệp.
Do hoàn cảnh mới đầy khó khăn, thú dữ đe dọa, điều kiện tự nhiên buổi ban sơ khắc nghiệt, nên con người phải yêu thương đùm bọc, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng tạo dựng cuộc sống, từ đó hình thành “tính trọng nghĩa” trong tính cách văn hóa người dân vùng Tây Nam Bộ: rất chí cốt, chung thủy, coi trọng lẽ công bằng, hành động quên mình vì nghĩa, cá tính mạnh mẽ, giàu nghị lực, làm việc nghĩa một cách hoàn toàn tự nguyện, không màng lợi lộc, không đòi hỏi sự đền đáp.
Nơi đây là quê hương của những nhà hoạt động cách mạng ưu tú như Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Châu Văn Đặng, Trần Văn Giàu, Võ Văn Kiệt, v.v.. luôn hết lòng vì nước vì dân.
Phát huy tinh thần của các thế hệ lão thành cách mạng, cho đến hôm nay, tính trọng nghĩa vẫn ăn sâu vào tiềm thức của lớp lớp cán bộ, đảng viên, giúp họ luôn có tinh thần gần dân, vì dân phục vụ, cùng nhân dân đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, giàu đẹp.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo, người dân cũng sẵn sàng hiến hàng ngàn, hàng vạn mét vuông đất cho địa phương để xây trường học, bệnh viện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều mô hình mới, cách làm hay trong làm ăn kinh tế, quản lý xã hội, liên kết cộng đồng như Mô hình Hội quán, cafe doanh nhân ở Đồng Tháp... là những minh chứng cho điều đó.
Thứ ba, con người Tây Nam Bộ tính cách bộc trực, bao dung, mở thoáng nhưng thiết thực. Với những đặc trưng tính cách đó, sự dân chủ, bình đẳng được đề cao; con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mọi sự đột phá, tìm tòi cái mới, dễ chấp nhận cái mới, luôn xuất phát từ thực tiễn để tìm kiếm giải pháp giải quyết những khó khăn, thử thách được khuyến khích thực hiện.
Những năm trước đổi mới, một số địa phương vùng Tây Nam Bộ như An Giang, Long An là những mũi đột phá đi đầu, đóng góp lớn vào quá trình tổng kết thực tiễn, tìm tòi con đường đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Đây cũng là vùng đất sản sinh ra những người con với tính năng động, sáng tạo của mình đã đi tiên phong trên nhiều lĩnh vực như: nhà bác học Trương Vĩnh Ký đi đầu trong canh tân văn hóa, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đi tiên phong trong khoa học kỹ thuật, giáo sư Lương Định Của trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng các loại giống lúa, cây trồng.
Tây Nam Bộ nổi tiếng là đất của hàng loạt “kỹ sư Hai lúa” với tài năng, sức sáng tạo vô biên đã tự chế tạo thành công hoặc cải tiến nhiều loại máy móc, kỹ thuật cao. Gần đây, Kỹ sư Hồ Quang Cua đã nghiên cứu, lai tạo và gieo trồng giống lúa ST25, tạo ra loại gạo được bình chọn ngon nhất thế giới, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Những đặc trưng tính cách văn hóa tốt đẹp của con người vùng Tây Nam Bộ như trên đã, đang và sẽ là nguồn sức mạnh lớn giúp vùng đất này có sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi Trung ương đang và sẽ có những đầu tư mạnh mẽ xây dựng kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế,... cho vùng.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa những giá trị, sức mạnh văn hóa - con người Tây Nam bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng cần khắc phục một số hạn chế trong tính cách văn hóa như sự xuề xòa, tạm bợ, an phận, tùy tiện v.v.. có như vậy, những giá trị, sức mạnh đó mới tiếp tục được củng cố, phát triển, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển của vùng, sự phát triển chung của đất nước./.
Khải Hoàng