Đầu năm 2020 kinh tế Việt Nam đã được kì vọng sẽ chuyển mình “cất cánh” mạnh mẽ nếu như không có sự xuất hiện “làn gió ngược” - đại dịch Covid 19. GDP từ chỗ tăng 6,79% quý I năm 2019 đã giảm xuống chỉ còn 3,82% cùng quý năm 2020. Cũng trong quý I, 2020, có gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).
Trước tình hình đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành quyết liệt nghiên cứu, ban hành, thực thi. Mặt khác, là một nền kinh tế có độ mở lớn với kinh tế thế giới (xuất nhập khẩu trên dưới 200% GDP), Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chính sách tài khóa và tiền tệ được chủ động “mở rộng” một cách nhanh chóng để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, đưa nền kinh tế sớm vượt qua khủng hoảng.
Đến nay, khi dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả ở trong nước, Việt Nam đứng trước “yêu cầu kép” kiểm soát dịch bệnh & tái phục hồi nền kinh tế theo mô hình “chữ V”.
Một trong những đối tượng bị “tổn thương” nhất bởi đại dịch Covid 19 chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - vốn là đối tượng chiếm đến 98,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 42% GDP, 31% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động. Do vậy, phải tìm mọi giải pháp nhằm để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này. Qua thực tiễn, bài viết xin đúc rút một số nội dung và khuyến nghị giải pháp như sau.
Thứ nhất, giải pháp về hỗ trợ vốn: cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục mở rộng thị trường vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong rất nhiều nhu cầu đảm bảo cho việc duy trì khả năng hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hậu Covid 19, nhu cầu về vốn luôn chiếm ưu tiên hàng đầu. Đáp ứng nhu cầu vốn sẽ là một trong những điều kiện căn bản cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đặc biệt sau giai đoạn đại dịch; do vậy thị trường vốn “mở rộng” là một yếu tố cần thiết cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay.
Kết luận số 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước cũng khẳng định rõ: “Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… đặc biệt là các DNNVV vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19”.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04-3-2020 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 với gói hỗ trợ tín dụng hơn 250 ngàn tỷ đồng; cùng với đó là các gói hỗ trợ tài khóa (185.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ đồng) và gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của Chính phủ, số lượng đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5 có sự khởi sắc, với hơn 10.700 doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước, tăng 36,1% so với tháng 4/2020. Cũng trong tháng 5, có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ hai, giải quyết bài toán về sản xuất: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam “tái cơ cấu”, tham gia vào các “chuỗi giá trị” đa dạng, hiệu quả hơn.
Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian qua đã tạo nên những ảnh hưởng tích cực đến uy tín và “vị thế” của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam như là một trong những ‘điểm đến an toàn’ cho đầu tư sản xuất - kinh doanh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao thương thời gian tới. Tuy nhiên, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, cạnh tranh xuất khẩu, tìm kiếm thị trường luôn là vấn đề đối với DNNVV, và càng nan giải hơn với các doanh nghiệp ngày giai đoạn hậu đại dịch…
Phản ứng trước đại dịch, Nhà nước đã có những phản ứng chính sách chung đúng hướng để phục hồi nền kinh tế Việt Nam khi đưa ra một loạt các gói chính sách chính sách tài khóa, tiền tệ “mở rộng” để kích cầu và đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, “tái cơ cấu” trong sản xuất - kinh doanh: ngoài các gói nêu trên bao gồm gói 185.000 tỷ hỗ trợ giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông 15.000 tỷ đồng, và hỗ trợ giá điện khoảng 12.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng đã có những tiếp cận mạnh mẽ hơn với gói giải ngân vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho DN hơn 250.000 tỷ đồng.
Trong các gói hỗ trợ trên, gói giải ngân vốn đầu tư công có giá trị lớn nhất; do đó, nếu Chính phủ có cơ chế phân tách những dự án ‘đầu tư công’ này ra thành các “gói nhỏ” hợp lý sẽ tạo điều kiện cho các DNNVV của Việt Nam tham gia vào quá trình đấu thầu, mở rộng sản xuất. Đây là một trong những việc làm cấp thiết và “hữu ích” hiện nay để giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục duy trì hoạt động và đứng vững trên thị trường. Thêm nữa, với các chính sách về giảm chi phí đầu vào đã được đề xuất như: giảm giá điện của Bộ Công thương để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho 02 nhóm khách hàng sản xuất và du lịch; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không…
Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa “tái cấu trúc” nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài… Thêm nữa, Chính phủ đã có chủ trương tiếp tục hỗ trợ “khởi nghiệp” sáng tạo và chuyển đổi số trong: sản xuất, marketing, bán hàng, tìm thị trường, liên kết theo chuỗi… cho các DNNVV.
Ba là, giải pháp về thị trường: Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Khi tình hình dịch bệnh của thế giới vẫn còn trong trạng thái diễn biến khá phức tạp thì Việt Nam chúng ta đã dần đi vào thế ổn định, hoạt động sản xuất và kinh doanh vì vậy dần ổn định ở trạng thái ‘bình thường mới’ (the new normal). Đây có thể xem là một trong thời cơ để giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thế giới. Dịch bệnh xảy ra, kinh tế suy thoái nhưng rõ ràng nhu cầu tiêu dùng vẫn luôn còn, đặc biệt là nhu cầu hàng hóa thiết yếu, nông sản - vốn là lợi thế của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
“Điểm tựa” lớn nhất của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 chính là lĩnh vực nông nghiệp (đang xuất khẩu 41,3 tỷ USD), và sự khó khăn trong bình thường hóa các hoạt động sản xuất của các nước là thời điểm để Việt Nam hiểu rõ hơn cơ hội của mình và hiện thực hóa việc tiếp tục mở rộng thị trường nông sản quốc tế của mình. Do vậy, Chính phủ cần có các chương trình xúc tiến xuất khẩu, là một cách giúp cho bài toán thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được giải quyết.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) đã được phê chuẩn, và cần được nhanh chóng thúc đẩy đưa vào thực thi để trở thành những “xa lộ thương mại, đầu tư” mới thúc đẩy DNNVV tăng cường giao thương, phát triển.
Dự báo, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó); Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng thể, CPTPP, EVFTA sẽ góp phần giúp các DN Việt Nam nói chung, DNNVV đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế, phát triển bền vững đất nước./.
Hai Điền