Tác động của ngập mặn đối với phát triển xã hội ở vùng Tây Nam Bộ
Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và một số nhân tố khác, từ cuối năm 2015 đến nay, các địa phương vùng Tây Nam Bộ đã hứng chịu các đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng.[1] Hạn hán và ngập mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng nhiều mặt đến sinh kế và cuộc sống của người dân. Đến nay, tuy vẫn chưa có những nghiên cứu và đánh giá “định lượng” một cách đầy đủ về sự tác động của ngập mặn đối với phát triển xã hội ở vùng Tây Nam Bộ, về mặt “định tính” có thể thấy ngâp mặt, sạt lở, sụt lún với những tác động của nó đặt ra một loạt vấn đề lớn và bức thiết đối với quản trị phát triển xã hội của vùng: (i) Cùng với hạn, ngập mặn, đến nay ở khu vực Tây Nam bộ đã xuất hàng ngàn điểm sụt lún, sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng và tài sản của một bộ phận đáng kể người dân.[2] Vì vậy, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân là vấn đề đầu tiên cần quan tâm trong quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ; (ii) Hạn và ngập mặn ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiếp cận một số dịch vụ công thiết yếu của người, đặc biệt là nước ngọt cho sinh hoạt. Do hạn và ngập mặn nên nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trở nên khám hiếm và khó khai thác, chất lượng nước giảm sút và mức độ ô nhiễm độc hại cả về vật lý, hóa học và sinh học cao; nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng lên đáng kể. Riêng tỉnh Cà Mau, đến nay, có 20.500 hộ đang thiếu nước sinh hoạt. Vì vậy, đảm bảo đủ và đảm bảo chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân là vấn đề thứ hai mà quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ cần quan tâm; (iii) Hạn và ngập mặn ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế và thu nhập của người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, hạn mặn gây thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 ở khu vực Tây Nam bộ trên khoảng gần 39.000ha, chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng (1,54 triệu ha). Những thiệt hại như thế ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của người dân, làm tăng nguy cơ nghèo đói của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Do đó, đảm bảo sinh kế và thu nhập cho người dân, hạn chế tình trạng nghèo và tái nghèo là vấn đề tiếp theo mà quản trị phát triển xã hội ở vùng cần quan tâm; (iv) Hạn và ngập mặn ảnh hưởng đến việc làm của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có biện pháp căn cơ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng thì rất khó đảm bảo việc làm đầy đủ cho lao động nông thôn, có thể làm tăng mức độ dịch chuyển của lao động nông thôn khu vực này ra đô thị, nhất là các thành phố lớn. Ngoài ra, chất lượng môi trường và chăm sóc sức khỏe của người dân cũng là những vấn đề thường trực cần quan tâm trong quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ, đặc biệt trong bối cảnh ngập mặn.
Một số giải pháp quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam Bộ
Để quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam Bộ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh ngập mặn, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, xác định rõ mục đích, mục tiêu về quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn. Quan điểm, mục tiêu, và mục đích quản trị phát triển xã hội của Việt Nam là “lấy con người làm trung tâm” và “vì con người”. Do vậy, mục đích, mục tiêu của quản trị phát triển xã hội ở khu vực Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn, đó là “lấy nhân dân làm trung tâm”, tức là đảm bảo tốt các quyền con người, quyền công dân, mà cụ thể đó là đảm bảo tốt an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, cũng như quyền về việc làm, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền an sinh xã hội và những quyền cơ bản khác.
Hai là, cần có tiếp cận đa chiều về quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn. Để quản trị phát triển xã hội vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới, cần có cách tiếp cận đa chiều, liên ngành và đa ngành với một gói giải pháp về chính sách, thay vì các chính sách đặc thù, nhỏ lẻ. Nói cụ thể, các giải pháp và công cụ chính sách nhằm đạt được mục tiêu của quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn không chỉ dừng lại ở các giải pháp và công cụ chính sách xã hội, mà cần được đặt trong mối quan hệ với các lĩnh vực và công cụ chính sách khác, nhất là công cụ chính sách kinh tế. Quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn sẽ không hiệu quả nếu không có các biện pháp và chính sách kinh tế, nhất là về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ba là, cần phát huy đầy đủ và đồng bộ vai trò và sức mạnh của các chủ thể trong quản trị phát triển xã hội. Để phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh ngập mặn, cần phát huy đầy đủ và đúng mức vai trò của nhiều chủ thể, mà chủ yếu là: nhà nước (chính quyền địa phương), thị trường (doanh nghiệp) và xã hội (Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và người dân). Vai trò của ba chủ thể chủ yếu này thể hiện trong tất cả các nội dung của quản trị phát triển xã hội, từ sinh kế, giảm nghèo đến giải quyết việc làm cũng như hỗ trợ người dân trong việc đảm bảo nước sinh hoạt... Vai trò của một trong các chủ thể nói trên không được phát huy đúng mức đều không có lợi cho việc thực hiện và đạt được mục tiêu của quản trị phát triển xã hội. Trong ba chủ thể nói trên, vai trò của nhà nước là quan trọng nhất, thể hiện ở các biện pháp về công trình và phi công trình.
Bốn là, đánh giá chính xác và đầy đủ tác động của ngập mặn đối với quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ. Hiện nay, vẫn còn thiếu vắng các nghiên cứu và đánh giá đầy đủ và đáng tin cậy về tác động của ngập mặn đối với “phương diện xã hội” ở khu vực Tây Nam bộ. Chẳng hạn như, chưa có nghiên cứu và đánh giá về tác động của ngập mặn lên đối với các mặt như ô nhiễm môi trường, tính mạng, tài sản, sinh kế và thu nhập, việc làm… của người dân. Điều này không có lợi cho việc xây dựng, ban hành chính sách cũng như xác định tính ưu tiên để triển khai đối với các chính sách và biện pháp trong quản trị phát triển xã hội ở vùng Tây Nam bộ. Do đó, cần có nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, đáng tin cậy về sự ảnh hưởng của ngập mặn về “phương diện xã hội” ở khu vực Tây Nam bộ, góp phần cung cấp luận cứ cho việc việc xây dựng, ban hành và triển khai các biện pháp cấp bách cũng như chính sách dài hơi trong quản trị phát triển xã hội của vùng.
Năm là, khẩn trương lập và ban hành quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng tại phiên họp của Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày 27/5/2020; [3] đồng thời kịp thời xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch về sản xuất, phân bố dân cư trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động của biến đổi khí hậu và các nhân tố khác. Kinh nghiệm của một số nước, nhất là của Malayxia cho thấy, quy hoạch về sản xuất và phân bố dân cư một là một công cụ không thể thiếu trong quản trị phát triển bền vững nói chung cũng như trong quản trị phát triển xã hội vùng đặc thù; do vậy rất cần thiết trong trường hợp khu vực Tây Nam bộ. Trên cơ sở quy hoạch đó, cần thực hiện việc di dân ra khỏi những khu vực có điều kiện sản xuất khắc nghiệt cũng như có nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản của họ, cụ thể nhất là ở các khu vực có nguy cao về sụt lún và sạt lở.
Sáu là, thông qua nhiều phương thức khác nhau để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh các giải pháp tình thế nhằm cung cấp sinh hoạt cho người dân, như khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài đường ống từ các nhà máy nước tập trung, kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, đầu tư vòi công cộng, bồn nhựa, túi nhựa dẻo lớn đặt tại khu vực công cộng v.v., cần có những giải pháp cơ bản và dài hạn nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, trong đó quan trọng nhất là, xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông.
Bảy là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo hơn nữa sinh kế cũng như giải quyết việc làm cho người dân trong bối cảnh ngập mặn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp theo hướng thích ứng với ngập mặn và nền sản xuất sạch, an toàn là con đường cơ bản để giải quyết không những vấn đề kinh tế, mà còn cả những vấn đề xã hội ở vùng Tây Nam bộ như nghèo đòi, thiếu việc làm. Định hướng chủ yếu nhất cho khu vực này là tập trung phát triển kinh tế phi nông nghiệp với những giải pháp, như: (i) quan tâm phát triển các đơn vị kinh tế phi nông nghiệp quy mô nhỏ và tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị kinh tế này với các doanh nghiệp lớn ở khu vực thành thị; (ii) tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng nông thôn và có cơ chế tài chính phù hợp nhằm đảm bảo để hộ gia đình và người dân vùng nông thôn tiếp cận vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi và sử dụng vốn vay an toàn, hiệu quả; (iii) phát triển các khu công nghiệp, khu sản xuất tập trung ở vùng nông thôn nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm về sử dụng nguyên liệu và lao động ở vùng nông thôn của các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp ở nông thôn; (iv) tăng cường đào tạo nghề cho nguồn nhân lực khu vực nông thôn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động vùng nông thôn khu vực Tây Nam bộ theo hướng có chính sách đặc thù về đào tạo nghề cho vùng này; (v) phát triển du lịch nông thôn theo hướng nhà nước cần tăng cường công tác quy hoạch, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhằm thu hút và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông thôn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ bản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (vi) quan tâm hỗ trợ sự phát triển đối với ngành thủ công nghiệp truyền thống ở khu vực Tây Nam bộ thông qua các biện pháp, như: thực hiện cho vay ưu đãi, hỗ trợ các đơn vị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên các phương diện về công nghệ sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm; (viii) hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển lan tỏa của công nghiệp đô thị về vùng nông thôn.
Bình Trọng