Nâng cao địa vị kinh tế, xã hội, chính trị của phụ nữ là vấn đề căn cốt để thúc đẩy bình đẳng giới. Để đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ thì phụ nữ cần có cơ hội, điều kiện phát huy năng lực của mình bằng việc tham gia vào các hoạt động kinh tế, các vị trí lãnh đạo, quản lý, đồng thời họ sẽ được hưởng thành quả từ sự đóng góp của mình. Tuy nhiên, một rào cản rất lớn để phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, tham gia vào thị trường lao động là họ phải làm việc nhà quá nhiều. Vì vậy, giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ chính là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt bình đẳng giới.
(Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/4738-nang-cao-hieu-qua-quan-tri-hoat-dong-truyen-thong-ve-binh-dang-gioi-o-viet-nam.html)
Phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ từ rất sớm trong lịch sử đã gắn với công việc nhà như nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, đó cũng là lí do khiến phụ nữ luôn có địa vị thấp hơn nam giới bởi để khẳng định được vị trí, vai trò của mình thì họ phải tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội tạo ra thu nhập cho gia đình song chính thiên chức của người vợ, người mẹ khiến họ gặp phải mâu thuẫn “nếu làm tròn bổn phận phục vụ riêng cho gia đình, lại phải đứng ngoài nền sản xuất xã hội và không thể có được một thu nhập nào cả; và nếu họ muốn tham gia vào lao động xã hội và kiếm sống một cách độc lập, thì họ lại không có điều kiện để làm tròn nhiệm vụ gia đình”[1]. Vì vậy việc phụ nữ vừa tham gia công việc xã hội vừa là người đảm trách chính mọi công việc nhà cũng là bất công đối với phụ nữ bởi sức lực, thời gian của mỗi người có hạn. Nếu cùng một lúc đảm nhận vai trò chính trong cả hai việc thì họ sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi, phát triển bản thân, đồng thời cũng không thể có địa vị kinh tế, chính trị ngang bằng với nam giới trong các công việc xã hội. Tuy nhiên, cổ súy cho việc phụ nữ chỉ tham gia các công việc xã hội tạo ra thu nhập mà bỏ bê công việc nhà cũng không được. Vì vậy mà giải pháp quan trọng là giảm bớt gánh nặng công việc nhà cho phụ nữ nhưng vẫn phải đảm bảo các công việc nội trợ, chăm sóc của gia đình được tiến hành trơn tru, có hiệu quả vì đây là những công việc rất cần thiết đối với gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội. Đồng thời, tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các công việc của xã hội như Ph. Ăngghen đã khẳng định “người ta cũng đã thấy rằng sự giải phóng người phụ nữ, địa vị bình đẳng của người phụ nữ với nam giới, là không thể có được và mãi mãi sẽ không thể có được, chừng nào mà phụ nữ vẫn còn bị gạt ra ngoài lao động xã hội có tính chất sản xuất và còn phải khuôn mình trong lao động tư nhân của gia đình. Chỉ có thể giải phóng được người phụ nữ khi người phụ nữ có thể tham gia sản xuất trên một quy mô xã hội rộng lớn và chỉ phải làm công việc nhà rất ít”[2].
(Nguồn: https://tapchitamlyhoc.com/binh-dang-gioi-trong-gia-dinh-viet-nam-the-he-truoc-nuoi-duong-tu-tuong-the-he-sau-2309.html)
Thực tế, phụ nữ Việt Nam đang phải chịu sự bất bình đẳng giới vì nhiều phụ nữ Việt Nam hiện nay tham gia vào thị trường lao động là lực lượng chính cùng với người chồng tạo ra thu nhập cho gia đình nhưng họ phải đảm nhận công việc nhà nhiều hơn nam giới. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, phụ nữ tham gia thị trường lao động ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 76,8% nhưng đồng thời họ vẫn phải làm hầu hết công việc nhà với thời gian làm việc nhà của phụ nữ gấp đôi so với nam giới. Phụ nữ Việt Nam dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí, gần 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà[3]. Việc này khiến cho phụ nữ không còn thời gian để nghỉ ngơi hoặc nâng cao năng lực của bản thân trong công việc khiến việc khẳng định vị thế của họ trong công việc hạn chế hơn so với nam giới. Thu nhập của phụ nữ Việt Nam thấp hơn nam giới (tiền lương tháng thấp hơn 13.7% trong năm 2019) bất luận họ làm việc tương đương với nam giới và chênh lệch giới về trình độ học vấn được thu hẹp đáng kể, đồng thời dù chiếm một nửa lực lượng lao động nhưng chỉ đảm nhận chưa đến một phần tư vị trí lãnh đạo, quản lý[4]. Thậm chí có những phụ nữ vì công việc nhà mà không thể tham gia vào thị trường lao động. Số liệu điều tra lao động - việc làm năm 2018 cho thấy, gần 50% số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì “lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình”, trong khi chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Do đó, giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ là giải pháp quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, điều này đã được đặt ra thành một mục tiêu quan trọng về bình đẳng giới ở nước ta. Trong Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tại Mục tiêu 3: Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có Chỉ tiêu 1: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Để thực hiện mục tiêu này cần chú ý một số định hướng sau đây:
Thứ nhất, phát triển các dịch vụ hỗ trợ các gia đình trong công việc nhà với chất lượng tốt và giá thành hợp lý như dịch vụ trông giữ trẻ, dịch vụ dọn dẹp vệ sinh hay người giúp việc… Giải pháp này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với mục tiêu nâng cao sự tham gia của phụ nữ vào các công việc xã hội “Chị em phụ nữ có con, muốn tăng gia sản xuất thì không thể mỗi người ngồi nhà giữ con. Cho nên cần tổ chức chỗ gửi trẻ”[5]; “Muốn cho người mẹ sản xuất tốt thì cần tổ chức tốt những nơi giữ trẻ và những lớp mẫu giáo. Hiện nay có một số cơ quan, xí nghiệp và địa phương đã làm được khá tốt. Hội phụ nữ cần phải phổ biến những kinh nghiệm đó và giúp đỡ chị em các nơi khác tổ chức cho tốt”[6]. Ngoài ra, “Nên cố gắng tổ chức những nhà ăn công cộng cho tốt để giải phóng phụ nữ ra khỏi bếp núc”[7]. Để thực hiện điều này đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước bởi các dịch vụ hỗ trợ gia đình hiện nay giá thành còn cao và chất lượng chưa đảm bảo. Phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh nhiều vụ bạo hành trẻ em từ người giúp việc hay các dịch vụ trông giữ, chất lượng dịch vụ ăn uống dẫn tới ngộ độc thực phẩm… Vì vậy vừa nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức, nhân cách của những người làm dịch vụ này, có giải pháp thanh kiểm tra quản lý chất lượng, giá cả, có những ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân…
Thứ hai, thay đổi khuôn mẫu, định kiến giới và tăng cường sự chia sẻ công việc nhà từ phía người chồng, từ phía nam giới. Những định kiến giới cho rằng công việc nhà là nhiệm vụ, thiên chức của người phụ nữ vẫn tồn tại trong tư duy, nhận thức của nhiều người cả nam và nữ. Chính vì vậy, nhiều người chồng không hỗ trợ, chia sẻ công việc nhà cho vợ dù họ có khả năng và điều kiện. Vì vậy, cần có những giải pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để thay đổi nhận thức, từ đó có được sự chia sẻ nhiều hơn từ phía người chồng, người đàn ông trong công việc nhà.
Thứ ba, có chính sách lao động theo giờ linh hoạt cho phụ nữ. Ở Australia, để hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động, họ có chính sách làm việc linh hoạt cho phụ nữ có con nhỏ, nghĩa là phụ nữ được làm những công việc miễn là đảm bảo chất lượng, khối lượng công việc nhưng thời gian làm việc linh hoạt để họ có thể hoàn thành được thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình.
Với những định hướng trên, chắc chắn thời gian làm việc nhà của phụ nữ sẽ được giảm bớt; đồng thời, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta.
[1] C. Mác, Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tập 21, tr 116.
[2] C. Mác, Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, 1995, tập 21, tr 240.
[3] Aid, ADB, ILO, UN, Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021, tr 116.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 7, tr 53.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 295.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr 296.
ThS. Trịnh Xuân Thắng