Người Tà Mun ở Tây Ninh hiện có 1746 người, chiếm 0,16% dân số toàn tỉnh Tây Ninh, cư trú tập trung ở một số xóm ấp hoặc rải rác, xen kẽ với tộc người khác tại Thành phố Tây Ninh, huyện Tân Biên, huyện Tân Châu và huyện Dương Minh Châu. Trang phục của người Tà Mun được chia thành nhiều loại: trang phục nam, nữ; trang phục sinh hoạt văn nghệ, lễ hội. Nam thường mặc áo cổ đứng vận Sarong, nữ mặc áo dài không xẻ (compong) và vận váy. Kèn môi là loại nhạc cụ tiêu biểu của người Tà Mun, từ thành phẩm của một loại cây đặc biệt lấy trong rừng già, các nghệ nhân chế tác thành những chi tiết mỏng như những lá đồng, kết lại thành những chiếc kèn dùng trong lễ hội, mời gọi bạn. Âm thanh Kèn môi vang trầm ấm, nhẹ nhàng, lắng đọng tạo nhiều cảm xúc. Trong những đêm thanh vắng, tiếng Kèn môi vang lên thâm trầm, bền bỉ như tấm lòng son sắt, thủy chung của chàng trai gửi đến cô gái mà mình yêu thương.
Hôn lễ truyền thống chính là nét văn hóa đặc sắc của người Tà Mun. Khi cha mẹ muốn dựng vợ gả chồng cho con thì nhờ đến người mai mối (gọi là Tomka). Tomka là những người lớn tuổi, có uy tín, đại diện cho gia đình nhà trai bàn chuyện hôn sự. Trước đây, người Tà Mun có tục ở rể và thời gian ở rể có thể kéo dài 3 năm nhưng nay không còn nữa mà chú rể chỉ sang nhà cô dâu ở từ thời gian làm đám hỏi cho đến đám cưới. Nghi lễ đặc biệt nhất không thể thiếu trong đám cưới truyền thống của người Tà Mun là lễ cột chỉ, diễn ra tại nhà gái với ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Trong lễ cột chỉ, cô dâu, chú rể sẽ quỳ tựa vào nhau trên chiếu, bốn cánh tay chồng chéo lên nhau cùng nắm lấy một tàu chuối được cắm bên cạnh một con dao, tay cô dâu luôn phải đặt bên dưới tay chú rể. Khi đó, mọi người thuộc nhà trai và nhà gái sẽ cột chỉ cho cô dâu và chú rể. Trước khi cột chỉ, họ phải tặng một số tiền tùy ý đặt vào đĩa gạo trước mặt cô dâu, chú rể và uống một ly rượu chúc mừng cho đôi trẻ. Sau khi tất cả mọi người đã cột chỉ xong, chú rể rút tay ra khỏi tàu chuối trước để chào đáp lễ mọi người, rồi đến cô dâu chào đáp lễ. Kết thúc lễ, hai vợ chồng mang chiếu gối vào phòng tân hôn và mọi người bắt đầu ăn uống, ca múa cùng nhau.
Lễ cột chỉ của người Tà Mun
(ảnh: internet)
Đa số người Tà Mun ở Tây Ninh theo đạo Cao Đài, nhưng không xóa bỏ những tín ngưỡng của người Tà Mun. Người Tà Mun có tín ngưỡng là bái vật giáo, họ tin rằng có các thần linh gọi là “Un cô”: “Un cô ho” là thần đất, ‘Un cô mir” là thần rẫy, “Un cô panâm” là thần núi... Người Tà Mun cũng tin rằng con người hay động vật đều có linh hồn và do đó cũng có một thế giới của người chết.
Những lễ hội quan trọng, mang nét độc đáo riêng biệt của người Tà Mun ở Tây Ninh gồm lễ cầu mưa, Tết cổ truyền và lễ cúng miếu. Lễ cầu mưa là lễ cúng các vị thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa để người dân có mùa canh tác bội thu diễn ra vào lúc 15h00 ngày 16/4 âm lịch hằng năm. Tết Sa-uôn-ko-môn là Tết cổ truyền của người Tà Mun kéo dài từ ngày 29/8 hoặc 30/8 âm lịch đến ngày 03/9 âm lịch. Tết Sa-uôn-ko-môn có bánh Tét được gói bằng lúa T’ro, có lễ rước bông trong lễ cổ truyền, lễ cúng tổ tiên. Ngày Tết mọi người đều mặc trang phục truyền thống, hát múa theo những làn điệu dân ca của dân tộc mình như: Đi phát rẫy, ru con, dậy sớm đi làm rẫy, cắt lúa... Những bài dân ca có nội dung rất đơn sơ, mộc mạc nhưng lại rất tình người và gần gũi với người dân, giúp người nghe hình dung được tất cả hình ảnh sinh hoạt trong cuộc sống của người Tà Mun cũng như sự lạc quan trong lao động, tình cảm của con người với thiên nhiên, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa... Lễ cúng miếu mang ý nghĩa cúng tạ ơn vị thần bảo hộ đất đai mùa vụ và các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ cương thổ, được diễn ra vào ngày 16/11 âm lịch hằng năm tại những nơi có người Tà Mun sinh sống.
Tết cổ truyền Sa-uôn-ko-môn
(ảnh: internet)
Để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của người Tà Mun ở Tây Ninh hiện nay, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp: Thứ nhất, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở các cụm dân cư có đông người Tà Mun sinh sống như xây dựng nhà truyền thống của dân tộc Tà Mun với quy mô vừa phải, có tủ sách, trạm truyền thanh, sân khấu biểu diễn văn nghệ, sân chơi thể thao và các trò dân gian. Xây dựng các phòng trưng bày về các hiện vật, biểu trưng văn hóa, lịch sử của người Tà Mun. Xây dựng các tháp tưởng niệm những người có công với dân tộc, với cách mạng là người Tà Mun. Xây dựng các công trình mang bản sắc văn hóa của người Tà Mun ở những nơi công cộng trên địa bàn. Khuyến khích các tập thể và cá nhân xây dựng những công trình văn hóa đặc thù của người Tà Mun tại các cụm dân cư đông người Tà Mun sinh sống. Thứ hai, hằng năm, tổ chức liên hoan, hội thi văn hóa, văn nghệ dân tộc thiểu số, trong đó khuyến khích các tác phẩm văn hóa, văn nghệ của người Tà Mun. Tạo điều kiện, hướng dẫn người Tà Mun tổ chức các lễ hội, phong tuc tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời bài trừ những hủ tục, mê tín dị đoan. Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền cho người Tà Mun nói chung và những người Tà Mun trẻ tuổi nói riêng nâng cao nhận thức, quan tâm, yêu mến văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vận động những người lớn tuổi, các trí thức, nghệ nhân và những già làng người Tà Mun quan tâm đến bảo tồn văn hóa truyền thống. Thứ tư, tiếp tục tổ chức các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học… để làm rõ nguồn gốc, quá trình định cư và các giá trị văn hóa truyền thống của người Tà Mun ở Tây Ninh, từ đó có chương trình, kế hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Tà Mun. Nhóm người Tà Mun hiện chưa có trong danh mục 54 thành phần dân tộc Việt Nam do nguồn gốc và thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun hiện nay đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trong giới khoa học. Vì vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu khoa học thỏa đáng hơn nữa để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc nói chung, của người Tà Mun nói riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Cẩm Hoàn