Những con số ấn tượng qua nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025
Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, chủ động phát huy tối đa nội lực, tận dụng thời cơ; không trông chờ, ỷ lại; qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, (có 13/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay (đạt 13,94%), đứng thứ tư cả nước.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng rất cao, đạt 36,55%; khu vực dịch vụ tăng 8,84%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 6.080 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 5.445 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 65,89 triệu đồng, tăng 19,45% so với năm 2021. Trong quý I/2023, GRDP của tỉnh tăng 12,67% - đứng đầu cả nước.
Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội đó minh chứng cho sự đúng đắn, kịp thời và phù hợp của hệ thống thể chế, chính sách của tỉnh được ban hành từ đầu nhiệm kỳ. Đó còn là tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm vượt qua thử thách, và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đảng bộ, chính quyền và từng người dân Hậu Giang, góp phần tạo lập các nền tảng cần thiết để Hậu Giang tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.
Thành phố Vị Thanh - Tỉnh Hậu Giang
(Ảnh: UBND tỉnh Hậu Giang cung cấp)
Định hướng chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang quyết tâm thực hiện tốt ba nhiệm vụ đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021 – 2025: Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng. Gia tăng mạnh mẽ nguồn thu ngân sách địa phương để tăng nguồn lực đầu tư phát triển; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, đưa Hậu Giang nằm trong nhóm 03 tỉnh thành có các chỉ số về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ; giảm dần mức tỷ suất di cư qua các năm; xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hậu Giang trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, văn hoá, du lịch, thông tin truyền thông...
Giai đoạn 2026 – 2030: Cơ bản cân đối được thu - chi ngân sách, không phụ thuộc quá lớn vào nguồn Trung ương hỗ trợ; tăng dần tỷ suất nhập cư và hướng tới trở thành một địa phương có tỷ suất nhập cư thuần dương; bộ mặt nông thôn và thu nhập hộ gia đình được cải thiện đáng kể, phấn đấu nằm trong nhóm 4 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 2030 – 2050: Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD/người/năm vào năm 2050; cân đối được thu - chi ngân sách một cách bền vững, đủ nguồn lực đầu tư cho phát triển và an sinh xã hội; trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long; quy mô dân số đạt khoảng 1 triệu người vào năm 2050; các vùng đô thị được mở rộng, hài hòa và không tạo ra khoảng cách thu nhập quá lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu phát triển Hậu Giang, thời gian tới, cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ trên tinh thần đổi mới, đột phá, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh Hậu Giang. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; tập trung ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư.
Tiếp tục tập trung cho công tác cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và cải thiện vị trí xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi cho nhà đầu tư. Phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Tuyết Loan – Thanh Nghĩa