Những nguyên tắc chuẩn mực nghề nghiệp với người làm báo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách cụ thể mà sâu sắc trong các bài nói chuyện, các bài phát biểu và được thể hiện qua một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng.
Người đã khẳng định: “...tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”[1]. Người nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trau dồi tư tưởng, bản lĩnh chính trị và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng. Mọi khuyết điểm của người làm báo, theo Người cũng đều do “vì trình độ văn hóa và chính trị còn kém” mà gây ra, mà chán nghề, muốn đổi nghề. Người nói về việc giữ vững lập trường chính trị của người làm báo là việc làm quan trọng để thực hiện trách nhiệm của báo chí với Nhân dân, với đất nước. Người viết: “...nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hành thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đững vững trên lập trường giai cấp vô sản…”[2].
Với vai trò là người định hướng dư luận, nhứng người làm báo càng phải nâng cao đạo đức cách mạng, kiên định về lập trường tư tưởng chính trị để luôn sáng suốt, kiên trung, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ. Có như thế, báo chí mới thật sự là diễn đàn, là tiếng nói của nhân dân vì mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.
Hai là, thông tin khách quan, tôn trọng sự thật.
Với các nhà báo cũng như những người làm tuyên truyền, Người luôn khuyên bảo, “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực”[3]. Người làm báo luôn phải tự trả lời câu hỏi nhằm bảo đảm tính khách quan, chân thật trong bài báo của mình, Bác căn dặn: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết” hay “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”[4]. Theo Bác, khi biết rõ thì mới viết, viết lúc đó mới đúng là sự thật và khi viết cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng: “Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”[5]. Không chỉ thế, Người còn hướng dẫn cụ thể cách khai thác tài liệu để viết báo, tránh việc ngồi bàn giấy viết, đọc báo cáo viết.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, để cạnh tranh thông tin nhằm “câu view”, “câu like”, nhiều khi người làm báo đã bỏ qua khâu kiểm định nguồn tin và thậm chí có nhiều thông tin bịa đặt, hoặc chỉ dựa vào “tin đồn” được phát tán trên mạng internet, lấy tin từ các diễn đàn, các mạng xã hội để biến thành tin, bài đăng tải. Vì mục tiêu lợi nhuận hoặc sự hiểu biết “hạn hẹp” mà đăng tải cả những tin, bài gây hiệu ứng xấu trong xã hội và thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Vì thế, những người làm báo phải kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, có tâm và nhiệt huyết với nghề để thực sự giữ vững mặt trận tư tưởng trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay.
Ba là, có trình độ và luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Tôn trọng nhân dân với những người làm báo chính là những bài báo của họ thật sự có thông tin phục vụ cho nhân dân và muốn có sản phẩm tốt phải dày công thực hiện. Bác cho rằng người làm báo muốn giỏi thì “phải học nữa, phải học mãi.
Học ở đâu, học với ai?
Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng”[6].
Người cũng chỉ rõ, trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài. Ví dụ: phải biết chữ Hán thì mới xem được báo Trung Quốc và học được kinh nghiệm của báo Trung Quốc. Do đó, người làm báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu của công việc, của nhiệm vụ người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Người căn dặn đội ngũ cán bộ làm báo cần phải “Cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”[7].
Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển hiện đại, tốc độ phát triển nhanh chóng của nguồn dữ liệu lớn (big data) trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người làm báo cần học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó trang bị cho mình những kỹ năng làm báo hiện đại. Đặc biệt, trong môi trường truyền thông hội tụ, nhà báo cũng cần phải “hội tụ” các kỹ năng làm báo hiện đại. Do vậy, nhà báo phải không ngừng học tập, học hỏi, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc cũng như đáp ứng được nhu cầu của công chúng báo chí.
Nhà báo Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một tấm gương đạo đức sáng ngời với phong cách báo chí đặc sắc: văn phong giản dị, gần gũi, dễ hiểu. Người đã đưa ra những chuẩn mực, quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp với những người cầm bút một cách đơn giản mà đầy đủ, vừa chi tiết vừa khái quát rất cao. Văn phong báo chí Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh đã làm nên một tấm gương vĩ đại, một chuẩn mực nghề nghiệp mà các thế hệ nhà báo, những người làm báo cần phải tìm hiểu và vận dụng triệt để trong công việc của mình. Có như vậy, mỗi nhà báo mới luôn giữ đúng phương châm: bút sắc, lòng trong, tâm sáng khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần ngày càng phát triển nền báo chí cách mạng của nước ta trong giai đoạn hiện nay.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.166
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.82
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.342, 346
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.207
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.163
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính tri quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.366
Phương Nhung