Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta tiếp tục đem mô hình tập thể hóa nông nghiệp ở miền Bắc áp dụng vào nông nghiệp miền Nam
TÌnh hình kinh tế, xã hội nông thôn miền Nam sau giải phóng năm 1975
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do chiến tranh ác liệt, ở nhiều vùng nhân dân bị chính sách “xúc tát” dân vào khu trù mật, ấp chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mặt khác có một số người do sợ bom đạn đã chạy ra đô thị tìm nghề sinh sống, một bộ phận chạy vào vùng căn cứ giải phóng, đã làm đảo lộn cuộc sống của nông dân miền Nam.
Về ruộng đất, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, hầu hết ruộng đất ở miền Nam thuộc về giai cấp địa chủ và chủ đồn điền của thực dân Pháp hoặc chế độ công điền. Đến sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta quyết định tịch thu ruộng đất của đế quốc, phong kiến phản động tạm cấp cho nông dân, đã xóa bỏ một bước phương thức sản xuất phong kiến và các hình thức bóc lột địa tô. Ruộng đất đã vào tay nông dân 70 đến 80%, nông dân ở nông thôn đại bộ phận là trung nông. Trung nông là lực lượng trung tâm đại diện cho sức sản xuất đang lên ở nông thôn, là người quản lý giỏi, có vốn, có công cụ máy móc và kinh nghiệm, sản xuất làm ăn có hiệu quả. Một bộ phận trung nông ở một số vùng đã tích tụ ruộng đất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chính quyền miền Nam thực hiện chính sách truất hữu ruộng đất, vừa tạo ra tầng lớp phú nông mới làm chỗ dựa của chính quyền, vừa xóa bỏ thành quả của cách mạng.
Nông thôn Nam Bộ là vùng có môi trường kinh tế thuận lợi, nông dân ở một số vùng đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, nền nông nghiệp đã có cơ giới hóa khá phát triển (theo điều tra sau giải phóng của Tổng cục Cơ khí Bộ Nông nghiệp, nông nghiệp Nam Bộ đã được trang bị 20.987 máy kéo công suất 506.974 mã lực, 549 máy tuốt lúa công suất 3.982 mã lực, 21.500 máy bơm công suất 21.680 mã lực, 3.549 máy phun thuốc trừ sâu công suất 8.991 mã lực, toàn bộ năng lực cơ khí là 1,2 triệu mã lực. Khối lượng phân hóa học sử dụng gần 1 triệu tấn/năm. Giống mới được sử dụng trên 31,8% diện tích gieo trồng). Bình quân 1 ha canh tác có 1,2 mã lực, do nông dân tự mua sắm và sử dụng. Khối lượng phân hóa học được sử dụng ngày càng tăng, giống mới được gieo cấy trên diện rộng, nông thôn đã có sự phân công lao động, đa dạng các nghề dịch vụ, lưu thông, công nghiệp, sửa chữa, chế biến, lao động làm thuê tự do tương đối phát triển.
Hệ thống cung ứng dịch vụ xăng dầu, máy móc, phụ tùng cơ khí, phân bón, thuốc trừ sâu được mở đến các vùng, các tụ điểm kinh tế, các đầu mối giao lưu. Ngân hàng phát triển nông thôn ra đời cung ứng vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Hệ thống mua gom vào sâu nông thôn gắn liền với các “chành, vựa”, tạo ra một hệ thống thị trường tiêu thụ sản phẩm từ vùng sâu, thôn ấp đến thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố, đến trung tâm kinh tế Sài Gòn.
Ở Tây Nguyên tồn tại hai hình thái kinh tế chủ yếu: kinh tế nương rẫy của các dân tộc thiểu số theo chế độ nhà dài đại gia đình và kinh tế đồn điền tập trung trong tay tư sản người Việt Nam và người nước ngoài.
Một con kênh tại vùng đồng bằng Nam Bộ những năm 1980 (Ảnh tư liệu)
Chủ trương của Đảng về việc xóa bỏ tàn tích phong kiến về ruộng đất ở miền Nam
Do đặc điểm của miền Nam sau khi giải phóng, Đảng ta không đặt ra nhiệm vụ cải cách ruộng đất mà đề ra chủ trương xóa bỏ tàn dư phong kiến về ruộng đất (nghị quyết Trung ương số 24 tháng 09 /1975), vì phần lớn ruộng đất đã về tay nông dân, địa chủ vùng giải phóng sót lại không nhiều. Kinh tế ở miền Nam chịu ảnh hưởng của chính sách thực dân mới của Mỹ, bị giai cấp tư sản, nhất là tư sản mại bản thao túng và bóc lột. Trung ương đề ra nhiệm vụ "triệt để xóa bỏ toàn dư của chế độ thực dân và phong kiến về ruộng đất, đồn điền lớn liền vùng không chia mà tổ chức thành nông trường quốc doanh".
Sau Nghị quyết Trung ương số 24, việc thực hiện các chủ trương về ruộng đất tiến hành chậm. Trong vòng trên một năm, từ tháng 6/1975 đến tháng 9/1976, Đảng và Chính phủ ban hành 4 chỉ thị, nghị quyết về ruộng đất (Nghị quyết 234 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 235 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 188 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư).
Tư tưởng cơ bản của các văn kiện nêu trên là ổn định quyền sử dụng ruộng đất của nông dân, quốc hữu hóa ruộng đất của tư bản nước ngoài, tư sản nông thôn, tịch thu ruộng đất của địa chủ phản động, địa chủ kháng chiến vận động hiến, để lại cho họ bằng mức bình quân nhân khẩu địa phương, vận động Giáo hội, thánh thất, chùa chiền chỉ để lại đất đủ để thờ cúng và bảo đảm cuộc sống người tu hành. "Làm cho nông dân thấy rõ phương hướng tiến lên là khắc phục sản xuất nhỏ manh mún, phân tán, lên hợp tác xã, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa".
Thực hiện các chủ trương trên, kết quả đạt được khác nhau giữa các vùng.
Duyên hải miền Trung, do đặc điểm lịch sử để lại là chế độ công điền, trải qua chiến tranh ruộng đồng hoang hóa, sau giải phóng, nông dân đã hợp tác lại giúp nhau khai hoang, phục hóa, xây cất nhà cửa, trở về làng cũ để tiến hành sản xuất. Ở nhiều vùng, mức bình quân ruộng đất giữa các hộ không chênh lệch nhau nhiều ,nên khai hoang tập thể chia đều đất cho các hộ sản xuất.
Ở Tây Nguyên, các đồn điền chuyển thành nông trường quốc doanh, số còn lại chia đất cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Cũng như ở duyên hải miền Trung, vấn đề ruộng đất được giải quyết tương đối nhanh gọn.
Ở Nam Bộ, do có những nét đặc thù nên việc giải quyết ruộng đất diễn ra phức tạp, kéo dài và theo đó quá trình tổ chức vần công, đổi công, tổ đoàn kết sản xuất, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã thí điểm cũng tiến hành rất chậm.
Chủ trương cải tạo nông nghiệp miền Nam sau Đại hội IV
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, tháng 7/1977, Hội nghị Trung ương 2 khóa IV bàn về sản xuất nông nghiệp và tổ chức hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam đã nêu rõ phương hướng cải tạo là vì nông nghiệp miền Nam đã đi vào sản xuất hàng hóa từ lâu, người nông dân đã gắn chặt với guồng máy thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở thành thị, trung nông chiếm 1 tỷ lệ lớn về ruộng đất và tư liệu sản xuất ở nông thôn, do đó phải kết hợp chặt chẽ cải tạo nông nghiệp với cải tạo công thương nghiệp kinh doanh ở thành thị. Phải tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, xây dựng huyện thành cơ cấu kinh tế nông công nghiệp mà cải tạo. Gắn hợp tác hóa với thủy hợi hóa, từng bước cơ giới hóa.
Hội nghị này đã đề ra nhiệm vụ trước mắt chuẩn bị cho phong trào hợp tác hóa là: hoàn thành việc phân vùng quy hoạch huyện, bố trí sản xuất theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng các trung tâm cung ứng vật tư, phụ tùng và hàng tiêu dùng trên địa bàn huyện đến tay nông dân, loại trừ hẳn tư bản thương nghiệp ra khỏi thị trường nông thôn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo kế hoạch của huyện. Chuẩn bị cán bộ theo phương thức đào tạo tại chỗ, huấn luyện cán bộ nhà nước, đưa bộ khung cán bộ các hợp tác xã miền Bắc vào giúp xây dựng hợp tác xã điểm và nông trường quốc doanh. Củng cố Đảng, chính quyền ở nông thôn, giáo dục nông dân về con đường làm ăn tập thể.
Ngày 15/8/1977, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 15 CT/TW Về việc xây dựng hợp tác xã thí điểm ở miền Nam. Việc làm thí điểm hợp tác xã ở Tân Hội (Cai Lậy, Tiền Giang) theo mô hình hợp tác xã miền Bắc. Mặc dầu tập trung nhiều cán bộ, phương án được chuẩn bị chu đáo,, được Nhà nước hỗ trợ vốn lớn để làm thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, xây dựng giao thông nông thôn, nhưng nông dân, nhất là trung nông không tự nguyện, hợp tác xã chỉ thu hút được nông dân nghèo thiếu vốn, thiếu sức kéo, quản lý kém và không thành công.
Trong lúc đó, ở Gò Công, nông dân lại liên kết thành tổ đoàn kết sản xuất, thiết lập quan hệ Nhà nước - nông dân theo hợp đồng hai chiều, sản xuất phát triển, nông dân đồng tình. Song song với việc xây dựng hợp tác xã thì điểm, đã tiến hành xây dựng huyện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Công tác cải tạo nông nghiệp Nam Bộ tiến triển chậm, vấn đề giải quyết ruộng đất kéo dài. Ngày 14/04/1978, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 43- CT/TW nhắc nhở các địa phương phải tiến hành điều chỉnh ruộng đất, tập thể hóa ruộng đất và tư liệu sản xuất chủ yếu và tiến hành hợp tác hóa vững chắc.
Tiếp sau Chỉ thị số 43, Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam phối hợp với Tổng cục Thống kê điều tra về chiếm hữu ruộng đất và tư liệu sản xuất các tầng lớp nông dân ở 12 điểm và kết luận nông thôn Nam Bộ có 5 loại hộ có mức chiếm hữu khác nhau, cụ thể như sau:
Hộ loại 1: lao động nghề khác, có ít ruộng và không có ruộng đất, chiếm 1,4 đến 2,7%
Hộ loại 2: không có hoặc có ít ruộng, sống bằng nghề làm thuê từ 18 đến 21%, số hộ có 7 đến 10% ruộng đất.
Hộ loại 3: có ruộng đất bằng lao động gia đình, chiếm 47 đến 60% số hộ, có từ 47 đến 67% ruộng đất.
Hộ loại 4: có ruộng, có thuê nhân công, đồng thơi đi làm thuê bằng lao động dịch vụ cày bừa, bơm nước, chiếm 12 đến 17% số hộ, 20 đến 27% ruộng đất, 27% công suất máy, 31% sức kéo trâu bò, mức bình quân dụng đất gấp 1,5 đến 2 lần so với bình quân chung.
Hộ loại 5: chủ yếu kinh doanh máy và dịch vụ chế biến, chiếm từ 1 đến 4% số hộ, từ 5 đến 7% ruộng đất, 37,6% công suất máy (chủ yếu là máy lớn), ruộng đất gấp 2,4 lần bình quân chung.
Trên cơ sở xem xét kết quả điều tra, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 57- CT/TW ngày 15/11/ 1978 Về việc xóa bỏ các hình thức bóc lột phú nông, tư sản nông thôn và tàn dư bóc lột phong kiến.
Như vậy, sau 3 năm giải phóng, quá trình cải tạo ở miền Trung Tây Nguyên diễn ra nhanh gọn, nhưng ở Nam Bộ gặp nhiều vướng mắc. Trước hết là vấn đề ruộng đất thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nông dân đã được cấp đất và trải qua thời gian, nông dân đã coi đó là sở hữu của họ. Mặt khác, nền sản xuất nông nghiệp Nam Bộ là nền sản xuất hàng hóa, nhân vật trung tâm của nền sản xuất hàng hóa là trung nông, họ tiến hành quá trình tái sản xuất gắn chặt với hệ thống dịch vụ và lưu thông tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình đó, trung nông có tích tụ được vốn, đưa vốn vào mở rộng sản xuất. Đi vào xây dựng hợp tác xã với hình thức tập thể về tư liệu sản xuất và ruộng đất đã động đến vấn đề sở hữu của nông dân. Vì vậy, họ không thật sự tự nguyện. Trước tình hình đó, tháng 6/1980, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 93-CT/TW nêu rõ "kiên quyết khắc phục tư tưởng sai trái hiện nay là chần chừ do dự, thiếu quyết tâm thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, buông lỏng cải tạo".
Thực hiện chủ trương trên, các tỉnh Nam Bộ tích cực tập huấn, đào tạo cán bộ, đẩy mạnh công tác cải tạo nông nghiệp.
Đến cuối năm 1980, xây dựng được 274 hợp tác xã, chủ yếu là ở các vùng kinh tế mới miền Đông Nam Bộ, 12.246 tập đoàn sản xuất, trong đó có 6.000 tập đoàn chủ yếu là hình thức, 4.000 tập đoàn sau một vụ thu hoạch giảm sút đã tan vỡ. Các tập đoàn máy thu hút được 3.235 máy cày, máy bơm vào làm ăn tập thể, xong quản lý kém, máy móc hỏng hóc, làm ăn kém hiệu quả.
Việc điều chỉnh ruộng đất đạt được kết quả nhất định nhưng đã phạm phải sai lầm gây nên phạm ứng bất bình trong nông dân dẫn đến hậu quả là năm 1988 nông dân ở một số vùng Nam Bộ kéo lên thành phố Hồ Chí Minh biểu tình yêu cầu Đảng và Nhà nước giải quyết cho trở về đất cũ, trả lại ruộng đất đã bị điều chỉnh để chia cấp cho người khác.
Sai lầm này có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do không thấy hết đặc thù của sản xuất nông nghiệp Nam Bộ, dẫn đến điều chỉnh ruộng đất một cách bình quân cào bằng, xáo canh, cắt đất xâm canh... Đồng thời có một số đảng viên, cán bộ quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cán bộ chính quyền lợi chiếm dụng đất công, gây bất bình cho nông dân. Việc tranh chấp ruộng đất cho đến nay vẫn còn tồn tại ở các hộ nông dân đòi trả lại đất cũ.
Thái Trần