Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc thực hiện mục tiêu, phương hướng đã chọn lựa, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã xóa bỏ chế độ phong kiến, thuộc địa, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại vẻ vang của lịch sử dân tộc - thời đại độc lập, tự do và từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hoàn thành sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở hai đầu biên giới. Hiện nay, sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế được khẳng định. Đó là hiện thực lịch sử đang diễn ra ở Việt Nam.
Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn sau gần 35 năm đổi mới. Ảnh Internet.
Tuy nhiên, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các quan điểm sai trái, thù địch này thường cho rằng, sự lựa chọn con đường bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm, đẻ non, không đi theo quy luật, đang đổi mới nửa vời, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “đầu Ngô mình Sở” - chủ nghĩa xã hội chỉ là hình thức, còn bản chất đã ngả theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đây là những luận điệu nhằm cố tình tìm cách phủ nhận những thành quả của sự nghiệp đổi mới và quá trình phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Như chúng ta biết, lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết mở, có giá trị phương pháp luận. V.I.Lênin đã cho rằng, “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối vớicác mặt khác nhau của đời sống xã hội”[1]. Đồng thời, V.I.Lênin cũng căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[2].
Có những khoảng thời gian chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là giai đoạn trước đổi mới, hệ quả là đất nước rơi vào khủng hoảng về kinh tế - xã hội trầm trọng. Xuất phát từ thực tiễn đó, trên cơ sở nhận thức lại chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã hoạch định đường lối đổi mới.
Đổi mới không có nghĩa là Đảng ta từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mà đổi mới chính là để nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giai đoạn trước đổi mới, nếu quan niệm kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, đối lập một cách trừu tượng chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, thì đổi mới là để nhận thức lại đúng đắn hơn, coi kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền là sản phẩm phát triển của nhân loại đạt được trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa, cần phải kế thừa yếu tố hợp lý, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nên nhớ rằng, trong Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác nhấn mạnh: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”[3]; “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”[4]. Do vậy, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kể cả trong chủ nghĩa xã hội việc tồn tại kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân là tất yếu. Sở hữu tư nhân ở đây với tư cách là quyền chiếm hữu sản phẩm do chính lao động tạo ra, chứ không phải sở hữu với tư cách là một chế độ chính trị - xã hội - dùng quyền sở hữu đó để đi bóc lột sức lao động của người khác làm cơ sở tồn tại của chế độ.
Vì vậy, “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” có nghĩa là chỉ bỏ qua việc xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, hay nói cách khác là bỏ qua chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa, còn tất cả những thành tựu về kinh tế, khoa học-kỹ thuật, công nghệ, khoa học quản lý nhân loại đạt được dưới chủ nghĩa tư bản phải kế thừa, vận dụng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, chứ không phải là ngả theo con đường tư bản chủ nghĩa như sự xuyên tạc của các quan điểm sai trái, thù địch.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[5], trong đó, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Vấn đề được đặt ra là không chỉ dừng lại ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng, mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp, bước đi, cách làm khoa học, sáng tạo nhằm thực hiện thành công mục tiêu, lý tưởng đã xác định. Có như vậy, chủ nghĩa xã hội mới được xây dựng trên tinh thần của đổi mới, phản ánh đúng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và yêu cầu thực tiễn của đất nước.
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 30, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, tr.160.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va,1974, tr.232.
[3] C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.615.
[4] C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.618.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.
Văn Giang