Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đã làm bừng sáng trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cứu dân, cứu nước: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc. Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin”. Luận cương đã giải quyết trọn vẹn vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm, đó là cách mạng thuộc địa được đặt trong quỹ đạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải trong quỹ đạo của cách mạng tư sản. Người đã vô cùng phấn khởi và tin tưởng, rằng “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[1].
Cho đến nay, đã có nhiều cách tiếp cận về chủ nghĩa xã hội: Thứ nhất, có thể hiểu chủ nghĩa xã hội là một phong trào thực tiễn, phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong các xã hội có đối kháng giai cấp. Thứ hai, có thể hiểu chủ nghĩa xã hội là một trào lưu tư tưởng, lý luận (với cách hiểu này, tư tưởng xã hội chủ nghĩa là một hệ thống những quan điểm, học thuyết phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp lao động bị áp bức, là hệ thống lý luận về con đường, cách thức và phương pháp đấu tranh nhằm thực hiện một chế độ xã hội, mà ở đó không có áp bức và bất công, mọi người đều được tự do, bình đẳng về mọi mặt và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được phát triển toàn diện).Thứ ba, chủ nghĩa xã hội được hiểu là một chế độ xã hội hiện thực, một mô hình, kiểu tổ chức xã hội theo những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội.
Trước khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, chủ nghĩa xã hội không tưởng đã xuất hiện gắn với những tên tuổi các đại diện tiêu biểu như Xanh Ximông S.Phuriê và R.Oen… Tuy nhiên, các nhà tư tưởng này đã không hiện thực hoá được mô hình xã hội chủ nghĩa do bị giới hạn bởi những kỳ vọng mang tính chất ảo tưởng, chưa phát hiện ra quy luật, lực lượng và các cách thức, biện pháp để hiện thực hóa nó.
Trong Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể”[2].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, Người đã có nhiều định nghĩa khác nhau. Với văn phong mộc mạc, giản dị, gần gũi, Người tiếp cận chủ nghĩa xã hội ở các góc độ: Chủ nghĩa xã hội như một chế độ xã hội hoàn chỉnh đối lập với chế độ tư bản chủ nghĩa; tiếp cận và định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách chỉ ra các mặt riêng biệt của nó (ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá...); đưa ra định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách nêu bật các mục tiêu (mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể… Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến mục tiêu của chủ nghĩa xã hội vì suy cho cùng, các bản chất đặc trưng của chủ nghĩa xã hội hay tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đều sẽ thể hiện cô đọng nhất ở các mục tiêu. Trong diễn đạt của Bác, Người từng nói một cách tóm tắt, cô đọng, mộc mạc: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[3].
Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn được thể hiện trong di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"[4].
Và, với những thành quả đã đạt được trong hơn 35 năm qua, chúng ta càng có thêm động lực, niềm tin lớn lao với chỉ nghĩa xã hội, với con đường chúng ta đang đi. Vị thế, uy tín, cơ đồ, tiềm lực của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao. Dẫu biết rằng, CNXH còn nhiều khó khăn, rào cản, còn nhiều trở lực và thách thức, có không ít các thế lực vẫn điên cuồng tìm cách xuyên tạc, chống phá, hạ bệ, rêu rao… nhưng nhất định sẽ không có lực lượng nào ngăn trở được sự phát triển của chủ nghĩa xã hội: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển”[5].
Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận chủ nghĩa tư bản đã có những đóng góp cho lịch sử loài người: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn, và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”[6]. Và, “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế phát triển cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”[7]. Tuy nhiên, dù thế nào thì hiện tượng cũng không thể che lấp được bản chất, càng không thể xóa bỏ được những hạn chế cố hữu thuộc về bản chất của nó, dù cho nó có được tô vẽ, thổi phồng bằng cách nào đi chăng nữa.
Chủ nghĩa xã hội phải được gieo trồng trên từng mảnh đất hiện thực, và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đưa đất nước ta, nhân dân ta đến ấm no, phồn thịnh, mạnh giàu: "Có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm" .
Nhâm Hồ