Không lâu sau ngày tuyên bố độc lập 02/9/1945, nhân dân Việt Nam, trước hết là đồng bào Nam Bộ, đã phải đứng lên chống lại hành động tái xâm lược của thực dân Pháp. Miền Nam đi trước, rồi hơn một năm sau, cả nước đứng lên, vì dân tộc Việt Nam không còn sự lưạ chọn nào khác
Dựa vào sự hậu thuẫn của quân Anh, đêm 22, rạng sáng 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Tại Sài Gòn, quân Pháp nổ súng tiến công đánh chiếm Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát, Khám Lớn, Trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và Trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc…
Âm mưu của thực dân Pháp là lợi dụng lúc quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhanh chóng dùng lực lượng quân sự sẵn có đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, lập lại chế độ thuộc địa và liên bang Đông Dương.
Từ ngày 10/10/1945, quân đội Anh dưới danh nghĩa quân Đồng Minh tiến hành tước vũ khí quân Nhật ở các thị xã thuộc miền Đông Nam Bộ, đã giúp Pháp mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam Bộ.
Đầu năm 1946, Jean Cedilé thành lập Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ gồm 12 thành viên (có 8 người Việt) nhằm phục vụ ý đồ chính trị tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam. Sau Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), phái đoàn Pháp do Max Andre dẫn đầu, tiếp tục bám giữ lập trường thực dân, đòi tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, không thừa nhận quyền ngoại giao độc lập của Việt Nam, nhằm lập lại chế độ thực dân ở Đông Dương. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vạch trần âm mưu của Pháp, kiên quyết giữ vững lập trường hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, thân thiện với nhân dân Pháp trên nguyên tắc bình đẳng, không xâm phạm chủ quyền của nhau.
Khi hội nghị Fontainebleau sắp diễn ra thì quân Pháp ở Nam Kỳ do Đô đốc Georges Thierry d'Argenlieulàm Cao ủy, đơn phương thành lập vào ngày 01/6/1946 tại Sài Gòn “Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ tự trị” do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng.
Ngày 05/6/1946, Chính phủ Pháp do Bộ trưởng Thuộc địa M. Moutet chấp thuận hành xử của D’Argenlieu nhằm đặt vấn đề Nam Kỳ vào sự đã rồi và gây áp lực cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong đàm phán. Tại Nam Kỳ. Đại tá Cedilé - đại diện Cộng hòa Pháp liền ký với Tân Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh hiệp ước nhìn nhận Nam Kỳ là một xứ tự do, riêng biệt trong “Liên bang Đông Dương” thuộc Pháp[1].
Nhân dân Nam Bộ đứng lên kháng chiến (Ảnh tư liệu)
Ngày 06/7/1946, cuộc đàm phán Việt -Pháp khai mạc tại lâu đài Fontainebleau. Phái đoàn Pháp ngoan cố giữ lập trường hiếu chiến xâm lược. Sau ba tuần lễ, hội nghị vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, D’Argenlieu tuyên bố sẽ triệu tập Hội nghị Liên bang Đông Dương ở Đà Lạt vào ngày 01/8/ 1946 hòng đặt hội nghị Fontainebleau trước một viêc đã rồi. Cuộc đàm phán ở Fontainebleau không đi đến kết quả, cho thấy Chính phủ Pháp đã dứt khoát chọn con đường vũ trang xâm lược toàn bộ nước ta.
Âm mưu của thực dân pháp là tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, lập ra “Nam Kỳ quốc”, dùng miền Nam là bàn đạp tiến công miền Bắc, sử dụng nhân tài vật lực ở Nam Bộ phục vụ ý đồ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam. Chúng không chịu tổ chức trưng cầu ý dân thống nhất Nam Bộ vào cả nước.
Thực dân pháp ở Đông Dương thi hành những biện pháp quân sự tàn bạo kết hợp với thủ đoạn chính trị nham hiểm để hòng tách Nam Bộ ta khỏi Tổ quốc Việt Nam. Chúng mua chuộc, lôi kéo tay sai lập Hội đồng tư vấn chính phủ bù nhìn, lập các đảng phái. Đồng thời tìm cách chia rẽ lực lượng kháng chiến, nói xấu Việt Minh, vu khống Đảng Cộng sản. Ngay sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, Pháp ráo riết bắt lính, liên tiếp mở nhiều trận càn vào căn cứ của các Khu 7,8,9, nhưng không đạt được ý đồ tiêu diệt lực lượng vũ trang và cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta, chúng tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, tiếp tục càn quét lấn chiếm, mở rộng chiến tranh ở Việt Nam.
Âm mưu lật đổ Chính phủ ta thất bại, giới hiếu chiến Pháp chủ trương kết hợp mở rộng chiến tranh đánh chiếm từng vùng với ép ta nhân nhượng “tái lập chủ quyền”, “vô hiệu hóa tức thời Chính phủ Hồ Chí Minh” và “tiêu diệt những trung tâm quân sự Việt Nam”. Pháp dự kiến kế hoạch trên sẽ được thực hiện từng bước và hoàn tất vào cuối năm 1946.
Hành động đầu tiên của chúng là đánh chiếm thành phố Hải Phòng, chúng tàn sát hàng trăm đồng bào ta. Cùng với đánh chiếm Hải Phòng, Pháp tiến công ta ở Lạng Sơn, chúng kéo quân lên chiếm đóng các điểm cao xung quanh thị xã. Với việc đánh chiếm Hải Phòng. Lạng Sơn, hai cửa ngõ đường biển và đường bộ quan trọng của nước ta, thực dân Pháp đã thực sự bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với miền Bắc.
Thái độ của thực dân Pháp ở Đông Dương ngày càng hung hăng. Ngày 16/12/1946, D’Argenlieu đòi khôi phục lại các Hiệp ước 1883 và 1884 mà Triều đình nhà Nguyễn đã ký với Pháp. Thực dân Pháp ngoan cố đã chọn con đường mở rộng chiến tranh hòng lập lại chế độ thuộc địa cũ. Chúng liên tiếp khiêu khích, nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, chiến sĩ công an và bộ đội ta.
Sáng ngày 16/12/1946, Tướng Pháp Valluy từ Sài Gòn ra Hải Phòng, triệu tập Morlière, Sainteny, Debber phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực Bắc vĩ tuyến 16.
Trưa ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chính và nhà viên Giám đốc Sở Giao thông, đòi ta phá bỏ công sự và vật chướng ngại trên đường phố. Chiều 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội và đe dọa sáng ngày 20/12 nếu điều đó không được chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang “hành động”.
Sáng ngày 19/12/1946, thực dân Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư, đòi tước vũ khí tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến để cho chúng giữ trật tự trong thành phố.
Quân và dân Hà Nội xây dựng chiến lũy, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)
Trước hành động chiến tranh của thực dân Pháp, dân tộc ta không còn con đường nào khác. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cũng trong ngày 19/12, Ông Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam, ra Mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến.
Mệnh lệnh viết: “Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và Dân quân Tự vệ Trung - Nam - Bắc phải:
Nhất tề đứng dậy,
Xông tới mặt trận,
Giết giặc cứu nước,
Hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc.
Cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ và vô cùng gian khổ nhưng chính nghĩa về phía chúng ta, chúng ta nhất định thắng lợi.
Tiêu diệt bọn thực dân Pháp !”
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm !
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!
Quyết chiến!”
Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương cả nước nhất tề đứng lên mở đầu giai đoạn mới: cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ kết thúc giai đoạn hòa hoãn với Pháp, kết thúc một thời kỳ đấu tranh vô cùng khó khăn, đầy thử thách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi.
Thực dân Pháp, mặc dầu đã chiếm đóng gần như toàn bộ miền Nam, đã đưa quân ra miền Bắc, nhưng chưa thể thực hiện mưu đồ nhanh chóng thôn tính toàn bộ nước ta. Tham vọng đế quốc đã dẫn chúng tiếp tục mù quáng lao vào cuộc chiến tranh không lối thoát. Với thiện chí hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng hết sức để tránh đổ máu vô ích. Nhưng hành động xâm lược của Pháp buộc nhân dân ta phải đứng lên kháng chiến, bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!”[2]. Không, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”…Đó là ý chí, quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam quyết đứng lên kháng chiến để bảo vệ độc lập, giành lấy hòa bình khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Ánh Nguyễn