Cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 đã diễn ra với hình thức vô cùng phong phú, sáng tạo, trong đó hết sức sáng tạo và độc đáo là hình thức đấu tranh “ký giả đi ăn mày”. Hàng trăm nhà báo và người làm báo với nón lá, bị gậy, quần áo xộc xệch, diễu hành trên đường phố đã làm dư luận sửng sốt
Bàn tay sắt của chính quyền miền Nam bóp nghẹt tự do báo chí
Các ký giả xuống đường "ăn mày" ngày 10/10/1974. Ảnh tư liệu
Chưa hết, những tờ báo vượt qua được yêu cầu tài chính sẽ phải đối mặt với những yêu cầu khác cao hơn về chính trị như nghiêm cấm việc đăng bài cổ vũ người dân đấu tranh, xúi giục quân nhân bất tuân thượng lệnh, hay đăng bài bất lợi cho chính quyền ... Do vậy, có tờ báo đăng tin về Hội nghị Paris hay đưa tin về công nhân xe lửa đình công cũng bị phạt vạ hàng triệu đồng vị bị quy chụp “đưa tin có lợi cho cộng sản” hay đưa tin “có thể gây phương hại đến trật tự công cộng”…
Những chính sách về kinh tế, chính trị này được mô tả là đã "bóp cổ báo chí", đã đặt nền báo chí miền Nam vào thế khó khăn chưa từng thấy. Từ năm 1972 đến giữa năm 1974, hàng trăm tờ báo đã phải đóng cửa, đặc biệt là những tờ báo có khuynh hướng đấu tranh cho tự do báo chí và những mặt trái của chính quyền, nhất là tham nhũng, trong đó có những tờ báo có lịch sử lâu đời từ những năm 1930. Nhiều tờ báo bị phạt vạ từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng. 70 % người làm báo bị thất nghiệp.
Chuẩn bị và đấu tranh
Trước chính sách bóp nghẹt tự do báo chí của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, các nhà báo yêu nước và cách mạng miền Nam thấy cần phải có một cuộc đấu tranh gây rúng động dư luận trong nước và thế giới. Ngày 8/9/1974, 4 tổ chức báo chí ở miền Nam là Hội Chủ báo, Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội Ái hữu ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam đã họp bàn, bầu ra một Ủy ban đấu tranh cho tự do báo chí. Họ bàn bạc và cuối cùng thống nhất một ý tưởng độc đáo là chính sách báo chí của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã “buộc các nhà báo miền Nam Việt Nam phải đi ăn mày”. Ban Tổ chức cuộc đấu tranh gồm các nhà báo Nguyễn Kiên Giang, Tô Văn, Phi Vân, Văn Mại, Lý Bình Hiệp, Trần Kiêm Uẩn, Thái Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc. Ban Tổ chức quyết định chọn danh xưng “Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày” để tập hợp lực lượng bao gồm tất cả người làm báo và những người có liên quan đến nghề làm báo. Để chuẩn bị cuộc đấu tranh, hàng trăm nón lá, bị, gậy, những đồ dùng của người ăn mày thường sử dụng, được chuẩn bị. Ngày 10/10/1974 được ấn định là “Ngày báo chí đi ăn mày”.
Ký giả Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), nhà văn Sơn Nam, dân biểu Lý Chánh Trung... trong ngày xuống đường vì tự do báo chí - Ảnh: báo Điện Tín
Đúng ngày 10/10/1974, hàng trăm nhà báo yêu nước và quần chúng nhân dân, lên tới 10.000 người đã xuống đường, với bị, gậy trong tay và hàng trăm khẩu hiệu chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đòi tự do báo chí như “10/10/1974, ngày báo chí đi ăn mày”; “Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức”; “Tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Đả đảo Luật 007”; “Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày”. Ban Tổ chức cuộc biểu tình đọc bản tuyên bố “Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu”. Nhiều dân biểu tiến bộ và đoàn viên, hội viên của hàng chục đoàn thể quần chúng khác đã tham gia đoàn biểu tình. Quần chúng được bố trí đứng hai bên đường, vừa để bảo vệ đoàn biểu tình, vừa để “bố thí” cho các nhà báo bánh kẹo, hoa quả và tiền lẻ. Đoàn biểu tình đã đốt tượng trưng Luật 007 trước sự hò reo của đông đảo người cầm bút và quần chúng. Chính quyền Sài Gòn đã tập trung hàng nghìn cảnh sát, dùng nhiều biện pháp ngăn chặn cuộc đấu tranh, nhưng không thể ngăn chặn được sự phẫn nộ của giới báo chí và nhân dân đô thị miền Nam. Đoàn biểu tình diễu hành dọc đường Lê Lợi, qua Chợ Bến Thành, Công trường Quach Thị Trang và điểm dừng chân cuối cùng là trước cửa Hạ viện Sài Gòn (nay là Nhà hát thành phố). Xung đột đã nổ ra và nhiều nhà báo cũng như quần chúng yêu nước đã bị cảnh sát đánh trọng thương, nhưng mục tiêu của cuộc biểu tình đã đạt được.
Sự sụp đổ tất yếu
Cuộc đấu tranh của giới báo chí Sài Gòn đã giáng một đòn chí tử vào chế độ dân chủ giả hiệu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nhân dân trong nước cũng như dư luận thế giới ngạc nhiên, sửng sốt trước hình ảnh của một cuộc đấu tranh kỳ lạ, giới báo chí miền Nam “kéo nhau đi ăn mày”. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP, VOA, BBC mô tả đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của giới báo chí miền Nam từ năm 1971 cho đến lúc này, báo hiệu ngày tàn của chế độ Sài Gòn không còn xa nữa.
Có vẻ như lịch sử đã lặp lại theo một cách khá thú vị. Nếu tháng 5/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm công khai đàn áp Phật giáo dẫn tới sự sụp đổ 6 tháng sau đó của nền Đệ Nhất Cộng hòa (11/1963) thì tháng 10/1974, khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc “ký giả đi ăn mày” đã dẫn tới sự sụp đổ của nền Đệ Nhị Cộng hòa 6 tháng sau (4/1975). Chỉ khác là chính quyền Ngô Đình Diệm bị Hoa kỳ “thay ngựa giữa dòng”, còn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bình Thi
Bình Thi