Nhận diện một số hoạt động chống phá của các thế lực thù địch
Lào Cai là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tập quán canh tác, trình độ sản xuất còn lạc hậu, nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn; xuất hiện một số tôn giáo lạ... Điều kiện tự nhiên và xã hội đó ảnh hưởng tương đối lớn đến cuộc sống của đồng bào.
Tỉnh có hơn 62% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao, trình độ học vấn của đồng bào còn thấp. Toàn tỉnh có 53.000 tín đồ, 7 chức sắc Phật giáo, 18 mục sư nhiệm chức, 43 truyền đạo của Hội thánh Tin Lành miền Bắc trong đó có 2 mục sư người Dao. Tính đến hết năm 2022, ở Lào Cai có 2 ban trị sự Phật giáo được thành lập gồm Ban trị sự Phật giáo Lào Cai và Ban trị sự Phật giáo Bảo Thắng; thành lập 11 giáo họ Công giáo; cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tập trung cho 166 nhóm Tin Lành, cấp giấy chứng nhận và giấy phép xây dựng 9 cơ sở thờ tự (trong đó 3 cơ sở của Phật giáo và 6 cơ sở Công giáo)[1].
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật như Đạo Hoàng Thiên Long/Tâm linh Hồ Chí Minh với 105 người; Ngọc Phật Hồ Chí Minh có 16 người; Pháp luân công có 129 người; Hội đoàn kết dân tộc có 23 người; Môn pháp Diệu Âm với 6 người và Đạo Bà Cô Dợ với 17 người[2]. Trong tình hình đó, công tác tuyên truyền, vận động ở một số nơi chưa được đổi mới; một số cán bộ, đảng viên chưa chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... nên một số địa phương trong tỉnh đã trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền lôi kéo, kích động nhân dân nhằm gây mất trật tự an ninh.
Thời gian qua, bộ phận nhỏ nhân dân - chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo. Chúng tuyên truyền về nhà nước Mông tự trị ở Mường Nhé ( Điện Biên) năm 2011, kích động một số bà con dân tộc thiểu số ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng đi sang Điện Biên làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong vùng; hay năm 2017, kẻ xấu tung tin bịa đặt về truyền thuyết con rùa ở một số xã ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương với ý định dẫn dắt người dân tin vào thế lực thần bí, không đi lao động sản xuất... Thực tế đó đòi hỏi phải nâng cao đời sống và kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp đồng bào tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, không tin theo những luận điệu xuyên tạc, không nghe theo các thế lực thù địch để tham gia những hoạt động chống phá chính quyền. Đó chính là "sức đề kháng" của đồng bào trước trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Cán bộ huyện Si Ma Cai tích cực tuyên truyền xây dựng niềm tin tôn giáo đúng đắn trong đồng bào dân tộc thiểu số
(Nguồn: simacai.laocai.gov.vn)
Một số giải pháp nhằm tăng “sức đề kháng” cho đồng bào dân tộc
Trước hết, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa tổ chức Đảng với Nhân dân ở các địa phương. Đồng thời, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận. Thực hiện tốt công tác dân vận sẽ xây dựng được “thế trận lòng dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên không được xa dân, phải thường xuyên đánh giá kết quả công tác, thực hiện phê bình và tự phê bình, kịp thời nhận ra khuyết điểm để sửa chữa sai lầm. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của các mô hình dân vận khéo, ban tuyên vận, tổ tuyên vận xã, phường, thị trấn để nâng cao "sức đề kháng" của nhân dân trước sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cần sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện có hiệu quả, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động tương tác với người dân. Đặc biệt, cần tận dụng có hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong công tác tuyên truyền. Tỷ lệ người dân có thiết bị điện thoại thông minh khá cao, số người dùng mạng xã hội tại Lào Cai là 460.000 người, chiếm 59,7% dân số[3]. Kẻ thù đang lợi dụng triệt để không gian mạng để chống phá ta, dó đó, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta cần phải sử dụng hiệu quả không gian mạng để tuyên truyền. Ngoài ra, chính quyền cùng với cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con thực hiện tốt Luật An ninh mạng, có kỹ năng số để trở thành công dân số trong xã hội số... từ đó nâng cao cảnh giác, không bị mắc mưu của kẻ địch.
Phụ nữ các dân tộc xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao kiến thức về mọi mặt.
(Ảnh: Phương Liên)
Thứ ba, phát huy vai trò của người có uy tín, nhân rộng những cốt cán đặc thù trong các tôn giáo để nâng cao "sức đề kháng" cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò của người có uy tín, từ đó thắt chặt hơn mối liên hệ, gắn kết giữa người có uy tín với cộng đồng; đồng thời chú ý bồi dưỡngkiến thức, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh; tập huấn kỹ năng; đi học tập kinh nghiệm các địa phương khác trong tỉnh... Bản thân người có uy tín cũng cần nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng; là sự sự vinh danh của quần chúng nhân dân, của chính quyền địa phương, từ đó không ngừng cố gắng, nỗ lực trở thành cầu nối giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân, thực hiện tốt sự gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.
[1],2 Ban Dân vận Tỉnh ủy Lào Cai: Một số vấn đề trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trai, thù địch trên lĩnh vực tôn giáo ở địa phương hiện nay.
[3] Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai- Nâng cao vai trò trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong xây dựng môi trường thông tin, mạng xã hội an toàn, trong sạch
Bích Thủy - Ánh Đào