Chiến thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử với Hoa Kỳ không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Sự hỗ trợ toàn diện về quân sự, chính trị và ngoại giao của Liên Xô đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến trở thành một trong những yếu tố đưa tới thắng lợi của ngày 30/4/1975 lịch sử
Chủ trương giải phóng miền Nam và sự ủng hộ của Liên Xô
Sau Hiệp định Pari được ký kết tháng 1-1973, ngày 29/3/1973, quân đội Hoa Kỳ làm lễ cuốn cờ, đánh dấu việc triệt thoái toàn bộ lực lượng quân sự khỏi miền Nam Việt Nam. Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn thuận lợi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã làm mọi cách để tiếp tục cuộc chiến bằng các lực lượng của chế độ Sài Gòn mà họ hậu thuẫn. Thỏa thuận ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam đã không được thực hiện. Về mặt quân sự, tình hình vẫn vô cùng căng thẳng trong một thời gian dài.
Trong những tháng đầu tiên sau Hiệp định Paris, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thực hiện Hiệp định một cách nghiêm chỉnh. Trong vòng 60 ngày theo quy định của Hiệp định, tất cả các tù binh là phi công Mỹ và các nhân viên quân sự khác đã được đưa trở về quê hương của họ, với tổng số khoảng 600 người. Tuy nhiên, người Mỹ chỉ tuân thủ các điều khoản trong Hiệp định là quan trọng và có lợi đối với họ và bằng mọi cách trì hoãn việc thực hiện những điều khoản khác. Hoa Kỳ cũng duy trì sự hiện diện quân sự tại các quốc gia lân cận của Việt Nam. Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vẫn lảng vảng ở ngoài khơi Việt Nam. Buộc phải rút quân, Hoa Kỳ đã để lại và lập cầu không vận, đưa thêm hàng loạt vũ khí, phương tiện chiến tranh đến Nam Việt Nam, góp phần xây dựng cho chính quyền Sài Gòn một đội quân lớn thứ năm trên thế giới, với số lượng hơn 1.000.000 người, hơn 2.000 xe tăng, 2.500 máy bay, 1.600 tàu chiến các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Với lực lượng tại chỗ vượt trội, quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến hành các chiến dịch tràn ngập lãnh thổ, lấn đất, giành dân, phá hoại Hiệp đinh Paris.
Tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thảo luận đường lối đấu tranh thống nhất đất nước sau Hiệp định Paris. Từ thực tế chiến trường 6 tháng sau Hiệp định, Trung ương Đảng đã xác định không còn con đường nào khác là tiếp tục tiến hành chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, được chỉ thị bắt đầu xây dựng kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Chuyên gia Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh tư liệu)
Kế hoạch này đã được thông báo cho Matxcơva biết và nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Ban lãnh đạo Liên Xô. Đây là bằng chứng về mối quan hệ đặc biệt đáng tin cậy đã được thiết lập giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Lao động Việt Nam cho đến thời điểm đó. Tháng 12/1974, Nguyên soái V.A. Kulikov, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô, đã đến thăm Việt Nam cùng với một đoàn chuyên gia quân sự. Ông tham gia cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cuộc họp đó đã phê duyệt kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy. Nhiều hạn chế trước đây đối với việc cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam, trong đó có hệ thống tên lửa di động “Grad”, tên lửa vác vai “Stela2”, đã được gỡ bỏ, còn việc cung cấp thiết bị quân sự bằng đường biển ngay lập tức tăng gấp 4 lần.
Bước vào trận đánh quyết định, nhiều sĩ quan quân sự cấp cao của Việt Nam, được đào tạo đặc biệt tại các học viện quân sự của Liên Xô, đã trở về. Họ được biên chế vào đội ngũ chỉ huy của những quân đoàn tiến công, tham gia giáng những đòn chủ lực vào Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sự giúp đỡ toàn diện, vô tư
Để hoàn thành kế hoạch, đi đến chiến thắng cuối cùng, cần phải có một hệ thống liên lạc đáng tin cậy, các phương tiện hiện đại bảo đảm việc cung cấp thực phẩm, vũ khí và đạn dược cho mặt trận không bị gián đoạn. Năm 1973-1974, bằng nỗ lực đáng kinh ngạc của những người lính “Đoàn 559”, “Đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại đã được củng cố và mở rộng đáng kể. Tướng Văn Tiến Dũng đã viết trong hồi ký của mình rằng, sẽ không hề nói quá rằng nếu không có “Đường mòn Hồ Chí Minh” thì sẽ không có “Chiến dịch Hồ Chí Minh” hay chí ít thì việc giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ bị trì hoãn lại trong nhiều năm nữa. “Đường mòn Hồ Chí Minh” là một hệ thống phức tạp gồm các đường trục được kết nối với nhau bằng một mạng lưới dày đặc các đường nhánh và đường vòng, tổng chiều dài khoảng 9.000 km.
Vấn đề nhiên liệu luôn là vấn đề gay gắt được đặt ra với quân giải phóng - các loại nhiên liệu lỏng khác nhau đầu tiên được cung cấp trong các bao nilon bởi những người khuân vác hoặc trong các thùng phi được thả dọc theo dòng sông. Và mặc dù việc xây dựng đường ống dẫn dầu đòi hỏi những nỗ lực to lớn, nó đã có thể cung cấp nhiên liệu cho hàng chục nghìn ôtô và hàng trăm xe tăng mà không gặp sự cố, như thể từ dưới lòng đất sau đó chảy thẳng vào Sài Gòn. Và các tàu chở dầu của Liên Xô đã chuyển dầu thành phẩm từ Liên Xô đến cảng Hải Phòng, vì ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có lọc dầu.
Cảng Hải Phòng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một khối lượng lớn hàng
hóa Liên Xô viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trung chuyển qua đây (Ảnh tư liệu)
Chỉ trong thời kỳ chuẩn bị “Chiến dịch Hồ Chí Minh” mùa xuân năm 1975, hơn 413.000 tấn hàng đã được vận chuyển vào miền Nam, bao gồm thiết bị, vũ khí, đạn dược và thuốc men, phần lớn được sự trợ giúp bởi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Các thiết bị quân sự và đạn dược của Liên Xô, được tập kết và bảo quản ở miền Bắc trong suốt những năm chiến tranh, bất chấp các cuộc ném bom của không quân Mỹ, trong điều kiện thuận lợi, cũng thẳng tiến vào miền Nam.
Do đó, trong trận chiến cuối cùng của cuộc kháng chiến, những người tạo ra huyền thoại “Đường mòn Hồ Chí Minh” đã đánh bại quân xâm lược Mỹ, những kẻ đã tiêu tốn hàng tỷ đôla chi phí cho các “cầu hàng không”, hàng nghìn kilomet đường cao tốc chiến lược, hàng trăm tàu trọng tải lớn được chế tạo với các kỹ năng, kỹ thuật mới nhất.
Tổng cộng, trong những năm chiến tranh, riêng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam lên tới 2.000 xe tăng, bao gồm cả những chiếc T-54 hiện đại nhất trong thời điểm đó, 1.700 xe chiến đấu bộ binh, 7.000 súng và súng phóng lựu, hơn 7.000 súng phòng không và bệ phóng, 158 hệ thống tên lửa phòng không (SAM), hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng và hơn 100 tàu chiến. Tổng nguồn cung vũ khí và thiết bị quân sự của Liên Xô cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tới con số khổng lồ 15,7 tỷ USD. Tất cả các khoản nợ trên sau chiến tranh đã được đưa vào danh sách viện trợ không hoàn lại. Theo một thống kê của Liên Xô, từ 1965 đến 1974 đã có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Số sĩ quan, binh sĩ Liên Xô hy sinh tại Việt Nam là 13 người.
Tổng tiến công và nổi dậy mở đầu thắng lợi
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu ngày 10/3/1975 trên Tây Nguyên. Đó là một chiến dịch quân sự với 4 sư đoàn và hơn 500 xe tăng, xe bọc thép tham gia. Lần đầu tiên, các xe tăng T-54 mới của Liên Xô, hệ thống tên lửa “Grad”, súng tầm xa D-74, pháo phòng không 57mm và các đơn vị kỹ thuật được đưa vào trận chiến. Điều này khác xa cuộc chiến tranh du kích đã được tiến hành trước đó.
Buôn Ma Thuột đã được giải phóng vào ngày 10/3/1975, tiếp theo đó là Huế và sau đó là Đà Nẵng được giải phóng. Đến giữa tháng 4/1975, quân giải phóng đã chiếm giữ hai phần ba lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Điều này đã mở ra khả năng giành chiến thắng vào mùa Xuân năm 1975, trước khi bắt đầu mùa mưa, mà không phải vào năm 1976 như dự kiến trước đó.
Trên hai con đường nằm dọc theo sườn phía Tây và phía Đông của dãy núi Trường Sơn, hai sư đoàn vận tải, với 1.000 xe tải quân sự “GAZ” và xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô, trong một thời gian rất ngắn đã chuyển các quân đoàn bộ binh, cùng các thiết bị quân sự vào miền Nam, cho phép tiến hành chiến dịch lớn nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Đoàn quân thần tốc vượt đèo Cả tiến về Sài Gòn tham gia
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Ảnh tư liệu)
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn Kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Bộ Chính trị chỉ rõ: “Chiến dịch Hồ Chí Minh rất to lớn về mục đích, về quy mô, cũng như về lực lượng... Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy. Bọn phản động đầu sỏ tập trung ở đây, nên cũng cần có dự kiến trong tình hình nào đó cuộc chiến đấu có thể kéo dài một thời gian nhất định... Địch luôn luôn có thể có những cố gắng mới. Nhưng ta có đầy đủ điều kiện và khả năng để giành toàn thắng trong thời gian ngắn với nhịp độ nhanh”.
Thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế
Một trong những vấn đề chính mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thái độ của Hoa Kỳ. Liệu họ sẽ đưa quân đội trở lại miền Nam hay thực hiện các hành động ném bom quy mô lớn trên cả hai miền như lời hứa của Nixon với Nguyễn Văn Thiệu và một số một số chính trị gia “diều hâu” ở Washington đã kêu gọi. Nhưng tình hình chính trị thời gian đó ở Hoa Kỳ và trên thế giới đã không cho phép điều này.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã rất chú trọng thường xuyên và có hệ thống tạo ra dư luận thuận lợi trên thế giới, và trong đó có sự đóng góp quyết định của Đảng Cộng sản Liên Xô và các tổ chức xã hội của Liên Xô. Chiến dịch quốc tế chống chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trở nên phổ biến đến mức nó trở thành một trong những yếu tố chính trị và tinh thần quyết định chiến thắng của các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Nó bắt nguồn và phát triển ở mỗi quốc gia nhưng rõ ràng là nó không thể đạt đến quy mô và mức độ phối hợp như vậy trên phạm vi quốc tế nếu các hoạt động đa dạng và có hệ thống của nhiều tổ chức công đoàn, hòa bình, tôn giáo và các tổ chức quốc gia và quốc tế khác của xã hội dân sự không được hướng vào điều này. Tất nhiên, một điều kiện quan trọng cho vấn đề này là sự hỗ trợ toàn diện từ Liên Xô và các đồng minh châu Âu, được thực hiện thông qua nhiều tổ chức công đoàn quốc gia và quốc tế, những người ủng hộ hòa bình, phụ nữ, thanh niên, trí thức, tôn giáo ... Các đại diện của Liên Xô có ảnh hưởng đáng kể và thường là có ảnh hưởng quyết định trong nhiều tổ chức như vậy.
Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi hoàn toàn
“Chiến dịch Hồ Chí Minh” bắt đầu ngày 26/4/1975 với các cuộc tiến công vào tuyến phòng thủ bên ngoài, và hai ngày sau, thành phố Sài Gòn bị bao vây. Ngày 29/4/1975, cuộc di tản của các nhân viên quân sự Hoa Kỳ còn mắc kẹt lại và các tướng lĩnh, quan chức thân cận của Việt Nam Cộng hòa đã bắt đầu. Sau đó, cả thế giới xoay quanh những thước phim truyền hình, trong đó có hình ảnh chiếc trực thăng di tản trên nóc Tòa Đại sứ ở Sài Gòn. Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có thể tổ chức chiến dịch di tản quy mô lớn và diễn ra khá suôn sẻ, mặc dù lúc đó, vũ khí của quân giải phóng đã có thể kiểm soát bầu trời Sài Gòn, nhưng Hoa Kỳ được Liên Xô thông báo bảo đảm rằng, quân giải phóng sẽ để họ ra đi một cách an toàn nhất.
Sáng ngày 30/4/1975, đơn vị xe tăng, dưới sự chỉ huy của Bùi Quang Thận, đột kích vào trung tâm thành phố. Xe tăng T -54 mang số hiệu 843 húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, ngay sau đó chiếc xe tăng T-59 mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc lập. Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu ngày tàn của chế độ Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, khi chiếc trực thăng cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi nóc nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thất bại hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, được sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng đã thiệt mạng 58.189 người và 304.000 binh sĩ và sĩ quan bị thương trong số 2,6 triệu người đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa này.
Chiến thắng và biết ơn
Có mặt ở Hà Nội vào những ngày đó, Đại sứ Liên Xô Vladimir Chaplin được mời đến gặp Thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vào sáng sớm hôm sau ngày giải phóng. Trong cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bất ngờ đứng lên và nồng nhiệt ôm chầm lấy Đại sứ Liên Xô và nói: “Chiến thắng! Cuối cùng đã chiến thắng!”. Tiếp theo, Thủ tướng nói thêm rằng, thừa ủy quyền của Bộ Chính trị Ban Chấp hànhTrung ương Đảng Lao động, mời Đại sứ Liên Xô đến để là người đầu tiên thông báo về tin vui này. Trong bầu không khí của niềm vui chung trong nước, tất cả chúng tôi đều nhớ đến sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và về sự đóng góp cho chiến thắng ngày hôm nay. “Thật tuyệt vời vì những chiếc xe tăng Liên Xô, do các chiến sĩ tăng Việt Nam điều khiển, là những người đầu tiên tiếp cận Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, các chiến sĩ Giải phóng quân đã tiến vào Sài Gòn trên những chiếc xe tải của Liên Xô được lắp ráp tại Nhà máy ôtô Gorky...
Lễ duyệt binh và diễu hành mừng đất nước thống nhất diễn ra tại Sài Gòn được tổ chức vào ngày 15/5/1975. Trong nhiều giờ, các tiểu đoàn xe tăng và tên lửa, các đơn vị phòng không và pháo binh, bộ binh và du kích, được trang bị chủ yếu là vũ khí và thiết bị quân sự của Liên Xô, đi dọc theo quảng trường trước Dinh Độc Lập biểu dương sức mạnh và niềm vui chiến thắng.
Chiến thắng 30/4/1975 cho đến nay vẫn giữ được ý nghĩa quốc tế to lớn. Đây là thất bại đầu tiên của Hoa Kỳ trong lịch sử 200 năm tuổi. Nó là lời cảnh báo: các vấn đề chính trị trong nước của một quốc gia không thể được giải quyết bằng cách xâm lược từ bên ngoài. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chưa bao giờ có một phong trào phản đối chiến tranh, chống lại các hành động xâm lược và bạo lực mạnh mẽ trên khắp thế gới như trong cuộc chiến này. Sự hỗ trợ to lớn, hiệu quả và toàn diện của Liên Xô đã góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi đó.
Tiến Duy