Thứ nhất, thay đổi tư duy, nhận thức để hướng tới sự đồng thuận về phát triển nền kinh tế số.
Như chúng ta đã biết, nhận thức là cơ sở để con người hành động, có nhận thức đúng mới hành động đúng và đem lại hiệu quả cao nhất, đồng thời, khi nhận thức đã thông suốt thì hành động mới thuận như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy: Ý thức tư tưởng là yếu tố đầu tiên tạo nên quyết tâm của người cách mạng, là cơ sở để có hành động cách mạng đúng đắn và dù làm công việc gì, bất kể lớn hay bé, khó hay dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công, nhưng nếu đồng tâm hiệp lực thì có thể làm được. Muốn như vậy, mọi người phải hiểu được vì sao làm và làm như thế nào…
Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi nền kinh tế - sang vận hành trên nền tảng số - xây dựng nền kinh tế thông minh, cần tạo sự đồng thuận trong tư duy, nhận thức về phát triển nền kinh tế số, về tất yếu của sự chuyển đổi số, về quan điểm thực hiện chuyển đổi số, về cơ chế, lộ trình chuyển đổi số, về các điều kiện đảm bảo thực hiện chuyển đổi số, về chuyển đổi cơ chế vận hành nền kinh tế mới,…
Chuyển đổi kinh tế số là xu hướng tất yếu của thời đại mới. Ảnh tư liệu
Thứ hai, xác định phương thức để “thoát cũ”.
Thay đổi tư duy, nhận thức để hướng tới đồng thuận là bước khởi đầu quan trọng, song thay đổi không có nghĩa là muốn thay như thế nào, đổi ra sao hay “thay toàn diện”, “đổi hoàn toàn” bởi nền kinh tế là một hệ thống phức hợp có cấu trúc tương đối ổn định và không thể ngưng vận động, nên để thay đổi một cách hiệu quả cần xác định phương thức để “thoát cũ”, nghĩa là sự “rời bỏ” cái cũ, cái lỗi thời để “tiếp nhận” hoặc chuyển sang cái mới, cái phù hợp hơn với xu hướng phát triển chung.
Cũng bởi vậy mà việc “thoát cũ” cần được tiến hành có lịch trình cụ thể, có các phương thức thực hiện phù hợp để bảo đảm sự liên tục trong vận hành nền kinh tế trên nền tảng tổng thể hiện có, đồng thời có sự tiếp cận hoặc có những sự chuyển đổi ở những khâu, những công đoạn, những bộ phận, những lĩnh vực cụ thể. Có nghĩa rằng, việc chuyển đổi nền kinh tế để tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thiết phải có phương án, cách thức cụ thể cho việc “từ bỏ” những gì được xem là không còn phù hợp, những gì được xem là cần thay đổi.
Thứ ba, định hình về việc “xây mới”.
Nhận thức về việc cần thay đổi, xác định phương thức thay đổi hay “thoát cũ” thì cũng cần định hình việc “thay gì”? “đổi gì”? và “thoát gì”? Điều đó có nghĩa rằng cần định hình việc “xây mới”. Đối chiếu với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc “xây mới” không phải định hình từ con số “0”, mà “xây mới” trên nền tảng nền kinh tế hiện tồn với 76 năm lịch sử hình thành và phát triển, với thành quả của 35 năm đổi mới, với nền kinh tế đan xen nhiều trình độ phát triển (bao hàm từ lạc hậu (nông nghiệp tự cung, tự cấp, sản xuất hàng hóa nhỏ) đến hiện đại (kinh tế thị trường, kinh tế số)).
Vậy nên, việc “xây mới” cần định hình trên nền tảng xác định một cách tường minh nền kinh tế đang ở trạng thái nào? Trình độ phát triển ở mức độ nào (xét tổng thể nền kinh tế, từng ngành/lĩnh vực trong nền kinh tế)? Thực lực, tiềm lực nền kinh tế ra sao? Trên cơ sở đó, đặt trong xu hướng phát triển của nền kinh tế khu vực, thế giới mà xác định mục tiêu phát triển nền kinh tế Việt Nam theo từng giai đoạn phát triển.
Hội thảo "Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức tháng 5/2019
Thứ tư, thực hiện công cuộc “chuyển đổi” từ “thoát cũ” sang “xây mới”.
Khi xác định được việc “xây mới” là xây cái gì, nhất định phải tính tới việc xây như thế nào? Nghĩa là thực hiện công cuộc “chuyển đổi” từ “thoát cũ” sang “xây mới”.
Vấn đề xây như thế nào trên nền tảng hiện thực đã được luận bàn khá nhiều, cũng có nhiều giác độ tiếp cận vì đã có không ít nghiên cứu, báo cáo đưa ra những kiến nghị để đưa Việt Nam bước lên con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, và nhờ đó tạo ra được bứt phá tăng trưởng và phát triển kinh tế. Song về cơ bản, những kiến nghị được đưa ra khá “tập trung”, rằng: Trong tiến trình chung của công cuộc đổi mới đất nước và hướng tới xây dựng nền kinh tế trên nền tảng tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần thực hiện công cuộc “chuyển đổi” - chuyển đổi theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng và một nhà nước kiến tạo. Theo đó, trước hết cần phải tạo dựng khung khổ làm nền tảng cho hệ thống kinh tế mới về chất, coi đó là những ưu tiên chiến lược. Tiếp theo là việc hiện thực hóa của những ngành, lĩnh vực, bộ phận của nền kinh tế, theo đó đến mỗi chủ thể kinh tế, chủ thể xã hội bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.
Về tạo dựng khung khổ nền tảng cho hệ thống kinh tế mới nghĩa là phải thực hiện công cuộc cải cách thể chế hướng tới điều tiết sự vận hành nền kinh tế trên nền tảng số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật định hướng bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế số, tạo dựng không gian thể chế phù hợp với mục tiêu phát triển trên nền tảng số và xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số…; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đó ưu tiên thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tạo dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống giáo dục từ coi trọng những tri thức học thuật, hàn lâm sang đào tạo định hướng tư duy và hình thành kỹ năng triển khai, thực hiện công việc một cách đại chúng ở các bậc đại học và dạy nghề, chú trọng phát triển nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và nhân lực số trên diện rộng ở phương diện vĩ mô, trong đó dành sự quan tâm đầu tư đối với nhóm nhân lực kỹ sư và lực lượng “tinh hoa”, đồng thời thực hiện thu hút nhân tài gắn với hình thành mạng kết nối tài năng, tri thức Việt trên phạm vi toàn cầu; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cần coi là điều kiện vật chất quan trọng để hiện thực hóa công cuộc “chuyển đổi”, công việc này cần thực hiện với các nhiệm vụ cụ thể đó là: nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (IT) và bảo đảm an toàn an ninh mạng; hình thành cơ sở dữ liệu thông tin mở quốc gia, chuẩn dữ liệu; bổ sung các trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho doanh nghiệp.
Về việc hiện thực hóa công cuộc “chuyển đổi” của những ngành, lĩnh vực, bộ phận của nền kinh tế phải bằng những kế hoạch, hành động cụ thể. Bởi lẽ, kinh tế số có nhiều khác biệt căn bản so với kinh tế “thực” truyền thống, cả về nguồn lực, đặc trưng và cách thức tương tác, vận hành. Chính vì vậy, để thực hiện “chuyển đổi” thì mỗi chủ thể kinh tế với những đặc thù, năng lực hiện thực của bản thân và mục tiêu hướng đến mà có những kế hoạch và hành động cụ thể tương ứng.
PGS.TS Phạm Thị Túy - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh