Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham gia tích cực và có đóng góp quan trọng trong việc tôt chức, động viên nhân dân hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2020
Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 50/8/2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 28/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 800-QĐ/TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, xác định mục tiêu chung của Chương trình: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng; nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương.
Xây dựng đường bê tông nội đồng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở đánh giá kết quả giai đoạn 2010-2015, ngày 16/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1600/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, với mục tiêu tổng quát: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững”. Các mục tiêu cụ thể được xác định: Đến năm 2020, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28,0%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%). Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; Đồng bằng sông Hồng: 18,0; Bắc Trung Bộ: 16,5; Duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; Đồng bằng sông Cửu Long: 16,6). Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn gồm giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015[2].
Mặt trận Tổ quốc với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Tại Hội nghị lần thứ ba (khóa VII), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xác định giải pháp để Mặt trận tham gia xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, trực tiếp là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa các yêu cầu, nhiệm vụ góp phần xây dựng nông thôn mới vào nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” để hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn đang hằng ngày "thay da đổi thịt"
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thể thông qua các hoạt động cụ thể:
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của người dân đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thứ hai, thường xuyên vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động các nguồn lực đóng góp từ nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (như hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh nông thôn...). Thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới), Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phương thức làm ăn mới, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển sản xuất, chia sẻ thành công. Ngoài ra, Mặt trận còn góp phần vận động, tuyên truyền xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, vận động an sinh xã hội, xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết... Qua đó, tạo thêm nguồn lực giúp cho nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống.
Thứ ba, Mặt trận các cấp hướng dẫn nhân dân tham gia giám sát, phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong việc giám sát các nội dung, dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp, nông thôn. Khi có Quy chế Giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát được thực hiện hiệu quả hơn. Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các chính sách, dự án trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận đã giúp cho Chính phủ, chính quyền và ngành chức năng các cấp điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phù hợp hơn và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thứ tư, Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Hướng dẫn số 122/HD-MTTW-BTT, ngày 29/01/2019 (thay thế hướng dẫn số78/HD-MTTW-BTT, ngày 24/4/2017) về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; xây dựng phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân. Việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới là một trong những kênh thông tin quan trọng để giúp cho cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cơ sở. Việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối kết quả xây dựng nông thôn mới cơ bản bước đầu đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia, giám sát của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tổng hợp ý kiến người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là một trong những căn cứ quan trọng, cần thiết, để Hội đồng thẩm định nông thôn mới các cấp xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của xã, huyện.
Từ thực tiễn Cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thể hiện sự đổi mới về phương thức tổ chức, hoạt động khi tham gia xây dựng nông thôn mới; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở địa bàn nông thôn.
Nhẫn Trần