Trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính, độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng luôn cần phải gìn gữ, bảo vệ, bồi đắp, trao truyền mà đó còn là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất để được thụ hưởng và biết trả ơn các bậc tiền bối đã hy sinh cho Tổ quốc. Độc lập, tự do, hạnh phúc luôn gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dân tộc, giống nòi Việt Nam; bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, đường biên giới thiêng liêng được xác định bởi công sức, máu xương của tiền nhân
Cũng xuất phát từ mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc và mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho đồng bào nên Nguyễn Tất Thành bôn ba qua nhiều châu lục, khảo cứu nhiều con đường cách mạng, cuối cùng Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cách mạng vô sản Tháng Mười Nga năm 1917, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi theo, gắn liền độc lập dân tộc với CNCH, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Độc lập dân tộc là điều kiện đầu tiên bảo đảm cho sự phát triển của đất nước và điều đó chỉ được bảo đảm vững chắc, có ý nghĩa tiến bộ khi gắn liền với con đường đi lên CNXH. Độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người và con người được giải phóng hoàn toàn để vươn tới cái tất yếu của tự do chính là đích đến của CNXH. Độc lập dân tộc chỉ có đi tới CNXH, mới có một nền độc lập dân tộc thật sự, nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc; CNXH chỉ có phát triển trên một một nền độc lập dân tộc thật sự thì mới có điều kiện phát triển và hoàn thiện. Do vậy, từ năm 1923, Hồ Chí Minh đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”[1].
Thực dân Pháp xâm lược, nước Việt Nam mất độc lập, nhân dân Việt Nam trở thành nô lệ, không có tự do, càng không có hạnh phúc. Vì nhận thấy “Không có độc lập chính là sống kiếp ngựa trâu”, “chết tự do còn hơn sống nô lệ”, nên “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành kỳ được độc lập cho dân tộc”. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngọn cờ độc lập, tự do và CNXH đã được giương cao. Chánh cương vắn tắt chỉ rõ: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, để “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “Dân chúng được tự do tổ chức”, “Nam nữ bình quyền”… Trải qua các phong trào cách mạng 1930-1931, 1932-1935, 1936-1939, Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh yêu nước, tinh thần đoàn kết đồng lòng, đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc. Đặc biệt, khi tình hình thế cách mạng chín muồi, Bác Hồ về nước (28/1/1941), triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương (5/1941) xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”; thành lập Mặt trận Việt Minh, “tập hợp lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc”.
Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn (Ảnh tư liệu)
Nhờ sự quyết tâm của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành lại được độc lập, chấm dứt chế độ phong kiến, ra đời nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CH XHCN VN) ngày 2/9/1945, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ cuộc đời.
Tại sắc lệnh Luật số 50-SL ngày 9/10/1945, lần đầu tiên 6 chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đứng trang trọng dưới dòng chữ “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Sở dĩ có 6 chữ đó là “Xét vì bắt đầu từ ngày 2/9/1945 nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết; Xét vì ngày 24/8/1945 Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hoà; Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta: độc lập, tự do và hạnh phúc”. Trả lời một nhà báo nước ngoài (16/7/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948), Người đưa ra việc thực hiện “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”.
“Tự do” và “Hạnh phúc” là kết quả của “Độc lập” nhưng phải là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bởi vì “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”. Đó chính là câu trả lời cho những ai có tư tưởng dao động, hoài nghi mà tự hỏi: “tại sao Việt Nam đi theo CNCXH?”! Muốn độc lập phải gắn với CNXH và đi theo CNCXH để có độc lập. Độc lập để có tự do, hạnh phúc và muốn có tự do, hạnh phúc, trước hết phải có độc lập, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý không bao giờ thay đổi. Đó chính là sợi chỉ xuyên sốt quá trình cách mạng Việt Nam và lý giải tại sao chúng ta phải kiên cường vượt qua mọi gian khó, hy sinh, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp quay lại xâm lược và giàn thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Nói “Tự do” và “Hạnh phúc” là nói đến người dân được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do Chính phủ chăm lo và bản thân mỗi con người biết mưu cầu chính đáng. “Tự do” và “Hạnh phúc” cơ bản nhất, tối thiểu nhất theo Hồ Chí Minh là “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; người dân từ chỗ có ăn, có mặc, được học hành đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc và cống hiến; “vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tiến, đó là CNXH”. Bởi vậy, trong thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đến khi phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (10/01/1946), Người lý giải: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”[2].
Em bé Sài Gòn với lá cờ giải phóng (Ảnh tư liệu)
Đảng, Nhà nước luôn cố gắng chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhưng cũng luôn đòi hỏi ở nhân dân sự chung sức, đồng lòng, thi đua phấn đấu, cống hiến, đóng góp cùng với Đảng, Nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, luôn vững tin vào tương lai tươi sáng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để có độc lập, tự do, cuộc sống thanh bình hôm nay, biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu. Do đó, chúng ta chỉ có thể hiểu đúng giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc, khi biết trân trọng quá khứ, nhớ ơn các bậc tiền bối, tin tưởng vào tương lai để ra sức thi đua phấn đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; một lòng đi theo Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, chống phá; bảo vệ thành tựu cách mạng Việt Nam.
Không ngẫu nhiên mà chúng ta ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức tại Hà Nội tháng 3/1990, một đại biểu quốc tế đã khẳng định: “cái chung lý tưởng Hồ Chí Minh là muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc” [3]. Còn Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Rômét Chanđra thì đánh giá: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”[4].
Hằng năm, kỷ niệm ngày 30/4, tất cả nhân dân Việt Nam yêu nước và nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều nghĩ ngay, biết ngay “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Đối với người đi theo con đường cách mạng của Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến đấu chống giặc ngoại xâm và trấn áp nội phản, đó là hành động chính nghĩa, bảo vệ lợi ích Tổ quốc. Đối với thế hệ sinh sau ngày 30/4/1975 nếu là người có học, được giáo dục tử tế đều biết trân trọng giá trị, ý nghĩa ngày 30/4. Người nước ngoài yêu chuộng hòa bình, yêu quý đất nước Việt Nam đều ngưỡng mộ, khâm phục sức sống của dân tộc Việt Nam và trí tuệ, bản lĩnh, anh hùng của người Việt Nam. Ngày 30/4 đã khẳng định chân lý hiển nhiên: Hành động chính nghĩa vì độc lập, thống nhất đất nước, dù khó khăn đến đâu, sớm hay muộn đều tất thắng; dù nghèo khó vẫn luôn ngẩng cao đầu, không hổ thẹn với tổ tiên, thêm rạng rỡ nòi giống. Hành động phản quốc dù mạnh bạo, hung hãn đến đâu thì tất yếu vẫn nhận thất bại, luôn bị người yêu nước khinh bỉ, nguyền rủa; lịch sử có lùi xa bao lâu thì vẫn không thể rửa hết nội nhục về tội phản quốc.
Vậy nên, người yêu nước tất yếu biết trân trọng ngày 30/4, còn kẻ phản quốc luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị ngày 30/4. Độc lập, tự do, hạnh phúc không bao giờ có được với những kẻ lấy hành động chống phá cách mạng làm thành tích; càng không bao giờ có được với những ai trông chờ vào lời đường mật của kẻ phản quốc, lưu vong!
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.496
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.175
[3] Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.
[4] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại, Nxb.Lao động - Nxb.Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993. tr.90