Tầng lớp trí thức có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến sự thành bại của cách mạng, kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong bối cảnh mới cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài, toàn diện với những khâu đột phá mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt này, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Ảnh minh họa: Tạp chí Lý luận chính trị
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tầng lớp trí thức Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của bối cảnh, tình hình mới. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2008-2020, lực lượng lao động có trình độ từ đại học trở lên của Việt Nam đã tăng từ 2,7 triệu người năm 2009 lên 5,3 triệu người năm 2018 (tăng 95% trong 10 năm). Số lao động có trình độ đại học trên 1 vạn dân trong độ tuổi lao động tăng từ 584 người năm 2009 lên 702 người năm 2019. Số lao động là thạc sĩ trên 1 vạn dân trong độ tuổi lao động tăng từ 28 người năm 2009 lên 73,8 người năm 2019. Đối với lao động có trình độ tiến sĩ, số lao động trên 1 vạn dân trong độ tuổi lao động tăng từ 4,5 người năm 2010 lên 5,5 người năm 2019. Tính trên toàn bộ dân số thì năm 2019 có khoảng 6,3 triệu người có trình độ đại học, hơn 386 nghìn người có trình độ thạc sĩ, và hơn 44 nghìn người có trình độ tiến sĩ. Có thể nói chất lượng và số lượng của đội ngũ trí thức đã có sự cải thiện đáng kể trong vòng10 năm qua, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được thì tầng lớp trí thức cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, nhất là hành trình khởi nghiệp của đội ngũ trí thức trẻ vẫn còn nhiều trở ngại, chông gai.
Chất lượng đội ngũ trí thức còn nhiều vấn đề do chất lượng đào tạo của đội ngũ trí thức, nhất là bậc đại học và sau đại học còn hạn chế. Số lượng các chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn sâu có khả năng dẫn dắt, đầu tàu đối với những chương trình, dự án trọng điểm lớn của quốc gia, của các ngành còn thiếu. Số lượng các phát minh sáng chế, công trình xuất bản phẩm,… của đội ngũ trí thức vẫn còn thấp hơn khá nhiều các quốc gia phát triển và các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực.
So sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ tiến sĩ trên 1 vạn dân của Việt Nam (4,6 tiến sĩ/1 vạn dân) so với các nước phát triển còn khá thấp và chưa đạt mức trung bình của thế giới (khoảng 60 tiến sĩ /1 vạn dân). So sánh với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5 về tổng số công bố quốc tế giai đoạn 2015-2020, nhưng chỉ bằng 50% nước đứng thứ 4 là Thái Lan, và gần bằng khoảng 1/4 nước đứng thứ 1 là Malaysia.
Bộ phận tinh hoa, hiền tài còn ít, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Trong nước, chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học, nhìn chung, chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với sản xuất, kinh doanh; chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng, phong phú của thực tiễn, đời sống; nhiều đề tài đã nghiệm thu, nhưng không được áp dụng hoặc không áp dụng được. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn những mặt bất hợp lý về ngành nghề, lĩnh vực, độ tuổi, giới tính.
Để huy động tinh thần sáng tạo, cống hiến và sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài, toàn diện với những khâu đột phá mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt này, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.
Là tầng lớp tinh hoa của xã hội, người trí thức có vai trò to lớn trong việc sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội; tư vấn, hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời để thích ứng linh hoạt với những tình huống mới, phức tạp nảy sinh. Đồng thời bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó mật thiết với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, người trí thức còn luôn trăn trở, băn khoăn về “vận nước” để định hướng và dự báo về con đường, tương lai phát triển của quốc gia, dân tộc.
Xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay là sự dịch chuyển mạnh mẽ sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh dựa vào nguồn lực trí tuệ, chất xám và những phát minh, sáng kiến của con người, nhất là trong điều kiện trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản đang có nguy cơ ngày càng cạn kiệt. Điều đó càng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm định hướng về con đường phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng ta xác định: “tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Thứ hai, đổi mới về cơ chế, chính sách, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để người trí thức thi thố tài năng, có cơ hội để thể hiện năng lực, sở trường, có nhiều đóng góp, cống hiến cho xã hội. Với người trí thức, môi trường làm việc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là nơi khơi nguồn cảm hứng, tạo cảm xúc và năng lượng tích cực để họ hình thành những ý tưởng mới, những tư duy táo bạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vì thế, cần quan tâm xây dựng môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi với các giá trị, nguyên tắc về tự do, dân chủ, công bằng, đổi mới, sáng tạo phải được đảm bảo, tôn trọng.
Trước hết, các cơ quan ban ngành cần tiếp tục rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; đồng thời nghiên cứu, bổ sung kịp thời những chính sách mới, phù hợp với ngành nghề lao động đặc thù và xu thế phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới. Một số chính sách mới cần bảm bảo sự thông thoáng, linh hoạt, có tính đột phá, có tầm nhìn chiến lược, được thực hiện đồng bộ trong bối cảnh hiện nay, như: chính sách về phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người tài phải được thực hiện một cách khách quan, minh bạch; chính sách về tiền lương, thưởng xứng đáng cho những nghiên cứu có chất lượng, hiệu quả; khen thưởng, tôn vinh kịp thời những cống hiến xuất sắc của các nhà khoa học trẻ; xây dựng và phát huy hiệu quả quỹ hỗ trợ tài năng trẻ trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo; hình thành cơ chế chấp nhận những rủi ro, thất bại trong nghiên cứu… giảm bớt những thủ tục hành chính phiền hà, tạo điều kiện tốt nhất để người trí thức tập trung trí tuệ, dành thời gian và sự tâm huyết cho niềm đam mê nghiên cứu.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và hình thành các không gian sáng tạo ở khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên cần ưu tiên lựa chọn thí điểm tại những đô thị, thành phố, khu công nghệ cao, khu chế xuất, các vùng nghiên cứu, sản xuất tập trung để thí điểm, từ đó nhân rộng ra phạm vi cả nước. Nhà nước và các cấp chính quyền cần có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và giữ chân được người tài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” và lãng phí nguồn nhân lực; có cơ chế ưu đãi về tiền thuê mặt bằng, giá đất, điện nước đối với các công trình, thiết chế dành cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, sáng tạo. Cần huy động và phân bổ nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành những công viên khoa học, các trung tâm sáng tạo khởi nghiệp để thu hút các tài năng trẻ tham gia. Đây chính là không gian mà các khoa học trẻ gặp gỡ, trao đổi, hình thành ý tưởng sáng tạo và cùng nhau hợp sức để giải quyết những vấn đề mới mà xã hội, đất nước đang đặt ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp, tháng 3/2018. (Ảnh: qdnd.vn)
Thứ tư, nâng cao năng lực và chất lượng của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong việc tuyển chọn được đội ngũ tài năng trẻ để tiếp nối hành trình, khát vọng sáng tạo của cha anh. Không ngừng đổi mới nội dung chương trình đào tạo đối với hệ cử nhân chất lượng cao, cử nhân tài năng; gắn lý luận với thực tiễn, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội. Các cơ sở đào tạo cần phối kết hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, cung ứng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao.
*
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói đó đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa thời đại. Việc trọng dụng người tài, đánh giá cao vai trò, vị thế của người trí thức sẽ tạo nguồn “nguyên khí” thịnh vượng để xây dựng đất nước giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
--------------
Các số liệu trích dẫn lấy từ nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ, Dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, Hà Nội, tháng 9 năm 2022.
Nguyễn Huy Phòng