Tên sách: Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử
Tác Giả: GS. Văn Tạo, GS. Furuta Motoo
Năm Xuất Bản: 2016
Số Trang: 754
Nhà Xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Năm 1945, ở Việt Nam xảy ra nạn đói khủng khiếp nhất làm cho hơn 2 triệu người chết chỉ trong một thời gian ngắn. Tội ác đó do phátxít Nhật gây nên. Đây là một sự thật lịch sử đau lòng phải bị lên án và cần được làm rõ để ngăn chặn những tội ác tương tự có thể xảy ra trong thế giới hiện tại. Qua đó góp phần làm sáng tỏ về một trong những hậu quả nghiêm trọng do phátxít Nhật gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Á.
Cuốn sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử là công trình khoa học được nghiên cứu và khảo cứu công phu do Giáo sư Văn Tạo, Giáo sư Furuta Motoo cùng các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, cộng tác cùng nhiều nhà khoa học khác và sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương trong cả nước thực hiện. Đây là những tư liệu lịch sử, những kết quả khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, những phỏng vấn nhân chứng lịch sử để dựng lại bức tranh toàn cảnh nạn đói Việt Nam năm 1945, làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói, thảm họa chết đói, làm rõ nguyên nhân dẫn đến nạn đói và hậu quả nghiêm trọng của nó.
Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử đã chứng minh một cách chắc chắn nguyên nhân gây ra nạn đói ở Việt Nam năm 1945 là do chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo của phátxít Nhật đối với nhân dân Việt Nam. Nội dung cuốn sách được chia thành bốn phần:
- Phần I: Mở đầu, khái quát về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam cũng như tình hình nghiên cứu ở Nhật Bản về tội ác chiến tranh của phátxít Nhật tại Việt Nam;
- Phần II: Tư liệu thành văn, gồm tư liệu về âm mưu, thủ đoạn và cơ cấu tổ chức vơ vét thóc gạo của phátxít Nhật, nguyên nhân gây ra nạn đói (qua sách báo);
- Phần III: Điều tra thực địa về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, trình bày kết quả điều tra hơn 20 điểm, bao gồm khái quát tình hình chung của điểm điều tra và các số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình, số người chết đói, số người sống sót…;
- Phần IV: Kết luận, nói lên ý nghĩa tàn bạo của cách giết người thâm độc của phátxít Nhật, cũng như nét đặc thù của tội ác này.
Theo nxbctqg