Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc học tập lý luận cách mạng. Người chỉ rõ: Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm “cốt”, “Nhất định phải học tập lý luận Mác-Lênin”, “nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin, “trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”[1].
“Hiểu” và “theo” là hai cấp độ, có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau; từ tư duy, nhận thức đến hành động. Hiểu để theo, muốn theo thì trước hết phải hiểu. Không hiểu đầy đủ, đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mơ hồ trong nhận thức, lập trường thiếu bền vững, lý tưởng dễ phai nhạt, hành động thiếu niềm tin khoa học và cách mạng, thậm chí hoang mang, dao động, nửa vời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và giảng bài cho lớp học bồi dưỡng đảng viên mới của Đảng bộ Hà Nội, ngày 14/5/1966. Ảnh: Internet.
Một cán bộ, đảng viên nếu không hiểu được chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì khó có thể nhận diện và phản bác được các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khi tự kiểm điểm, cán bộ, đảng viên thường nhận xét: lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; trung thành với lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin,tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Nhưng thực chất, nếu không nắm vững, hiểu đầy đủ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì rất khó để kiên định và trung thành với chủ nghĩa đó. Vì vậy, muốn hiểu thì trước hết cần phải học. Học là nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay, có một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học, thậm chí thờ ơ, vô cảm trong học tập lý luận chính trị. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) đã đề cập đến vấn đề này khi chỉ ra tình trạng: “Lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Căn nguyên chủ yếu của tình trạng này là do nhận thức lệch lạc trong nhu cầu, động cơ chính trị khi học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được việc học đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi thiết thân của mình; chỉ coi việc học để lấy bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đề bạt, bổ nhiệm, thăng tiến lên những vị trí cao hơn; học một cách đối phó, qua loa, học cho xong vì yêu cầu của tổ chức, lãnh đạo giao. Thực chất, đó là những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, là thói “xem nhẹ lý luận”, hạ thấp việc học tập lý luận.
Trước yêu cầu của tình hình mới, Đảng quy định việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành “chế độ học tập” thường xuyên, liên tục, suốt đời của cán bộ, đảng viên.
Vậy, làm thế nào để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được: Học không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mang tính bắt buộc, mà đó còn là quyền lợi, là nhu cầu tự thân; là “được học” chứ không phải là “phải học”, từ đó khắc phục tình trạng lười học, ngại học?. Vấn đề cốt yếu ở chỗ, phải tạo ra được động lực từ bên trong thúc đẩy cán bộ, đảng viên tích cực, tự giác trong học tập.
Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đưa ra giải pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó nhấn mạnh việc tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu của cá nhân cán bộ, đảng viên.
Để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu phải quan tâm, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, chú trọng bảo đảm quyền lợi cho cán bộ theo quy định khi đi học, kể cả trong cấp kinh phí, trong giao việc, trong công tác cán bộ,…
Đối với các cơ sở đào tạo, trong đó có đội ngũ giảng viên, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương pháp, phương thức tuyên truyền, giảng dạy các môn lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với đối tượng; phải vững vàng về lý luận, nhuần nhuyễn về phương pháp, sâu sát thực tiễn. Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong từng mục, từng chuyên đề và cả bộ môn; vạch rõ các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc để đấu tranh, phản bác.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, phải thực sự thông hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc học như Bác Hồ từng dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”2. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ học tập; phát huy tính tích cực, tự giác, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp, kỹ năng công tác của mình. Trong học - hiểu và làm theo, phải tránh giáo điều, chủ quan, dập khuôn, máy móc, bảo thủ, trì trệ; học đúng tinh thần: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”3.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học tập để nâng cao trình độ lý luận và chính trị là một việc trường kỳ và gian khổ”, do đó “mỗi đảng viên phải cố gắng”4. Chỉ có sự cố gắng của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập để hiểu và nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó mới có thể nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, kịp thời đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Phan Bá Linh