Văn hóa chính trị của người cán bộ lãnh đạo đóng vai trò quan trọng vì về bản chất nó là sự thống nhất ở nhiều đặc điểm, phẩm chất của người lãnh đạo, biểu hiện trong các quan hệ và hoạt động chính trị - xã hội, trong các quan hệ và hoạt động lãnh đạo. Đó là sự thống nhất giữa lý trí và tình cảm, giữa đạo đức và tài năng, giữa bản lĩnh và sự thích ứng, giữa nội dung và phong cách lãnh đạo, giữa năng lực nhận thức và năng lực hành vi xã hội, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích giai cấp, lợi ích cộng đồng.
Kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ rõ, mức độ chính xác của đường lối và việc cụ thể hóa đường lối chính xác, kịp thời cũng như việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phụ thuộc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Vai trò và vị trí đó được quy định bởi những đặc điểm quan trọng trong hoạt động của người cán bộ lãnh đạo chiến lược là: (i) Đội ngũ này là những người xây dựng và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; (ii) Phạm vi, đối tượng tác động và phương thức hoạt động của họ là rộng lớn, đa dạng và phức tạp; (iii) Đạo đức, tác phong, sự gương mẫu có ảnh hưởng to lớn đến quyết định, hiệu quả hoạt động của họ.
Tuy nhiên, cán bộ lãnh đạo của nước ta hiện nay xét về văn hóa chính trị vẫn còn nhiều mặt chưa ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ mới. Tình trạng đó có thể tìm thấy ở cả trong phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực và đạo đức, lối sống nên đã ảnh hưởng không nhỏ cho việc thực hiện quyền lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với cách mạng. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo xuất thân từ thế hệ mới trưởng thành sau thời kỳ chiến tranh, ưu điểm là năng động, sáng tạo song vẫn còn những hạn chế về độ nhạy cảm chính trị cao, về chiều sâu trong nhận thức...
Phương hướng nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo chiến lược nước ta hiện nay là hướng đến xây dựng một đội ngũ vững mạnh trên tất cả các mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu và trung thành tuyệt đối với lý tưởng của giai cấp công nhân và dân tộc. Về trình độ kiến thức, năng lực phải toàn diện, vừa rộng vừa sâu và thể hiện bằng hiệu quả thực tế. Là người hiểu bối cảnh trong nước và quốc tế, có khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, nắm bắt được các quy luật kinh tế - xã hội, biết vận dụng các quy luật đó trong lãnh đạo, quản lý ở từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; đồng thời là người có phong cách lãnh đạo, có khả năng liên kết và thống nhất quần chúng, có khả năng phát huy được tinh thần lạc quan và nhiệt tình xã hội, thật sự tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Để nâng cao văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược ở nước ta, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Trước hết, văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo chiến lược cần gắn liền với việc nâng cao kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ”. Đó là lý luận liên quan trực tiếp tới sự lãnh đạo của Đảng, tới việc củng cố lập trường và nhân sinh quan của người cán bộ lãnh đạo. Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cái quan trọng nhất là học tập tinh thần, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác cách mạng. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là học lý luận mà còn là học tập cả phương pháp, phong cách, đạo đức, lối sống của Người. Đó là một điều kiện cơ bản để nâng cao trình độ lý luận, khả năng công tác và đạo đức cách mạng, một điều kiện cơ bản để nâng cao văn hóa chính trị.
Thứ hai, cần nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Việc nắm vững Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng chính là cơ sở chủ yếu để nâng cao văn hóa chính trị. Cương lĩnh chính trị xác định mục tiêu chủ yếu, con đường và những phương pháp chủ yếu chỉ ra những động lực, những hình thức, những phương tiện chủ yếu để đạt được những mục tiêu chiến lược trong những giai đoạn chiến lược cách mạng; là “vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Những lời nói, hành vi trái với nguyên tắc của Đảng đều có thể dẫn đến sự suy thoái không chỉ văn hóa chính trị của cá nhân người cán bộ lãnh đạo mà còn gây hại lớn cho chế độ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Tư liệu
Thứ ba, phải rèn luyện đạo đức, lối sống và phát huy tính tích cực chính trị. Ở đâu người cán bộ lãnh đạo cũng phải là người tiêu biểu về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng để trở thành chỗ dựa và niềm tin cậy của nhân dân. Rèn luyện đạo đức, lối sống phải gắn liền với nâng cao ý thức pháp luật. Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới"(ngày 31/8/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu đội ngũ cán bộ chiến lược phải: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức... chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật, xây dựng Đảng nghiêm minh với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân”. Là người tiêu biểu về tính tích cực chính trị đòi hỏi người lãnh đạo phải là người không ngừng học tập, mở rộng tầm nhìn, đổi mới tư duy và coi trọng khổ luyện. Để đạt được một nền tảng trí tuệ vững chắc cùng với một phẩm chất cao đẹp phải trải qua quá trình gian nan rèn luyện và phấn đấu.
Thứ tư, cần nâng cao trình độ văn hóa chính trị của quần chúng nhân dân nhằm lôi cuốn mọi công dân vào hoạt động chính trị - xã hội, phát triển ở họ tính tích cực chính trị, sự phản xạ và sự hưởng ứng nhanh chóng với những hiện tượng chính trị, những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đề ra. Trình độ văn hóa chính trị của nhân dân là một thước đo về hiệu quả hoạt động chính trị của những người lãnh đạo hết lòng vì quyền lợi của nhân dân, “tâm huyết , trí tuệ và niềm tin, là “ý Đảng, lòng Dân” hòa quyện cùng mong muốn, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc”.
Thứ năm, cần đổi mới công tác cán bộ của Đảng - phương diện lãnh đạo chủ yếu của Đảng. Chất lượng của công tác cán bộ tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống và sự nghiệp của người cán bộ lãnh đạo chiến lược. Thường xuyên đổi mới công tác cán bộ của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược bảo đảm về số lượng, chất lượng và sự chuyển tiếp liên tục vững vàng là điều kiện quyết định chuẩn bị cho Đảng và dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới, giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nâng cao văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo chiến lược ở nước ta hiện nay chính là sự quán triệt tư tưởng và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự thống nhất nhuần nhuyễn giữa đức và tài trong hoạt động chính trị thực tiễn, trong một cấu trúc nhân cách sống động của người cán bộ cách mạng. Phẩm chất văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo chiến lược của Đảng phản ánh trình độ, phẩm chất và năng lực cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam đang quyết tâm đổi mới không ngừng để luôn thực hiện đúng tinh thần lời dạy của V.I.Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Lâm Quốc