Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975) chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành gần 100 chiến dịch. Thắng lợi của các chiến dịch đã góp phần đặc biệt quan trọng để đánh bại từng chiến lược của địch trong từng giai đoạn chiến tranh, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Việt Bắc Thu đông 1947 là chiến dịch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời chiến dịch trong chiến tranh cách mạng Việt Nam
Từ đầu năm 1947, Bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương ráo riết chuẩn bị tiến công căn cứ địa Việt Bắc, hòng bắt gọn cơ quan lãnh đạo, phá nát tiềm lực kháng chiến của quân dân Việt Nam, bằng cuộc hành quân qua hai bước. Bước một mang mật danh Lê-a, tiến quân trên hai hướng đông và tây, hình thành “hai gọng kìm” vây chặt căn cứ địa Việt Bắc, kết hợp với quân dù hòng tạo nên bất ngờ cho ta. Bước thứ hai mang mật danh Cloclo, tập trung quân càn quét tam giác Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới, truy bắt cơ quan chỉ huy kháng chiến. Đối phương đã huy động 5 trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới (800 xe các loại), 2 phi đội với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu thuyền, với tổng số quân trên 12 nghìn quân. Ngoài ra, còn có các đơn vị quân dù dự bị tập kết ở sân bay Gia Lâm và Cát Bi, sẵn sàng đổ bộ nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến. Đây là cuộc huy động binh lực lớn nhất kể từ khi Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, thể hiện rõ âm mưu dùng sức mạnh quân sự, thực hiện đòn tiến công có tính chất quyết định, nhằm đạt mục đích chiến lược là nhanh chóng kết thúc chiến tranh, áp đặt lại chế độ thống trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở căn cứ địa Việt Bắc năm 1947 (Ảnh tư liệu)
Ngày 7/10/1947, 750 quân dù đổ bộ xuống Bắc Kạn, mở đầu cho tiến công. Trong khi đó, từ Lạng Sơn cánh quân phía đông theo đường số 4 tiến lên Cao Bằng. Cánh quân thủy xuất phát chậm hơn do nước lũ sông Hồng lên cao.
Nắm chắc tình hình địch, Bộ Tổng chỉ huy chủ trương điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng, thành lập ba mặt trận, gồm: Cao Bằng- Đường số 4, do Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp chỉ đạo, đánh địch cơ động trên Đường số 4, hạn chế sức mạnh cơ giới của địch trên gọng kìm phía đông, ngăn chặn tiếp tế của địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng; Sông Lô-Đường số 2 do đồng chí Trần Tử Bình – Tổng thanh tra quân đội phụ trách, có nhiệm vụ đánh địch hành quân, vận chuyển trên sông, trên bộ, ngăn chặn tiếp tế, tăng viện của chúng, tiến tới bẻ gãy gọng kìm phía tây; Bắc Kạn- Đường số 3 do đồng chí Hoàng Văn Thái – Tổng Tham mưu trưởng phụ trách, đánh tiêu hao, tiêu diệt quân địch cơ động trên đường Bắc Kạn – Cao Bằng, bảo vệ các cơ quan Trung ương trong khu vực trung tâm căn cứ địa. Lực lượng trên các mặt trận chủ yếu là các tiểu đoàn tập trung của Bộ và các khu của Việt Bắc. Tất cả đặt dưới sự chỉ đạo chung của Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy. Đồng thời, gấp rút triển khai phương thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, phát động chiến tranh du kích rộng rãi, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp; hình thức tác chiến chủ yếu là phục kích, để tiêu hao, tiêu diệt, ngăn chặn tiếp tế, tăng viện, hạn chế khả năng càn quét, lùng sục của địch vào sâu căn cứ địa.
Với thế trận đó, quân và dân ta đã làm chủ được tình hình, đẩy mạnh tác chiến, tạo nên nhiều trận đánh liên hoàn, lập nên những trận có tính then chốt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, ngăn chặn bước tiến quân, tiếp tế hậu cần, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của quân viễn chinh Pháp.
Ngày 22/12/1947, thực dân Pháp buộc phải kết thúc cuộc hành binh đầy tham vọng. 75 ngày tiến quân lên núi rừng Việt Bắc, quân đội viễn chinh thiệt hại 7.200 binh lính (trong đó 3.300 bị tiêu diệt, bị thương, bị bắt, ra hàng 3.900); 18 máy bay bị bắn rơi; 16 tàu chiến và 38 ca nô bị bắn chìm; 255 xe các loại bị phá hủy. Quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc đã thu 2 pháo 105 mm, 7 pháo 75 mm, 16 khẩu 20 mm, 337 súng máy các cỡ, 45 Badôca, 1.660 súng trường, hàng chục tấn quân trang, quân dụng.
Bộ đội ta tác chiến trong Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu Đông 1947 (Ảnh tư liệu)
Để chống lại cuộc hành quân quy mô của đội quân viễn chinh Pháp, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã huy động lực lượng cao nhất có thể vào cuộc đọ sức có ý nghĩa chiến lược. Các trận đánh trong Việt Bắc Thu Đông 1947 đã vượt qua giới hạn của những đợt tác chiến trong những năm đầu kháng chiến, là sự cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị quân sự lần thứ 4 (9/1947), khi lần đầu tiên khái niệm chiến dịch được xác định “là một loạt các trận chiến đấu, với một binh lực cụ thể, trong khoảng thời gian và không gian nhất định, nhằm giải quyết một số mục đích yêu cầu của chiến đấu nhất định”.
Do vậy, Chiến dịch Việt Bắc Thu đông 1947 là chiến dịch đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng là chiến dịch đầu tiên trong 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng để lại những nét nghệ thuật chiến dịch đặc sắc.
Phương án chỉ huy tối ưu đã phát huy vai trò của các mặt trận
Để huy động toàn quân, toàn dân dồn sức lực vào chiến dịch đầu tiên, Bộ Tổng chỉ huy đã giữ vai trò trực tiếp tổ chức, điều hành. Đây là phương án tổ chức chỉ huy chiến dịch tối ưu, phù hợp tình hình đặc biệt khẩn trương; đủ khả năng, quyền hạn điều chỉnh lực lượng, chỉ đạo tác chiến kịp thời trên toàn chiến trường Việt Bắc cũng như cả nước. Trong điều kiện địa bàn chiến dịch trải rộng 3600 km2, phương tiện thông tin liên lạc còn hạn chế, cơ quan quân sự chiến lược đã chỉ đạo hình thành ba mặt trận đánh địch trên ba hướng, do cán bộ cấp chiến lược trực tiếp chỉ đạo đã phát huy được khả năng độc lập tác chiến trên từng mặt trận và đảm bảo phối hợp hoạt động của toàn chiến trường Việt Bắc cũng như chỉ đạo các chiến trường trên cả nước đẩy mạnh tiến công địch.
Xác định đúng loại hình, hướng tiến công, hạn chế được sức mạnh của địch, phát huy được thế mạnh của ta, đạt được mục đích của chiến dịch
Nắm được ý đồ của địch, nhận định điểm mạnh yếu của đối phương; sở trường, thế mạnh, yếu điểm của ta, Bộ Tổng chỉ huy đã chọn loại hình phản công, chủ động tiến công lại cuộc hành binh của địch. Chủ trương này giúp ta giành lại thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng, bị động đối phó, không phát huy được ưu thế binh hỏa lực và sức cơ động trên các hướng hành quân. Là cơ sở để quân dân ta chủ động tránh được những trận đánh lớn, tập trung, đánh chính quy mà kẻ địch cố tình nhắm tới hòng tiêu diệt chủ lực ta. Lấy phản công để đánh bại địch tiến công là sáng tạo của chiến tranh nhân dân được thể hiện trong Việt Bắc Thu Đông 1947, là yếu tố quan trọng để quân dân ta giành thắng lợi trước cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp. Lựa chọn đúng loại hình đã tạo nên nét đặc sắc về nghệ thuật chiến dịch trong Việt Bắc Thu đông 1947. Cùng với đó, nhận định đúng những điểm yếu như cơ bản trên hai hướng hành quân của địch, và mũi tiến công vào trung tâm căn cứ địa, ta đã sử dụng 20 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh tập trung triển khai trên ba mặt trận – ba hướng đã lựa chọn, lợi dụng địa hình, địa thế, tổ chức các trận đánh có tính chất quyết định để kiềm chế, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của chúng. Đó là sự lựa chọn hướng tiến công thích hợp, phát huy được thế mạnh của ta, khoét sâu vào điểm yếu của địch để tạo nên những trận đánh tác động trực tiếp lẫn nhau tiến tới thực hiện mục tiêu “phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”, không cho địch thực hiện mục đích chiến lược của cuộc hành binh.
Tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo cách đánh sáng tạo, phù hợp với trình độ tác chiến, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân
Trên cơ sở lựa chọn đúng loại hình chiến dịch, hướng tiến công, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã phân tán bộ đội chủ lực thành “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đẩy mạnh phát triển chiến tranh du kích, phát động toàn dân tham gia đánh giặc. Với quy mô tác chiến chủ yếu ở cấp tiểu đoàn, đại đội và hình thức phục kích là phổ biến, lại có lợi thế thông thuộc địa hình, cơ động gọn nhẹ, quân dân ta đã bám sát và liên tục đánh địch trên đường hành quân, quấy rối khi trú quân, hỗ trợ cho các tiểu đoàn tập trung thực hiện được nhiều trận phục kích thành công, tạo nên những trận đánh có ý nghĩa then chốt, gây cho địch nhiều thiệt hại, càng tiến sâu vào núi rừng Việt Bắc càng thiệt nặng về binh lực, không thể thực hiện được kế hoạch, mục tiêu của cuộc hành binh. “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” là bước sáng tạo về nghệ thuật dùng binh và trở thành phương thức hữu hiệu để phát động phong trào toàn dân đánh giặc, là nghệ thuật đặc sắc về tổ chức lực lượng được xác định từ Việt Bắc Thu đông 1947. Cách sử dụng lực lượng này đã khiến cho các sử gia của Quân đội Việt Nam cộng hòa phải thừa nhận “Kết quả cuộc hành quân lớn cũng như nhỏ đã không thực hiện được ý định tiêu diệt chủ lực Việt Minh. Vì tới đâu, Việt Minh cũng né tránh nên không có một trận đụng độ quan trọng nào xảy ra”, ngược lại, theo Đại tướng Võ nguyên Giáp, đã “cho phép những đơn vị nhỏ của ta với trình độ, trang bị hạn chế có thể giáng trả quân địch những đòn hiệu quả”. Đồng thời, với hình thức tổ chức lực lượng này đã thúc đẩy phát triển chiến tranh du kích rộng rãi, huy động được sức mạnh của ba thứ quân, đóng góp của nhân dân cho chiến dịch, đảm bảo cho chiến dịch được tiến hành trong thế trận chiến tranh nhân dân, tăng thêm sức mạnh cho chiến dịch.
Với sự ra đời của chiến dịch đầu tiên và sáng tạo nên những nét đặc sắc về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng, của Bộ Tổng chỉ huy, để quân và dân ta giành thắng lợi trước cuộc tiến công đầy quy mô và tham vọng của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn cho cơ quan lãnh đạo kháng chiến, lực lượng bộ đội chủ lực được bảo toàn và trưởng thành, căn cứ địa được giữ vững. Thắng lợi đó đã giáng cho thực dân Pháp đòn thất bại nặng nề nhất kể từ khi mở cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam, buộc đối phương phải từ bỏ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”; tạo nên bước ngoặt, là tiền đề và điều kiện để quân và dân ta chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới. Kể từ đây, thế và lực của cuộc kháng chiến càng được củng cố, tạo đà cho quân và dân Việt Nam tiến lên giành những chiến công to lớn hơn để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nguyễn Hoàng