“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm ngày thành lập lần thứ 20 (22/12/1944-22/12/1964) phản ánh rõ nét bản chất cách mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam: từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “chỉ cần vẹn đất, cốt sao yên dân”, giữ tình hoà hiếu, hoà bình cho dân tộc
Ra đời từ khát vọng giành lại nền độc lập, hoà bình cho dân tộc
Khát vọng về một nền hòa bình luôn là niềm mong ước của toàn nhân loại ở bất cứ thời đại lịch sử nào. Việt Nam - một dân tộc luôn phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, luôn cảm thấu được ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng hòa bình.
Cũng vì lẽ đó, sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng rất đặc biệt. Không phải một đội quân nhà nghề, thiện chiến mà là một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược để giành lại nền hoà bình, độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong bản Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (bức thư nhỏ được Hồ Chí Minh đặt trong một bao thuốc lá), Người đã chỉ rõ tên và phương châm hoạt động của Đội: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”[1].
Thực hiện Chỉ thị của Người, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, vào lúc 17 giờ ngày 22/12/1944, tại Núi Dền Sinh, dãy Khau Giáng thuộc xã Tam Kim, Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, chỉ với “một nhóm nho nhỏ con con đồng chí” (gồm 34 đội viên) “nhưng lòng kiên quyết rất to”, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) được thành lập. “Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt, trong khu rừng đại ngàn, dưới lá cờ đỏ sao vàng tươi thắm”.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội và thể hiện quyết tâm: “…từ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ…Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc”[2]. Toàn Đội sau đó đã long trọng tuyên thệ 10 lời thề danh dự, nguyện: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 07/5/1954, quân đội ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (Ảnh tư liệu)
Vừa mới ra đời, toàn Đội đã xuất quân và giành thắng lợi trong hai trận ở Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944), mở đầu khí thế của toàn quân và toàn dân ta những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Trong không khí sục sôi những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu: “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa… Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta, vững bền”[3].
Chính hào khí ấy của “Đoàn quân Việt Nam” đã cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc Việt Nam vùng lên với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, để làm nên thắng lợi vĩ đại của thế kỷ XX - lần đầu tiên, một dân tộc thuộc địa, nhỏ đã vùng lên làm một cuộc Tổng khởi nghĩa long trời.
Chiến đấu bảo về nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước
Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với dã tâm xâm lược của thực dân Pháp lần thứ hai. Vì muốn hoà bình, Đảng ta nhất quán chủ trương cố gắng hoà hoãn, quân đội ta đã cố gắng kiềm chế giao tranh. Nhiều nỗ lực ngoại giao trong năm đầu tiên (1945-1946) đã diễn ra: thực hiện “giao thiệp thân thiện, nhân nhượng, tránh xung đột” với quân đội Trung Hoa Dân quốc; Ký với Jean Sainteny – đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ (06/3/1946); tiến hành đàm phán tại Hội nghị trù bị ở Đà Lạt (từ ngày 19/4 đến ngày 11/5/1946); Tiến hành đàm phán chính thức ở Fontainebleau (từ ngày 6/7 đến 10/9/1946); Ký bản Tạm ước (14/9/1946),...
Nhưng nỗ lực ngoai giao của Việt Nam vì một nền hoà bình đều bị đổ vỡ, bởi “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lẫn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[4].
Điều này cho thấy, việc phải cầm súng chiến đấu là một giải pháp “cực chẳng đã”, bởi dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh. Nhưng đặt trong tình thế ở thời điểm đó, nếu quân ta không quyết chiến đấu thì chắc chắn không thể có được độc lập và thống nhất cho dân tộc, càng không thể có được nền hòa bình thực sự. Để thấy, nền hòa bình mà dân tộc Việt Nam tạo dựng hoàn toàn không phải là một nền hòa bình nhu nhược, mà phải dựa trên nguyên tắc: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ đất nước của dân chủ nhân.
Khi sự ngang ngược trắng trợn của thực dân Pháp vi phạm tới nguyên tắc cao nhất này đồng nghĩa với việc toàn quân cùng toàn dân ta đứng lên kháng chiến với tinh thần “… Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[5]. Đây chính là luận cứ nhằm phản bác lại quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch muốn lật lại lịch sử rồi đổi trắng thay đen, tung hô “Việt Nam hiếu chiến, nổ súng trước ?!”.
Chính Jean Sainteny đã viết trong Cuốn Hồi ký nổi tiếng Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (năm 1954): “Chính phủ Pháp đã để vuột mất cơ hội kiến tạo nền hòa bình ở Việt Nam, gây nên những hậu quả nặng nề không chỉ cho các nước Đông Dương mà còn cho chính nước Pháp. Đồng thời, chiến tranh ở Đông Dương 1945 - 1954 còn để lại nhiều hệ lụy khác cho khu vực và thế giới”.
Trong suốt 9 năm kháng chiến, quân đội ta đã chiến đấu với quyết tâm giành nền hoà bình cho dân tộc. Ngay trong phương châm tiến hành kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, nêu cao tinh thần “tự lực, tự cường”, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Quân đội ta đã kề vai sát cánh cùng nhân dân tiến hành kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, Nam Trung bộ; đánh bại cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc (1947), làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang thời kỳ mới, thời kỳ phản công bằng thắng lợi của chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950, tạo thế và lực mới cho cách mạng.
Quân đội ta không ngừng phát triển. Nhiều đại đoàn chủ lực được thành lập, góp phần tăng thêm sức chiến đấu của “các quả đấm chủ lực cách mạng” như: Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, Đại đoàn Công pháo 351.... Trên thế và lực mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta triển khai các mũi tiến công địch để thực kiện Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải chấp nhận ký kết Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.
Với âm mưu xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Geneva, đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 21 năm ròng rã.
Trong thời kỳ lịch sử vô cùng gian nan đó, một tinh thần Việt Nam trỗi dậy với khát vọng hoà bình cùng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và một niềm tin: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Q
uân đội ta đã sát cánh cùng với nhân dân tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, giành được nhiều thắng lợi quan trọng: Chiến thắng Ấp Bắc (01/1963), Bình Giã (12/1964), Ba Gia (5/1965), Đồng Xoài (7/1965) làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; chiến thắng Núi Thành, Vạn Tường, Bàu Bàn, Đất Cuốc, Pleime, đặc biệt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè 1972 trên chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cùng với thắng lợi của quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972); kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân ta giải phóng Tây Nguyên (10/3/1975), giải phóng Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3), 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ chiến thắng đã cắm trên dinh độc lập, đánh dấu thời khắc cả dân tộc hiện thực hóa khát vọng thống nhất non sông, mở ra thời kỳ phát triển mới cho dân tộc.
Ngày 30/4/1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử, quân đội ta đã giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh tư liệu)
Hiện thực hoá khát vọng dựng xây đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
Đất nước thống nhất, bước vào công cuộc đổi mới (từ 12/1986). Để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, hòa bình lâu dài cho dân tộc, quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những người lính tiếp tục viết tiếp truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới: tham gia huấn luyện, xây dựng Đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Đến năm 2025, xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[6]. Sức mạnh của quân đội ta là cơ sở để Việt Nam “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”[7]; “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch…
Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe doạ an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[8].
Hình ảnh những người lính xông pha vào tâm dịch vì nghĩa đồng bào; hăng hái, đi tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân trong thiên tai bão lũ ở miền Trung (2020) và ở tỉnh miền núi phía Bắc (9/2024- sau hậu quả nặng nề từ con bão Yagi). Để thấy, hiếm có một quân đội nào như Quân đội nhân dân Việt Nam! Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân: “quân và dân như cá với nước” “đi dân nhớ, ở dân thương”….
Đó còn là một quân đội vì khát vọng hoà bình đã và đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả: năm 2013, Việt Nam chủ trì tổ chức thành công cuộc Diễn tập thực binh ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo; Năm 2014, cử cán bộ tham gia quan sát viên Lực lượng gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan; Cử lực lượng quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Brunei; động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ; có nhiều đóng góp quan trọng vào các vấn đề an ninh, quân sự quốc phòng của Hiệp hội các nước ASEAN; có nhiều tham ý kiến đóng góp quan trọng trong xử lý các điểm nóng ở Biển Đông, trong khu vực và trên thế giới hiện nay.
Hành trình 80 năm xây dựng và phát triển vì một nền hoà bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc với những chiến công chói lọi; là hành trang để lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay quyết tâm nỗ lực duy trì hòa bình nhưng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó vừa là mục tiêu vừa là mệnh lệnh của dân tộc với quân đội ta.
Cao Hiệu
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539.
[2] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.134.
[3] Trích từ bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác năm 1944.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tâp, Sđd, t.4, tr.534.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tâp, Sđd, t.4, tr.534.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.I, tr.157-158.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.157.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr.156.