Nhận diện những luận điệu sai trái, thù địch về thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Nghệ An là địa phương có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Ngoài các dân tộc có số lượng người đông như Thái, Thổ, Ơ Đu, Khơ Mú, Mông, còn có nhiều nhóm đồng bào dân tộc khác cùng chung sống ở các huyện miền núi rộng lớn. Điều này, bên cạnh lợi thế tạo ra sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần; còn là yếu tố để các thế lực thù địch lợi dụng bằng cách tuyên truyền, kích động, tạo ra những bất đồng, mâu thuẫn giữa các cộng đồng dân tộc, từ đó dẫn đến tình trạng một bộ phận đồng bào có thái độ không thân thiện, không muốn giao lưu với các cộng đồng dân tộc khác, sống khép kín. Đó chính là điều các thế lực thù địch mong muốn để chúng có thể chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây ra tình trạng bất ổn trên địa bàn.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề tôn giáo trong đời sống đồng bào dân tộc để chống phá, xuyên tạc quan niệm của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc miền núi ở Nghệ An hiện nay. Với ý đồ xấu, chúng thường xuyên biên soạn các bản báo cáo, thỉnh nguyện thư để gửi các tổ chức tôn giáo, nhân quyền quốc tế nhờ can thiệp với nội dung xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ, nhân quyền, phân biệt đối xử kỳ thị với đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chúng tuyên truyền và thành lập các nhóm, hội sinh hoạt tôn giáo dưới mọi hình thức. Chúng lợi dụng một số vụ việc xảy ra ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để thổi phồng, bóp méo bản chất, qua đó kích động đồng bào dân tộc gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị. Những hoạt động này ở Nghệ An tuy không nhiều, không có sự việc lớn, song luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn khó lường; ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bản Lạ, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An
(Ảnh: tuongduong.nghean.gov.vn)
Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh
Giữ vững, duy trì ổn định xã hội là điều kiện tiên quyết để thi hành có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế. Vì vậy, để có thể giúp đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, cần tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, chống phá việc thực hiện chính sách dân tộc, trong đó tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An. Tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả một số chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn miền núi và đồng bào dân tộc đã triển khai; làm cho đồng bào các dân tộc thấy được thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức để nỗ lực phấn đấu vươn lên với tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo; quyết tâm hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết cùng tiến bộ. Huy động tốt hơn nội lực, nhất là khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế từng địa bàn, từng địa phương; tích cực xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, sản xuất, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình, phổ biến hướng dẫn và nhân rộng các điển hình, xây dựng phong trào phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh miền núi vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là vùng biên. Khuyến khích các hộ gia đình đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo mô hình kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp - chăn nuôi. Phát triển các ngành nghề thủ công để khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ như: mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu.
Thứ hai, bên cạnh triển khai các chính sách về dân tộc do Trung ương ban hành; tỉnh cần nghiên cứu, cụ thể hóa chính sách bảo đảm phù hợp hơn với thực tế địa phương để thu hút được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư, hỗ trợ phát triển. Đồng thời, cần thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa các chủ trương, chính sách, các chế độ và các chương trình, dự án nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tài trợ, chống thất thoát lãng phí. Qua đó khẳng định tính kịp thời, minh bạch trong thực hiện chủ trương, chính sách, làm thất bại các luận điệu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 764, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An giúp xã Nậm Giải, huyện Quế Phong làm cầu dân sinh.
(Ảnh: Trọng Kiên)
Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phải có sự phân công cụ thể cho các cấp, các ngành và cá nhân chịu trách nhiệm từng lĩnh vực gắn với địa bàn và từng dân tộc; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện. Củng cố, tăng cường hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số cho từng vùng, từng dân tộc. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường lực lượng cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt đến công tác ở vùng dân tộc, nhất là các địa bàn vùng xung yếu về chính trị, an ninh, quốc phòng; coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm nguồn cán bộ bổ sung cho cơ sở; nghiên cứu, sửa đổi tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm và các cơ chế, chính sách đãi ngộ cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là cán bộ công tác lâu năm có nhiều đóng góp.
Thứ tư, nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc đối với việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi. Đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc; quán triệt phương châm: chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương trên cơ sở truyền thống văn hóa, tập quán, đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Đại Vinh