Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Cơ tu, trở thành nét văn hóa đặc trưng của tộc người Cơ tu. Hiện nhóm người Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt trong cộng đồng và trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước để mong ước của người Cơ tu trở thành hiện thực.
Nguồn: baodanang.vn
Sau quá trình tản cư rồi sáp nhập, người Cơ tu ở Đà Nẵng sinh sống cố định tại xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, với hai thôn lớn là Tà Lang và Giàn Bí. Dân tộc Cơ tu ở đây có khoảng 247 hộ với trên 794 nhân khẩu. Đời sống kinh tế khá giả hơn nhiều so với đồng bào Cơ tu ở vùng núi Quảng Nam.
Nhưng so với các huyện đồng bào Cơ tu sinh sống ở vùng núi Quảng Nam, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Hoà Vang, Đà Nẵng có vẻ còn mơ hồ trong chính đồng bào, nếu không nói là đã thất truyền từ lâu. Đây là một trong những nét văn hoá khá đặc trưng của đồng bào Cơ tu có từ rất lâu đời, không thể thiếu trong đời sống cộng đồng tộc người. Mỗi cô gái Cơ tu đến tuổi lấy chồng đều phải biết dệt vải. Công việc này cũng là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng và đức hạnh của người phụ nữ Cơ tu. Thế nhưng một thời gian dài trước đây, chị em phụ nữ Cơ tu chỉ biết lên nương rẫy chứ không hề biết đến nghề dệt.
Ngày 22/2/2018 UBND huyện Hoà Vang đã có kế hoạch số 31/KH-UBND về khôi phục nghề dệt truyền thống của người Cơ tu trên địa bàn huyện Hoà Vang. Theo đó, mục tiêu là khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu, bảo tồn và phát triển nghề dệt trên nguyên tắc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và mang tính bền vững. Từ đó, nghề dệt thổ cẩm đã được đưa vào một trong 6 nhóm nghề để phục vụ du lịch cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã được tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương. Cũng ngay trong năm 2018, xã Hòa Bắc thành lập Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ tu với sự tham gia của 20 phụ nữ thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hòa Vang phối hợp với xã Hòa Bắc tổ chức 2 lớp dạy nghề cơ bản và nâng cao cho các thành viên tổ hợp tác với sự giảng dạy của 2 nghệ nhân dệt thổ cẩm ở huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Các chị còn được UBND xã đưa đi tham quan, học tập tại 2 tổ dệt ở huyện Đông Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, lại được chính quyền hỗ trợ, mời các nghệ nhân về truyền lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đi học cả nghề may, để may các sản phẩm từ vải thổ cẩm.
Ngoài ra, các cấp chính quyền đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm như: giới thiệu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu tại Ngày hội Khởi nghiệp - sáng tạo Đà Nẵng năm 2019, tham gia gian hàng tại Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2020, mở các gian hàng tại các Lễ hội ở bảo tàng Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam)... Nghề dệt thổ cẩm hồi sinh nhanh chóng tại cộng đồng Cơ tu nơi đây và còn lan toả đi các làng du lịch ở Quảng Nam. Nhiều người dân tự tin đứng trước khách du lịch giới thiệu những sản phẩm thủ công do chính tay họ làm tra. Rằng, nghề dệt thổ cẩm là nghề “cha truyền con nối” đặc trưng của phụ nữ Cơ tu, phần lớn đều được truyền từ đời này qua đời khác do những người bà, người mẹ trực tiếp truyền dạy. Nét độc đáo của dệt thổ cẩm của người Cơ tu là dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Cả 2 mặt đều nổi cườm và mỗi họa tiết cườm đều có ý nghĩa của nó. Qua các khóa học kỹ năng tiếp cận thị trường, dệt thổ cẩm Cơ tu ở Hoà Bắc, Hoà Vang thật sự thu hút nhiều bạn hàng trong nước như Huế, Đà Nẵng, Hội An... và ngoài nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Những đường nét, hình thù đặc sắc trong nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ tu thực sự đã trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia trên lĩnh vực dệt của Nhật Bản trong những năm gần đây. Một ông phó thị trưởng người Nhật Bản trong dịp lễ hội Việt - Nhật ở Hội An đã tìm kiếm được một hoa văn của người Nhật cách đây 400 năm. Qua sưu tra, đối chiếu những hoa văn đó ông khẳng định là hoa văn dệt sọc của người Cơ tu hàng trăm năm trước. Bây giờ người Nhật vẫn duy trì mẫu dệt quý hiếm này.
Sau thời gian tạm thời dừng lại do dịch Covid-19, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Cơ tu ở Hoà Bắc trở lại hoạt động, hướng tới phục vụ nhu cầu ngay ở địa phương: dệt ba lô thổ cẩm cho học sinh; khăn choàng thổ cẩm đồng phục cho các cơ quan, đơn vị; quà tặng cho các hội nghị, lễ kỷ niệm v.v… Tuy không nhiều, nhưng Tổ vẫn hoạt động thường xuyên để các thành viên không quên nghề, chờ du lịch phát triển trở lại.
Nghề dệt thổ cẩm hiện nay không còn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng Cơ tu là chính, như trong truyền thống. Hiện người Cơ tu nơi đây cũng sử dụng trang phục như người Kinh, phổ biến và giá thành rẻ. Chính vì vậy, việc khôi phục nghề hướng tới mục đích phục vụ du lịch là chủ yếu. Du lịch cộng đồng ở Hoà Vang phát triển, nghề dệt mới có thể phát triển theo. Tuy nhiên, cả ở thời điểm du lịch phát triển, thị trường tiêu thụ cũng hạn chế, bị cạnh tranh bởi các loại sản phẩm thổ cẩm khác về mẫu mã, giá cả… Việc đầu tiên và cốt yếu phải tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Trải qua thời gian, nghề dệt thổ cẩm đến nay không còn phổ biến như xưa kia trong tộc người Cơ tu. Bởi giá trị sử dụng không còn nhiều; giá trị kinh tế càng suy giảm, chỉ còn ở giá trị văn hoá. Công cuộc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi các tộc người cần thể hiện rõ nét sức mạnh văn hoá của mình. Dân tộc Cơ tu với nghề dệt thổ cẩm cũng vậy.
Triều Nguyễn