"Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là luận điệu xuất hiện ở các nước tư bản phương Tây từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đã được V.I.Lê nin nhận diện, phê phán trong bài báo “Quân đội và cách mạng” đăng trên báo “Đời sống mới” ngày 16/11/1905: “...những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị... là giả dối, rằng những lời nói đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào”.
Quan điểm này được sử dụng với chính xã hội phương Tây, thường xuất hiện khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, và do đó các đảng không cầm quyền thường kêu gọi “quân đội không đứng về đảng phái nào” để tránh nguy cơ bị đảng cầm quyền sử dụng lực lượng vũ trang đàn áp. Để lý giải cho lời kêu gọi trên, những người nêu quan điểm này thường lập luận lực lượng vũ trang gồm quân đội chuyên nghiệp và cảnh sát chuyên nghiệp là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước, được lập ra và nuôi dưỡng, sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia nên chỉ tuân theo Hiến pháp, không chịu sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị nào. Từ đó, họ suy ra rằng lực lượng vũ trang phải trung lập, không tham gia vào cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị để giành và giữ quyền kiểm soát quyền lực nhà nước.
Với các nước xã hội chủ nghĩa, ngay từ những năm 1940-1950 của thế kỷ XX, các nước phương Tây (đứng đầu là Mỹ) đã thực thi “diễn biến hòa bình” thông qua các biện pháp phi quân sự để loại bỏ Chủ nghĩa Mác và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đến những năm 1980, “diễn biến hòa bình” được bổ sung, phát triển và nâng lên thành chiến lược, trong đó “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là một trong 6 mục tiêu cơ bản. Các thế lực thù địch xác định rằng muốn lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, yêu cầu cơ bản là phải vô hiệu hóa được lực lượng vũ trang – công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, trước hết là vô hiệu hóa được sức mạnh chính trị - tinh thần của lực lượng vũ trang, với yếu tố quyết định là vai trò lãnh đạo của Đảng. Để “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, các thế lực thù địch tấn công toàn diện vào bản chất chính trị của lực lượng vũ trang, từ những vấn đề cơ bản về chính trị, bản chất giai cấp, hệ tư tưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến những vấn đề về chính trị, tinh thần, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ, vũ khí, trang bị, lịch sử, hiện tại...
Mục đích làm ra, phát tán quan điểm “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là từng bước làm cho lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam xa rời, phai nhạt, xói mòn bản chất giai cấp công nhân, tính Đảng từ đó xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang. Tính chất nguy hiểm của quan điểm trên là ở chỗ nó tấn công vào cái “gốc” chính trị để từ đó làm suy yếu sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, khiến lực lượng vũ trang bị suy yếu, mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, không còn khả năng ngăn chặn các cuộc tiến công cả từ bên trong và bên ngoài, thậm chí bị lôi kéo vào quỹ đạo chính trị phản động. Ngược lại, khi không còn sự bảo vệ của công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy, Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ không còn khả năng tự bảo vệ dẫn tới sụp đổ./.
Quang Minh