* Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch
Hiện nay, trên các nền tảng trực tuyến như Website, Facebook, Fanpage, Instagram, Blog, Youtube,… các thế lực thù địch đang phát tán rất nhiều thông tin sai lệch về Việt Nam, trong đó có “phân biệt đối xử” giữa các tôn giáo. Các luận điểm này thường tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo thật sự, Nhà nước Việt Nam dùng các điều luật mơ hồ để hạn chế tự do tôn giáo.
Hai là, Việt Nam đàn áp người dân tộc thiểu số theo tôn giáo, đặc biệt là người Mông và người Thượng theo Tin lành; ngăn cản, không thừa nhận hoạt động của một số tổ chức tôn giáo; đàn áp một số nhóm cộng đồng theo tôn giáo; cản trở hoạt động của các tín đồ, chức sắc tôn giáo có tư tưởng tự do, dân chủ; bắt bớ, giam cầm những nhân vật đấu tranh cho tự do tôn giáo.
Ba là, ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo bị Nhà nước chi phối, can thiệp thô bạo vào hoạt động, tôn giáo không có tiếng nói riêng.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam được thể hiện xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử. Những nội dung này đã được thể hiện trong Hiến pháp từ khi thành lập nước (Hiến pháp năm 1946) đến Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013) và cụ thể hóa trong các luật và bộ luật của Nhà nước Việt Nam1, đặc biệt được quy định rõ trong các Điều 6, 7, 8 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 20162. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5)3 và các điều luật này hoàn toàn không mang tính mơ hồ, không trái với các quy định trong điều luật quốc tế. Ngược lại, rất phù hợp với khoản 3 Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị4. Thực tế ở Việt Nam những năm qua, số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã có sự gia tăng đáng kể. Theo Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam (công bố ngày 09-3-2023), tại Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo; hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với hàng nghìn cơ sở thờ tự. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được tự do hoạt động tôn giáo và tham gia các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.
Hai là, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Quyền tin theo hoặc không theo tôn giáo, chuyển đổi niềm tin tôn giáo, bày tỏ, thực hành tôn giáo của người dân tộc thiểu số cũng như mọi người dân Việt Nam luôn được Nhà nước tôn trọng, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong cộng đồng người Khmer, người Chăm cũng như trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, Nhà nước đều cho phép thành lập các tổ chức tôn giáo và đảm bảo các điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật. Hàng trăm tổ chức tôn giáo trực thuộc (trong đó phần lớn là các tổ chức của đạo Tin lành và Công giáo) đã và đang hoạt động ổn định ở các vùng dân tộc thiểu số5. Những thông tin cho rằng, Nhà nước Việt Nam từ chối cấp hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân cho những người Mông và người Thượng vì họ theo đạo Tin lành là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, bóp méo sự thật.
Nhà nước Việt Nam không gây cản trở hoạt động của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Một số cá nhân chức sắc, tín đồ tôn giáo có hoạt động gây mất đoàn kết nội bộ tôn giáo, kích động chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây mất ổn định xã hội đã bị chính cộng đồng cùng đức tin của họ tẩy chay, bị tổ chức tôn giáo kỷ luật. Một số công dân Việt Nam (là tín đồ của các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài,…) đã bị Nhà nước phạt tù vì những hoạt động vi phạm pháp luật của họ chứ hoàn toàn không phải vì lý do tôn giáo. Mọi người dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ; nếu vi phạm các quy định của pháp luật, mọi người đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định, không phân biệt người đó có niềm tin tôn giáo hay không. Điều này hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế và phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam.
Ba là, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do của các tổ chức tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ tôn giáo. Ngược lại, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng. Các tổ chức tôn giáo được nhà nước tạo điều kiện thể hiện quan điểm, tiếng nói và vai trò của mình đối với xã hội. Hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có các trang thông tin điện tử, hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Đây là phương tiện để các tổ chức tôn giáo quảng bá nội dung tôn giáo và phản biện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Mỗi năm, các tổ chức tôn giáo xuất bản hàng trăm đầu kinh sách, tài liệu với hàng triệu bản in. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 140 xuất bản phẩm của tôn giáo với 684.250 bản in được Nhà nước cấp phép xuất bản6. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có đại diện trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tham gia giám sát và phản biện xã hội.
BBT
1 Điều 9, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 116, Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 13, Điều 20, Luật Giáo dục năm 2019; Điều 17, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015,...
2 Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Điều 7. Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Điều 8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam
3 Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
4 Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
5 Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2020, có 311 chi hội, 1.742 điểm nhóm của đạo Tin lành ở Tây Nguyên, 14 chi hội và 797 điểm nhóm Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc.
6https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/khong-the-xuyen-tac-tinh-hinh-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-48068.html