Từ những chiến sĩ thầm lặng, “ẩn danh” đến xung pha, “hiện danh”…
Có thể khẳng định rằng, không phải đến bây giờ thì chúng ta mới hình thành mặt trận đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá của các thế lực thù địch mà đó đã là hoạt động xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, trong bất cứ tình huống nào, tại thời điểm lịch sử nào, các thế lực thù địch cũng luôn tìm cách lôi kéo, kích động, chống phá, xuyên tạc,… nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đương nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù kẻ địch có thâm hiểm đến đâu và sử dụng những thủ đoạn nào, thì “mặt trận tư tưởng” của chúng ta vẫn luôn được giữ vững, thậm chí ngày một lớn mạnh hơn, vững chắc hơn. Bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có đội ngũ “chiến sĩ” hùng hậu: có thể thầm lặng, “ẩn danh” hay có thể xông pha, “hiện danh”; với truyền thống yêu nước, thế hệ sau tiếp nối các thế hệ đi trước để hướng đến thực hiện nhiệm vụ cao cả là: giữ vững an toàn, an ninh quốc gia; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khơi dậy niềm tin cho nhân dân; góp phần xây dựng, nuôi dưỡng “trái tim” cho đất nước và tâm hồn cho dân tộc.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức năm 2019. Ảnh: Internet.
Tùy thời điểm, không gian, tính chất, nhiệm vụ chính trị mà các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng như các nhà báo, nhà lý luận chuyên nghiệp, người hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, dân vận, truyền thông,… đến những “tay bút không chuyên” trong các “tổ giúp việc”, “đội xung kích” “nhiệm vụ 35”; từ những chiến sĩ xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió để thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia đến những con người âm thầm theo dõi, nghiên cứu, tìm hiểu những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động để dùng ngòi bút, tiếng nói của mình xây dựng luận cứ phản bác lại các quan điểm sai trái đó. Tất cả, dù “ẩn danh” hay “hiện danh”, dù xông pha hay lặng lẽ, dù dùng lời nói hay ngòi bút, dù trực tiếp hay gián tiếp,… đều có một điểm chung: đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng. Đó là “nỗ lực chung”, “mẫu số chung” cũng là “mục tiêu duy nhất” của các “chiến sĩ” trên mặt trên tư tưởng.
… Đến quyết tâm không phút giây ngừng nghỉ, hướng đến mục tiêu cao cả: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,…”[1].
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần sự đồng thuận cao của tất cả nhân dân Việt Nam, sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của mỗi cán bộ, đảng viên. Đương nhiên, không thể thiếu vai trò của những người làm công tác tư tưởng, những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng để bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, an sinh xã hội.
Vậy, trong tình hình hiện nay, người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Trước hết, họ phải tích lũy và phát triển các loại “vốn”, bao gồm: “vốn chính trị” (tư tưởng chính trị, quan điểm chính trị, thái độ chính trị và lập trường chính trị); “vốn văn hóa” (tố chất văn hóa, hàm lượng văn hóa, tri thức văn hóa và phong cách văn hóa); “vốn xã hội” (niềm tin xã hội, chuẩn mực xã hội, giá trị xã hội).
Muốn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì người “chiến sĩ” phải hội đủ tố chất, dũng khí, tri thức, kỹ năng, biện pháp,… để thực hiện nhiệm vụ. “Vốn chính trị” cần phải được đặt lên hàng đầu: không lung lay, không xô lệch, không “đổi màu”, không đánh mất mình, không nản chí trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Đồng thời, cần phải tích lũy thật nhiều “vốn văn hóa”, “vốn xã hội” để làm phong phú, đanh thép, sắc sảo và có tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính cảm hóa trong lời nói, bài viết của mình.
Diễn đàn “Tuổi trẻ CAND xung kích tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”, do Đoàn Thanh niên Bộ Công an tổ chức ngày 30/6/2020. Ảnh: Internet.
Thứ hai, phải có “gan” và phải “khéo”: Gan ở đây không phải là “lì lợm”, khéo ở đây không hàm chỉ sự “tinh ranh”. Gan chính là kiên trì, kiên nhẫn, dũng cảm; khéo chính là khôn khéo, tinh tế, nghệ thuật. Trên mặt trận tư tưởng, không phải “cuộc chiến” nào cũng thấy ngay kết quả, không phải lời phê phán, phản bác nào cũng tác động trực tiếp đến “đối phương”; không phải lời nói nào cũng đi vào lòng người, lời kết tội nào cũng làm đối phương thui chột, từ bỏ, “đầu hàng”. Hơn nữa, đấu tranh, phản bác không phải lúc nào cũng cần “đao to, búa lớn” mà đôi khi một sự khéo léo trong ngôn từ cũng làm thay đổi cách nhìn nhận của đối phương. Biết kết hợp giữa “gan” và “khéo” để giành thế chủ động trong công tác đấu tranh: không chờ đợi đối phương “khai pháo” mình mới “phản pháo” mà cần “sở hữu” một tinh thần tiên phong, “khéo” tạo các luồng dư luận tích cực. Trên mặt trận tư tưởng, “gan” (dám đấu tranh) kết hợp với “khéo” (khéo đấu tranh) thành “giỏi đấu tranh”.
Thứ ba, phải có tri thức và luôn cập nhật kiến thức mới. Muốn “đấu tranh” phải nhận diện đối tượng cho đúng, tìm kiếm phương pháp thích hợp, có tính hiệu quả cao. Muốn vậy, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng phải không ngừng học tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hun đúc tâm hồn, trau dồi ý chí. Ngay việc nhận diện “quan điểm sai trái”, “quan điểm thù địch” cũng không phải là việc dễ. Do hạn chế về mặt nhận thức mà ngay chính chúng ta đôi khi cũng không hiểu đúng, đầy đủ một vấn đề dẫn đến hiểu “sai”, “lệch” hàm ý, tinh thần. Do đó, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng đôi khi phải “đấu tranh với chính mình” bằng cách luôn “gột rửa” tinh thần, “mài dùi” kiến thức để hội đủ những điều kiện, để thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức, cấp trên giao phó.
Bên cạnh đó, “người chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng phải biết sáng tạo, sử dụng “vũ khí mềm” như một phương tiện để chiến đấu; biết “tự xây chiến hào” cho mình để bảo đảm sự an toàn; biết thu thập và phân tích các dữ liệu, số liệu thực chứng có liên quan để tăng độ “công phá”, mang lại hiệu quả cao nhất có thể; xác định rõ công tác tư tưởng là nhiệm vụ thiêng liêng và không cho phép ngừng nghỉ dù chỉ một giờ, một phút, một giây,…
“Đấu tranh” vừa là thái độ, phương pháp, vừa phải trí tuệ và nghệ thuật. Mỗi cán bộ, đảng viên là một chiến sĩ; lời nói, ngòi bút là vũ khí; lòng trung thành là “chiến hào”; niềm tin của nhân dân là thước đo của thành quả; đất nước phồn thịnh, hùng cường là mục tiêu tối thượng!
Phạm Đi