Nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mường ở Nho Quan
Cồng chiêng là loại nhạc cụ không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây, được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mường.
Cồng chiêng thường được sử dụng theo dàn gồm 10 hoặc 12 chiếc được đúc bằng đồng thau hoặc đồng đỏ. Trong các bản Mường, thường có phường cồng chiêng gồm từ 15 đến 30 người. Người chơi thường là nữ nhưng cũng có khi cả nam và nữ. Mỗi người cầm một chiếc tay này xách quai đeo cồng, tay kia cầm dùi gỗ, có quấn vải một đầu gõ vào núm cồng theo nhịp điệu và tiết tấu của bài. Một dàn cồng chiêng của người Mường có 02 hình thức biểu diễn: dàn hàng ngang đứng tại chỗ, hoặc vừa đánh vừa đi thành một vòng tròn và đánh các tiết tấu của từng bài, có thể chuyển nhiều bài chiêng trong một lần đánh. Những bài cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống, gắn liền với quá trình lao động sản xuất của đồng bào Mường, phản ánh tâm hồn và cuộc sống của người Mường; có những bài đã lưu truyền hàng ngàn năm, song cũng có những bài mới sáng tác gần đây.
Có thể nói tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt ở khắp mọi nơi, mọi thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người dân Mường. Trước đây, người Mường sử dụng dàn cồng chiêng trong các lễ hội (lễ xuống đồng, hội đánh cá, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới…), trong đám cưới, đám tang, báo động khi có hỏa hoạn, trộm cắp, báo có thú dữ đến phá hoại mùa màng.. hoặc để tập trung mọi người thông báo những việc chung của làng, bản.
Đặc biệt, cồng chiêng được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc hát sắc bùa mỗi dịp tết cổ truyền. Vào ngày 30 tết, mỗi bản sẽ có ít nhất một Phường bùa, bản nào rộng có thể lên tới hai, ba Phường bùa, mỗi Phường bùa phải có ít nhất một dàn cồng chiêng đi theo. Những người đánh cồng chiêng trong Phường bùa không những giỏi hát đối đáp mà còn phải đánh được nhiều bài chiêng khác nhau. Mỗi khi trưởng đoàn cất tiếng hát thì tiếng cồng chiêng lại ngân vang nhịp theo điệu hát của trưởng đoàn và điệu hát đối của khách. Cứ như thế trong ba ngày tết, họ đi hát từ bản này sang bản khác, đến từng nhà, không kể nhà giàu, nghèo, cầu chúc cho các gia đình sang năm mới gặp nhiều may mắn.
Theo thời gian, gần đây người ta không còn được nghe tiếng cồng chiêng vang trên các bản làng, cồng chiêng không còn được sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Mường; văn hóa cồng chiêng cũng dần dần mai một. Nếu như trước kia, hầu như mỗi gia đình người Mường đều có ít nhất một chiếc chiêng trong nhà thì hiện nay gần như không còn nữa. Chỉ còn một vài gia đình giữ được và đưa vào nhà thờ họ hoặc đưa lên các hang núi để thờ chứ không để trong nhà sử dụng trong mỗi dịp sinh hoạt cộng động như trước đây.
Cần nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Kỳ Phú là một xã vùng cao nằm ở phía Tây Nam của huyện Nho Quan, với dân số là 5.047 người, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Mường. Xã Kỳ Phú hiện còn lưu giữ được 04 bộ cồng chiêng nguyên vẹn và một số chiếc riêng lẻ tại các hộ gia đình ở bản Cả, bản Sau và bảo Ao. Số nghệ nhân biết chơi các bài chiêng theo đúng tiết tấu và âm hưởng chỉ còn khoảng 40 người, chủ yếu là các cụ già và những người trung tuổi.
Để văn hóa cồng chiêng không bị mai một,UBND
huyện Nho Quan đã xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường,
chú trọng đưa tiếng cồng chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng dân tộc Mường. UBND huyện Nho Quan hỗ trợ kinh phí để xây dựng các nhà văn hoá làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào Mường, tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, đưa cồng chiêng tham gia các hội thi liên tỉnh.
UBND xã Kỳ Phú đưa cồng chiêng vào các hoạt động văn nghệ quần chúng của xã, huyện, vào các dịp lễ tết, thành lập Đội cồng chiêng bản Sau, Đội cồng chiêng bản Ao và Đội cồng chiêng bản Cả, câu lạc bộ “Hát sắc bùa Kỳ Phú”, trang bị dàn cồng, chiêng đầy đủ nhằm khôi phục nghi lễ truyền thống đầu năm mới của dân tộc Mường. Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình thường xuyên tuyên truyền văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường trong các phóng sự, tin, bài, ảnh.
Cùng với sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người dân, hy vọng văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình sẽ được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần lành mạnh của bà con địa phương./.
Diệp Khang