Ninh Bình là vùng đất cổ, nằm trong không gian văn minh vùng châu thổ sông Hồng, có sự tiếp nối, giao thoa giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, là nơi phát tích của ba vương triều: Ðinh, Tiền Lê và Lý. Ninh Bình thực sự là một vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử, văn hoá đặc sắc.
Khu du lịch sinh thái Tràng An vốn là thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư của triều đại vua Đinh Tiên Hoàng ở thế kỷ X
(Nguồn: baoninhbinh.gov.vn)
Trải qua hơn 30 năm tái lập tỉnh, từ một địa phương thuần nông, lạc hậu, diện tích nhỏ bé khoảng 1.411,86 km2, Ninh Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, thực hiện bước đột phá, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Dân số Ninh Bình năm 1992 có 819.600 người và đến hết năm 2023 tăng lên trên 1 triệu người. Năm 2023, GRDP trên địa bàn toàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) đạt 53.389,76 tỷ đồng, tăng 7,27% so với năm 2022. Thu ngân sách đạt 16.431 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người là 87,5 triệu đồng, tăng 6,3 triệu đồng so với năm 2022.
Để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo (Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ), Ninh Bình đã và đang chú trọng giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng đô thị di sản Cố đô, lấy bảo tồn di sản làm nhiệm vụ cốt lõi, lấy xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương làm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn di sản. Đô thị phải giữ được bản sắc, không bị cuốn theo sự phát triển của đô thị hiện đại, đô thị nén và bê tông hóa, gây xung đột với những giá trị của di sản Cố đô.
Thành phố Ninh Bình hiện đại, phát triển
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)
Do đó, xây dựng Đô thị Hoa Lư - Đô thị di sản Thiên niên kỷ rất chú ý tới đặc trưng văn hóa của Ninh Bình. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích, trong đó có 379 di tích đã được xếp hạng (298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp Quốc gia), trong đó có 03 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 01 Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới). Nổi bật nhất là những di sản địa phương: Khu di sản quần thể danh thắng Tràng An và Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non nước, thu hút lượng lớn khách du lịch. Tính đến hết 31/12/2023, Ninh Bình có 819 cơ sở lưu trú, tăng 2,4% so với năm 2022. Toàn tỉnh đón trên 6,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 6.742 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,52% so với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Riêng Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Nhiều năm liền, Ninh Bình luôn giữ vững vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng kết hợp với các địa phương khác để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh mà điển hình là việc xây dựng "Hành trình con đường di sản" với chiều dài gần 100km kết nối các điểm đến gồm Quần thể danh thắng Tràng An - Cố đô Hoa Lư - động Am Tiên - Khu tâm linh núi chùa Bái Đính - Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) - Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) - tạo nên chuỗi du lịch kết nối các miền di sản mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đây chính là cơ hội và nền tảng để tỉnh Ninh Bình phát huy mô hình phát triển đô thị trên cơ sở phát huy giá trị đặc trưng về di sản. Là đòn bẩy giúp ngành du lịch của tỉnh đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trung tâm du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế trong tương lai.
Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.
(Ảnh: Trường Huy. Nguồn: baoninhbinh.gov.vn)
Tuy nhiên, đối chiếu với lợi thế từ phát triển du lịch dựa trên di sản, tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức: Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; tỷ lệ đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%); việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... cần đầu tư hơn nữa; công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm; các sơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch cũng rất hạn chế, chưa có khách sạn 5 sao... cho thấy sự chưa tương thích giữa chiến lược phát triển đô thị gắn với khai thác lợi thế cạnh tranh về di sản của tỉnh. Vì vậy, trong bối cảnh này, quản lý và phát triển đô thị Ninh Bình đã cân nhắc đến các giải pháp quy hoạch phát triển không gian, hạ tầng đô thị không chỉ bảo đảm chất lượng của đô thị mà còn phải quan tâm đánh giá tác động để các phương án phát triển không làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan (gồm kiến trúc, không gian công cộng, hệ thống hạ tầng...) và những giá trị đặc trưng của di sản, đặc biệt là các công trình di sản kiến trúc.
Theo đó, Ninh Bình đã xác định phương hướng phát triển đến năm 2030 có 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp. Về quy hoạch hệ thống đô thị, Tỉnh định hướng 07 đô thị trung tâm, gồm: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại II và 05 đô thị loại IV, tỷ lệ đô thị hoá đạt 56,1%. Khu vực nông thôn sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản. Trọng tâm trong phát triển các khu chức năng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là: 11 khu công nghiệp, 02 khu du lịch quốc gia, 04 khu bảo tồn thiên nhiên, 02 tuyến đường cao tốc, 01 cảng tổng hợp và dự trữ quỹ đất phát triển 02 sân bay chuyên dùng... Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng: công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ôtô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động. Đồng thời, để bảo đảm thành công trong phát huy giá trị của đô thị di sản đi đôi với xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức, nhà đầu tư trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch dựa trên di sản.
Hồng Hạnh