Những đóng góp đặc biệt quan trọng của Ph.Ăngghen được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau:
Ph.Ăngghen góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển quan niệm duy vật về lịch sử
Chủ nghĩa duy vật lịch sử là một trong hai phát kiến vĩ đại của C.Mác. Tuy vậy, trên cơ sở những hiểu biết độc lập trước đó của mình, Ph.Ăngghen đã có ảnh hưởng rất lớn đến C.Mác, đồng thời cùng với C.Mác viết nhiều tác phẩm quan trọng trong đó thể hiện sâu sắc chủ nghĩa duy vật về lịch sử.
Thông qua các tác phẩm Những cuộc khủng hoảng trong nước, 1842 (viết cho Nhật báo tỉnh Ranh); Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, 1843; Tình cảnh nước Anh. Tômát Các-lai-lơ. Quá khứ và hiện tại, 1843; Tình cảnh nước Anh, thế kỷ 18 và Tình cảnh nước Anh. Hiến pháp nước Anh; Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh 1844-1845… Những tư tưởng về sự thay đổi của công cụ lao động, của phương thức sản xuất dẫn đến sự thay đổi kết cấu giai cấp của xã hội; mối liên hệ giữa kinh tế - kết cấu giai cấp của xã hội – chính trị; tính chất giai cấp của ý thức xã hội ; vai trò của lợi ích kinh tế... mà Ph.Ăngghen nêu ra đã góp phần hình thành nên chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị là một văn kiện quan trọng đầu tiên về kinh tế chính trị học của giai cấp vô sản. Khi phê phán kinh tế chính trị học tư sản Ph.Ăngghen đã đi đến kết luận phải tiêu diệt sở hữu tư nhân, nêu ra tính tất yếu của cách mạng xã hội. Sau này, khi biên soạn Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, Mác đã chịu ảnh hưởng sâu sắc những gợi ý và tư tưởng của Ph.Ăngghen. C.Mác gọi Lược thảo của Ăngghen là bản “sơ thảo thiên tài... phê phán các phạm trù kinh tế”. Việc đọc Lược thảo đã tăng thêm sự quan tâm của C.Mác đối với các vấn đề kinh tế - xã hội và C.Mác quyết định nghiên cứu sâu hơn về kinh tế học chính trị. Đặc biệt tư tưởng về khuynh hướng phát triển của chủ nghĩa tư bản mà Ph.Ăngghen nêu ra trong Lược thảo sau này đã được C.Mác và V.I.Lênin phát triển sâu sắc.
Trong bài Tình cảnh nước Anh. Hiến pháp nước Anh đăng trên tờ Tiến lên năm 1844 Ph.Ăngghen đã phân tích chế độ chính trị ở Anh và đã đưa ra tư tưởng về mối liên hệ giữa các sự kiện kinh tế, sự đối lập giai cấp (giữa tư sản và vô sản) và lịch sử chính trị. Đây là tư tưởng tiến gần tới việc giải thích về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng sau này của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Trong tác phẩm Chống Duy rinh, Ph.Ăngghen không chỉ phê phán quan niệm sai lầm của Duyrinh mà thông qua đó còn trình bày những hiểu biết mới về lịch sử trong những điều kiện mới. Ph.Ăngghen viết: “Nhưng quan niệm duy tâm cũ về lịch sử, một quan niệm chưa bị đẩy lùi, lại không biết đến một cuộc đấu tranh giai cấp nào dựa trên lợi ích vật chất và nói chung không biết đến lợi ích vật chất nào cả; nền sản xuất cũng như mọi quan hệ kinh tế đều chỉ được họ nhân tiện nhắc đến với tư cách là những yếu tố thứ yếu của “lịch sử văn minh” mà thôi. Những sự kiện mới buộc người ta phải nghiên cứu lại toàn bộ lịch sử từ trước tới nay và khi đó người ta thấy rằng toàn bộ lịch sử đã qua đều là lịch sử đấu tranh giai cấp; rằng những giai cấp xã hội đấu tranh với nhau ấy lúc nào cũng là sản phẩm của những quan hệ sản xuất và quan hệ trao đổi, tóm lại là sản phẩm của những quan hệ kinh tế của thời đại của các giai cấp ấy; rằng do đó kết cấu kinh tế của xã hội của mỗi thời đại nhất định tạo nên cái cơ sở hiện thực mà xét đến cùng, phải bằng cái cơ sở hiện thực ấy mà giải thích toàn bộ kiến trúc thượng tầng bao gồm những thể chế pháp luật và chính trị, cũng như những quan niệm tôn giáo, triết học và các quan niệm khác của mỗi thời kỳ lịch sử nhất định. Do đó, chủ nghĩa duy tâm đã bị tống cổ ra khỏi nơi ẩn náu cuối cùng của nó, tức là ra khỏi quan niệm về lịch sử, người ta đã có một quan niệm duy vật về lịch sử và đã tìm thấy con đường để giải thích ý thức của con người từ sự tồn tại của họ, chứ không phải lấy ý thức của họ để giải thích sự tồn tại của họ như từ trước đến nay người ta đã làm”[1].
Trong tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học (1880), Ph.Ăngghen cũng đa đưa ra những quan điểm khoa học cơ bản về lịch sử, như sản xuất, trao đổi và phân phối sản phẩm của sản xuất là cơ sở của mọi chế độ xã hội; sự phân chia giai cấp bắt nguồn từ cơ sở ấy; những biến đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, chính trị là cơ sở của xung đột xã hội. Những quan niệm này là cơ sở để để trình bày nội dung lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở sự đồng thuận về tư tưởng, tình bạn vĩ đại giữa những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác bắt đầu từ ngày C.Mác và Ph.Ăngghen cũng viết trên tờ Niên giám Pháp - Đức, nghĩa là vào năm 1844. Điều này đã tạo ra bước phát triển mới đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử thông qua các tác phẩm Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản…
Sau khi C.Mác mất (1883), Ph.Ăngghen, một mặt, tập trung sức lực và trí tuệ để chuẩn bị cho việc xuất bản tập hai và ba bộ Tư bản - một việc làm mà sau này được V.I.Lênin đánh giá như là việc Ph.Ăngghen đã xây dựng cho người bạn của mình một đài kỷ niệm vĩ đại và trên đó Ph.Ăngghen không ngờ đã khắc luôn tên tuổi của mình, đồng thời hoàn thành các tác phẩm triết học quan trọng của mình, trong đó đặc biệt có tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884); Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1886); Lời tựa cho tác phẩm Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cố điển Đức, viết vào tháng 2 năm 1888; Lời tựa cho cuốn sách Tuyên ngôn của Đảng cộng sản xuất bản bằng tiếng Anh, năm 1888; Lời tựa cho cuốn Ngày 18 tháng Sương mù của Lui Bônapactơ, xuất bản lần thứ ba bằng tiếng Đức… Những tác phẩm cũng ghi nhận sự đóng góp xuất sắc của Ph.Ăngghen trong quan niệm duy vật về lịch sử trong điều kiện mới, nhầt là sự phân tích cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và nhà nước trong xã hội tư sản hiện đại; phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa kinh tế với nhà nước, pháp luật và hệ tư tưởng.
Như vậy, trong khoảng thời gian trước khi gặp C.Mác cũng như gần 40 năm cùng làm việc với C.Mác và 12 năm sau khi C.Mác qua đời, Ph.Ăngghen đã có đóng góp to lớn vào việc xây dựng và phát triển quan niệm duy vật về lịch sử trên nhiều vấn đề quan trọng. Điều này đã chứng minh Ph.Ăngghen là một trí tuệ anh minh của lịch sử nhân loại.
Ph.Ăngghen vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật lịch sử vào thực tiễn
Trong tác phẩm Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh Ph.Ăngghen đã phân tích sâu sắc về vai trò của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp có khả năng lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa thông qua cách mạng vô sản. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng của Ph.Ăngghen, nó là tiền đề để luận chứng khoa học cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là cơ sở để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học.
V.I.Lênin khẳng định: “Ph.Ăngghen là người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội”[2]. Rằng, "việc giải phóng giai cấp vô sản phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp vô sản".
Ngoài việc xây dựng “vũ khí lý luận” cho giai cấp vô sản, Ph.Ăngghen còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của C.Mác, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân. Năm 1864, C.Mác đã sáng lập ra "Hội liên hiệp lao động quốc tế" và lãnh đạo hội trong suốt 10 năm. Ph.Ăngghen cũng đã tham gia tích cực vào công tác của hội. Ph.Ăngghen cũng là người lãnh đạo thực sự của phong trào công nhân, làm cho phong trào công nhân cũng phát triển không ngừng.
Khi nói về vai trò của Ph.Ăngghen đối với giai cấp vô sản, V.I.Lênin viết: “Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”[3]. “Muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”[4].
Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định, Ph.Ăngghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Ph.Ăngghen, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi!
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1994, tập 20, tr. 43-44
[i2 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.7-8
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.3
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tập 2, tr.3
Kiên Định