Trước tiên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển”[1].
Đây là sự phát triển trong nhận thức của Đảng về chính sách dân số trên cơ sở thực tiễn đất nước. Trong giai đoạn 1986 -2011, mức sinh của Việt Nam khá cao (3,8 con/phụ nữ vào năm 1989), đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên chính sách dân số nước ta hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ gia tăng dân số bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bước sang giai đoạn từ năm 2011 đến nay, do mức sinh đã giảm (2,1 con/phụ nữ vào năm 2019) nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, mục tiêu ưu tiên của chính sách dân số chuyển từ kiểm soát quy mô dân số sang nâng cao chất lượng dân số và phát triển dân số là bước tiến mới trong quan điểm chỉ đạo về chính sách dân số của Đảng. Đặc biệt là chất lượng dân số và phát triển dân số được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Cơ cấu dân số Việt Nam từ 1950 - 2100. Nguồn: United Nation.
Hai là, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” và theo kinh nghiệm của các nước đi trước thì đây là cơ hội “vàng” để chúng ta bứt phá, phát triển đất nước. Cơ cấu dân số “vàng” sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, nếu không khai thác nhanh và hiệu quả, cơ hội “vàng” sẽ bị bỏ qua. Ngoài ra, Việt Nam đang có “Xu hướng già hoá dân số nhanh”[2]. Vì vậy, chủ trương của Đảng là “tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số”[3]. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay. Theo khẳng định của World Bank tại Việt Nam và theo Báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình,với tốc độ già hóa đang tăng nhanh như hiện nay thì đến năm 2050 với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 25% tổng dân số, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số “siêu già”. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế “cơ cấu dân số vàng”. Điều này đang đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải có chính sách tận dụng được lợi thế “cơ cấu dân số vàng” và cần quan tâm, chăm sóc, xây dựng chính sách đối với người cao tuổi. Đây không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Đảng, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, điều tiết các nguồn lực dân số.
Ba là, trong định hướng chính sách dân số, Đảng ta chủ trương: “đảm bảo mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh”[4]. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh. Tuy vậy, trước thực tế mức sinh không đồng đều theo từng vùng, nhưng có xu hướng giảm trên cả nước và vấn đề mất cân bằng giới tính đang cao (cụ thể, năm 2010 là 111,2 bé trai/100 bé gái; năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái), thì rất cần có chính sách can thiệp nhằm giữ vững mức sinh thay thế như hiện nay. Đồng thời có biện pháp giữ cân bằng giới tính nhằm ổn định dân số để phát triển.
Một số số liệu của Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019. Nguồn: Tổng Cục thống kê.
Bốn là, về chất lượng dân số, Đại hội XIII của Đảng xác định: “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Tức là tập trung phát triển cả về thể lực và trí lực của người dân. Đặc biệt, trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay, yếu tố trí tuệ, quyết định phần lớn khả năng lao động sáng tạo của con người. Bởi “Tất cả cái gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ”[5]. Trí lực là một “tài nguyên” đặc biệt, là yếu tố ngày càng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định sự thành bại của đất nước trong tương lai.
Ngoài ra, để nâng cao thể lực, sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, Đảng ta cũng chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam”[6]. Đồng thời, “Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khỏe của nhân dân”[7]. Đây là quan điểm chỉ đạo rất toàn diện của Đảng trong nâng cao chất lượng và phát triển dân số.
Năm là, về nguồn lực để xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách dân số và phát triển, quan điểm của Đảng cho rằng, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Do vậy, cần “Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội”[8]. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Như vậy, ở nước ta, vấn đề dân số luôn được Đảng quan tâm. Định hướng chính sách dân số của Việt Nam trong những năm tới của Đảng là xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách dân số gắn liền với phát triển dân số. Chính sách dân số cần xác định các mục tiêu trong dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tận dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số; bảo đảm mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh; đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách dân số; phát triển cả về thể lực và trí lực cho người dân, hướng đến sự phát triển bền vững.
[1][3][4][6]Ðảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.151.
[2]Ðảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.108.
[5]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tập 21, tr. 438
[7]Ðảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.153.
[8]Ðảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.148.
Hà Thanh