Gần 40 năm qua, công cuộc đổi mới của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong quá trình đổi mới, vị thế, vai trò của ngượi phụ nữ từng bước được khẳng định và phát huy.
Phụ nữ có quyền tham gia vào các lĩnh vực, các hoạt động, các quá trình xã hội từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, từ việc thực hiện chính sách đến ra quyết định và kiểm tra, giám sát, điều chỉnh kế hoạch.
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ tham gia lực lượng lao động chiếm tỷ lệ cao. Với việc chiếm 47,7% trong lực lượng lao động thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn[1], phụ nữ có mặt ở khắp các lĩnh vực và chiếm số đông trong một số ngành, nghề, như nông nghiệp, giáo dục, y tế. Chiếm 45,5% lực lượng lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng phụ nữ nông thôn vẫn nỗ lực vươn lên, thực sự làm chủ trong sản xuất; đa số phụ nữ đã tiếp cận và thích nghi với cơ chế mới, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của đất nước, phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo vào các ngành công nghiệp chế biến, dệt may, da giày, điện tử, thương mại, tài chính, ngân hàng. Quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần đã hình thành và phát triển đội ngũ nữ doanh nhân, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành, nghề, với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Khi nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, đội ngũ nữ doanh nhân đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức để giúp cho doanh nghiệp đứng vững và phát triển.
Cùng với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, với tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên tới 24% vào năm 2019[2], nữ doanh nhân Việt Nam có đóng góp không thể phủ nhận trong các ngành thương mại, dịch vụ, phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”, thực hiện trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, khi cả nước ứng phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế, các nữ doanh nhân chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng người lao động và nhân dân vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.
Ngoài ra, các quyền của phụ nữ gắn liền với "sự nghiệp giải phóng phụ nữ” và quá trình thiết lập sự bình đẳng nam - nữ trong lĩnh vực sản xuất, tái sản xuất xã hội và trong cuộc sống hàng ngày. Việc thực hiện đầy đủ quyền phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, ở nhóm hộ gia đình nghèo đói, ở nhóm phụ nữ yếu thế (trẻ em gái trong gia đình nghèo, tàn tật, già yếu, v.v..).
Thiết chế hóa quyền phụ nữ là việc thiết lập hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực để xác lập và thực thi các quyền của phụ nữ trong xã hội.
Gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm, các quyền của phụ nữ được thiết chế hóa thành các điều quy định ở cấp vĩ mô cao nhất của quốc gia là Hiến pháp, các bộ luật cơ bản của nhà nước gồm Luật hôn nhân và gia đình, Luật lao động, các văn bản pháp quy dưới luật của các cấp bộ, ngành. Theo Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong 30 năm trở lại đây Quốc hội đã thông qua 188 bộ luật và luật. Có rất nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi phụ nữ được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về dân sự, hình sự, lao động, giáo dục, sức khoẻ, hôn nhân gia đình, quốc tịch, bầu cử v.v…
Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình (2007) quy định những biện pháp ngăn ngừa và chống bạo lực trong gia đình, đồng thời xác định chi tiết những hành vi về bạo lực trong gia đình. Bộ luật trực tiếp đề cập đến quyền của phụ nữ theo tinh thần công ước CEDAW về chống phân biệt đối xử với phụ nữ.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Điều 26 quy định công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
Thiết chế hôn nhân và gia đình phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Ở thời đại mông muội có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man có chế độ hôn nhân đối ngẫu; ở thời đại văn minh có chế độ một vợ, một chồng. Hiện nay, quyền phụ nữ trong đời sống hôn nhân - gia đình đã được mở rộng cùng với sự đổi mới kinh tế - xã hội đất nước.
Mặc dù quyền của người phụ nữ đã ngày càng được khẳng định nhưng trên thực tế, ở vùng sâu, vùng xa khó có khả năng thực hiện được quyền đi học của trẻ em nói chung và của các em gái nói riêng. Kết quả là trẻ em gái nông thôn bỏ học sớm hơn và nhiều hơn trẻ em trai. Không ít trẻ em gái phải ra kiếm sống ở thành phố hay làm việc trong các cơ sở sản xuất nặng nhọc, có em bị xâm hại tình dục, bị đánh đập hay bị đối xử thô bạo. Luật hôn nhân và gia đình (2014) quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong sở hữu và thừa kế trong các trường hợp ly hôn và qua đời. Tuy nhiên, trong Luật này vẫn còn một số quy định phân biệt đối xử về giới, cụ thể quy định tuổi hôn nhân tối thiểu khác nhau cho phụ nữ và nam giới. Mặc dù Luật đã loại bỏ việc cấm hôn nhân đồng tính, tuy nhiên vẫn tiếp tục quy định hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Luật quy định không cấp giấy chứng nhận kết hôn đồng tính, có nghĩa là những cuộc hôn nhân đồng tính sẽ không thể có đăng ký kết hôn và không được ghi nhận trong đăng ký hộ khẩu của hộ gia đình.
Phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị nhằm bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng nhận thức đầy đủ và tích cực, chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng được tăng cường và nâng cao về chất lượng, nhiều người được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, số lượng cán bộ nữ là Ủy viên Trung ương, là đại biểu Quốc hội liên tục tăng qua các khóa gần đây.
Tại Đại hội XIII của Đảng đã công bố danh sách cử Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Trong số 19 ủy viên nữ trong Ban chấp hành Trung ương thì có 18 nữ ủy viên chính thức và 01 ủy viên dự khuyết; đặc biệt, có 01 đồng chí nữ hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong số 499 đại biểu Quốc hội trúng cử khoá XV có 30% là nữ giới (tương đương 151 người), việc đảm bảo tỷ lệ nữ khá cao trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc phụ nữ tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới và các vấn đề xã hội. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm công tác, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tích cực tham gia ý kiến trên các lĩnh vực y tế, an ninh - quốc phòng, đối ngoại… nhất là vấn đề bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Dù đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau nhưng đại đa số các nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, là những người lãnh đạo gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nghiên cứu quyền phụ nữ và quyền trẻ em gái không tách rời quyền con người, cả nam và nữ. Cần phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, về bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ để nghiên cứu và thực hiện tốt hơn quyền phụ nữ, góp phần phát triển xã hội ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Xem: Tổng cục Thống kê: “Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020”, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/02/sach_laodong_2020_b6.pdf
[2] Xem: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Báo cáo quốc gia năm 2020 - Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, tr. 71
Bích Ngọc