Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam đồng bằng sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa Bắc Bộ và Trung Bộ, là cửa ngõ giao lưu của các tỉnh phía Nam với vùng Tây Bắc, giao thông thuận lợi. Với diện tích gần 1.400 km², địa hình được chia thành ba vùng là vùng đồi núi bán sơn địa, vùng đồng bằng và vùng ven biển, Ninh Bình có 1.821 di tích gồm nhiều hang động kỳ thú, kết hợp với những công trình, kiến trúc qua bao đời làm nên nhiều danh lam thắng cảnh như Nam thiên đệ nhị động (Bích Động), Nam thiên đệ tam động (Địch Lộng), khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham… Kết hợp với đó là du lịch tâm linh thực hành các tín ngưỡng tôn giáo như chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, nhà thờ đá Phát Diệm... cùng không gian văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống hấp dẫn, Ninh Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách nước ngoài thích thú đạp xe ngắm cảnh làng quê yên bình
(Ảnh: internet)
Dựa trên những lợi thế sẵn có, du lịch Ninh Bình trong những năm qua đã chủ động nắm bắt cơ hội, đầu tư tăng cường cả về quy mô và số lượng các sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, giai đoạn 2010 - 2019, số lượng khách đến Ninh Bình tăng trưởng bình quân trên 10% mỗi năm. Năm 2019, tỉnh đón khoảng 7,65 triệu lượt, tổng thu từ du lịch trên 3.600 tỉ đồng. Trong đó, du lịch lưu trú (homestay) - một loại hình nổi bật của du lịch cộng đồng, hiện đang là hướng đi mới, được quan tâm phát triển hàng đầu tại Ninh Bình. Khách du lịch sẽ được ở trong nhà dân, ăn cùng với gia đình, được tham gia vào các công việc, sinh hoạt thường ngày của cộng đồng cũng như các lễ hội tại địa phương. Qua đó, du khách được hòa nhập vào cộng đồng, giúp họ hiểu hơn về con người, vùng đất mà mình đến. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, những làn sóng của đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh du lịch của Ninh Bình tổn thất nặng nề. Năm 2020, toàn tỉnh ước đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, chỉ đạt 39% so với năm 2019; doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2019.
Theo dự báo, dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, tạo ra rào cản lớn trong việc đi lại, tham quan của du khách. Bên cạnh đó, sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng tại Ninh Bình mới chỉ đạt được một số thành công bước đầu, chưa thực sự là cú hích lớn trong ngành du lịch, nguồn lực đầu tư chưa được thỏa đáng. Hoạt động quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm du lịch thấp và chưa phát huy được hết giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch, dẫn đến hiệu quả kinh tế thu lại chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra hiện nay, khá nhiều “homestay” bị thương mại hóa đến mức gần giống như các khách sạn, thiếu hẳn yếu tố giao lưu, trải nghiệm. Nhiều hộ gia đình làm du lịch chưa có kiến thức về du lịch, cách đón tiếp, phục vụ khách thiếu chu đáo, chuyên nghiệp. Tất cả những điều này đã và đang làm giảm sức hấp dẫn của du lịch cộng đồng đối với du khách.
Khách du lịch nhỏ tuổi hào hứng tham gia trải nghiệm đời sống sinh hoạt của người dân địa phương
(Ảnh: internet)
Trong 5 năm tới, Ninh Bình đặt mục tiêu đón khoảng 8-9 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy ngành kinh tế khác cùng phát triển. Để đạt mục tiêu đó, Ninh Bình xác định thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, đổi mới các hình thức quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế thương hiệu du lịch Ninh Bình, trong đó ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng. Trước hết, cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác, gắn kết du lịch Ninh Bình với các địa phương trong cả nước và khu vực. Có nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, song song với giữ gìn cảnh quan, môi trường. Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền của Ninh Bình. Du lịch cộng đồng cần chú trọng phát triển và đảm bảo đúng bản chất của loại hình “homestay”, du khách được trực tiếp lao động làm nên các sản phẩm, tham gia các trò chơi, lễ hội dân gian để cảm nhận được nét văn hóa của địa phương. Tiến hành nghiên cứu và xác định thị trường khách du lịch để thực hiện hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả. Trong đó, cần quan tâm đến hình thức tiếp thị du lịch thông minh qua các ứng dụng internet. Con người là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng, vì vậy, ngành du lịch cần phối hợp với cơ quan chuyên môn đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là người dân địa phương - nhân tố chủ lực của du lịch cộng đồng.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch cộng đồng tại Ninh Bình chắc chắn sẽ bứt phá thành công, trở thành mô hình du lịch phổ biến, là một trong những giải pháp hữu hiệu phục hồi ngành du lịch Ninh Bình trong thời gian tới./.
Cẩm Tú