Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều phát triển về lý luận trên các lĩnh vực, trong đó phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) được coi là một đột phá về lý luận.
Bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN
Từ Đại hội IX của Đảng (năm 2001), Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Từ đó đến nay, vấn đề hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được đặt ra ở Đại hội X, XI, XII, XIII của Đảng bởi lẽ không hoàn thiện thể chế thì kinh tế thị trường định hướng XHCN không thể phát triển được.
Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, vấn đề hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN luôn được Đảng ta xác định là đột phá chiến lược thứ nhất trong ba đột phá chiến lược. Ban chấp hành Trung ương cũng đã ra hai nghị quyết chuyên đề về vấn đề này là Nghị quyết Trung ương 6 khóa X “về tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” và Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII “về hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” (trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X).
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đề ra ba đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đột phá chiến lược thứ nhất là:“Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”[1].
Đại hội XIII cũng chỉ rõ cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với ba điểm nổi bật là: xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường và tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đồng thời giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, nhất là từ Đại hội IX (2001) đến nay; 10 năm (2011 - 2020) thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lần thứ hai và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, đã bổ sung, nâng tầm chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập…
Nhận thức đúng bản chất của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Thời gian qua, lợi dụng những hạn chế trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch đã cho rằng: Việt Nam phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là không phù hợp, là quay lại con đường tư bản chủ nghĩa. Thực chất, kinh tế thị trường (trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa, khi mọi sản phẩm đều có thể trở thành hàng hóa) là sản phẩm của văn minh nhân loại, xuất hiện từ rất xa xưa, từ chế độ phong kiến, được phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự bản thân kinh tế thị trường không đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản. Điều này có nghĩa là, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà kinh tế hàng hóa - nguồn nuôi dưỡng và xuất phát điểm của kinh tế thị trường - tồn tại trong nhiều chế độ xã hội khác nhau, song không có kinh tế thị trường chung, đồng nhất cho mọi chế độ xã hội khác nhau.
Mặc dù, kinh tế thị trường là mô hình phát triển phổ quát, có những đặc điểm chung, có những giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực chung, vận động theo những quy luật chung…, nhưng ở mỗi quốc gia, kinh tế thị trường có sắc thái riêng, có dấu ấn riêng về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, truyền thống… Trong mỗi chế độ xã hội khác nhau, kinh tế thị trường mang những đặc trưng, bản chất khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển lực lượng sản xuất, vào bản chất chính trị của chế độ xã hội đó, phù hợp với lịch sử, văn hóa, tập quán của từng quốc gia dân tộc. Mặc dù rằng, những quy luật kinh tế chi phối sự vận động, phát triển của nền kinh tế thị trường là khách quan, có những yêu cầu tất yếu như nhau; nhưng quan điểm, tập quán, thói quen vận dụng những quy luật kinh tế khách quan đó trong mỗi quốc gia là khác nhau. Không thể có nền kinh tế thị trường ở nước này lại là bản sao của kinh tế thị trường ở nước khác.
Trên thế giới đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế thị trường như kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường xã hội ở Cộng hòa Liên bang Đức, kinh tế thị trường cộng đồng trách nhiệm(hay phối hợp) ở Nhật Bản, kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc v.v…Lần đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người, trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường xuất hiện mô hình kinh tế thị trường mới - kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, kinh tế thị trường định hướng XHCN thực sự là “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta…”.
Qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới, một thành quả lý luận quan trọng được khẳng định là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, là sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta và là con đường, phương thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì nền kinh tế là nền kinh tế quá độ, không thể có ngay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của thế giới vừa vận dụng, phát triển sáng tạo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một thể thống nhất bao gồm hai mặt gắn bó biện chứng hữu cơ với nhau là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đồng thời bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; con người vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực phát triển…Kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa vận động, phát triển tuân theo, chịu sự chi phối của những quy luật của kinh tế thị trường; vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối, hàm chứa, gắn với và hướng tới những giá trị cơ bản của các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển đồng bộ, toàn diện trong cả bốn khâu của quá trình tái sản xuất xã hội: sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng; trên cả ba quan hệ cơ bản của quan hệ sản xuất xã hội theo định hướng XHCN: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.
Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ là vấn đề mang tính tất yếu của công cuộc đổi mới mà còn là sự đúng đắn về nguyên tắc, quan điểm của Đảng, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn đất nước với điểm xuất phát thấp đi lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng XHCN không chỉ là nền móng bảo đảm độc lập, tự chủ về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh mà còn là điều kiện căn bản và môi trường rộng mở tối ưu bảo đảm cho sự phát triển năng động, mạnh mẽ và bền vững của nền kinh tế gắn chặt với công bằng xã hội và vì mục tiêu tiến bộ xã hội, xét trên cả hai bình diện đối nội và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả. Đó cũng là sự thể hiện ưu thế nổi trội của chế độ xã hội ta khi xem kinh tế thị trường chỉ là phương tiện, công cụ hữu hiệu để xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm phục vụ nhân dân so với các chế độ xã hội khác cũng phát triển kinh tế thị trường.
PGS,TS Vũ Văn Phúc
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG ST, H.2021, tr.337-338