Là một trong 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi ba dãy cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh, diện tích tự nhiên của tỉnh bến Tre trên 237.970ha với đường bờ biển kéo dài trên 65km, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã thực hiện một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo như mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành dừa; bưởi; nuôi trồng, chế biến thủy sản; trồng rau hữu cơ...
Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích dừa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ là 16.563,66 ha, chiếm tỷ lệ 21,23% trên tổng diện tích trồng dừa của tỉnh (78.019ha); mô hình sản xuất bưởi da xanh được thực hiện với quy mô 10ha ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm; áp dụng mô hình canh tác phối hợp tôm - dừa (Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam), tôm - lúa (Thạnh Phú, Bình Đại); mô hình trồng cỏ xen vườn dừa phục vụ chăn nuôi; mô hình trồng rau hữu cơ (rau sạch) đang thu hút nhiều hộ dân tham gia thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả khá cao và đang nhân rộng diện tích, tập trung chủ yếu huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.
Trong lĩnh vực năng lượng, hiện có 9/19 dự án điện gió đã và đang thi công lắp đặt, công suất 366,5MW, 5 nhà máy điện gió đã đóng điện vận hành thương mại 93,5/366,5MW. Trong đó, 2 dự án đã phát điện toàn nhà máy, 3 dự án đã phát điện một phần. Đang hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy sản xuất hydro xanh (công nghệ sản xuất của Đức)...
Các trụ tua-bin gió của Nhà máy điện gió V1-3 Bến Tre
Ảnh: Trung Hậu
Ở quy mô doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất như sử dụng các phụ phẩm từ chế biến thủy sản (đầu tôm, vỏ tôm, mỡ cá...) để sản xuất thực phẩm, dược phẩm...; sử dụng phụ phẩm trong chế biến dừa (nước dừa, mụn dừa, xơ dừa, xác cơm dừa...) để sản xuất bánh, thảm, mỹ phẩm..., sản xuất giấy bao bì, đóng gói từ nguồn nguyên liệu là các phế phụ phẩm của cây dừa; quy trình nhân chủng vi sinh phân giải bã vỏ bưởi...
Xe chỉ xơ dừa bằng máy liên hợp tại Công ty TNHH Dừa Đông Dương (Bến Tre)
(Nguồn: thesaigontimes.vn)
Những kết quả đạt được bước đầu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2022, GRDP đạt 7,33%, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; GRDP bình quân đầu người 49,1 triệu đồng/người. Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 3,4%, đời sống nhân dân được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Bến Tre còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa nhiều; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn...
Trong kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn của tỉnh Bến Tre, mục tiêu đến năm 2025 là tái sử dụng, tái chế, xử lý trên 50% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm dùng một lần trong sinh hoạt; tăng dần tỷ lệ thu gom rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và các hoạt động khác trên biển; đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%, phấn đấu 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế, phát triển được ít nhất 3.000 MW điện tái tạo, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng lưới điện truyền tải 200kV, 500kV kết nối địa bàn huyện biển, bảo đảm giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được các mục tiêu theo lộ trình đó, thời gian tới, Bến Tre cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh ủy ban hành nghị quyết hoặc chương trình riêng về kinh tế tuần hoàn để có định hướng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo.
Hai là, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp, tạo thuận lợi cho các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn; đồng thời giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, các chương trình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đào tạo, hỗ trợ dự án, ý tưởng khởi nghiệp sử dụng bền vững tài nguyên của địa phương, bảo vệ môi trường, tạo thói quen sản xuất, tiêu dùng thân thiện môi trường.
Ba là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, người sản xuất và doanh nghiệp về tiêu chí kinh tế tuần hoàn, về sản xuất hữu cơ... Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Lồng ghép đưa nội dung phát triển kinh tế tuần hoàn vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Bốn là, xây dựng các chương trình, dự án, mô hình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư vào sản xuất nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Xây dựng những sản phẩm du lịch dựa trên những lợi thế về tự nhiên, gần gũi thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các vật dụng, trang thiết bị thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng hệ thống phân phối theo mô hình kinh tế tuần hoàn; xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo, các dự án điện khí hóa lỏng trên địa bàn tỉnh.
Năm là, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển kinh kế tuần hoàn, xây dựng các chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp với phát triển kinh tế tuần hoàn.
ThS Võ Thị Thúy Liễu - Trường Chính trị tỉnh Bến Tre