Sau gần 40 năm đổi mới, lực lượng sản xuất của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả trên phương diện chủ thể của lực lượng sản xuất - người lao động và điều kiện, tiền đề phát triển lực lượng sản xuất - tư liệu sản xuất. Đến năm 2025, lực lượng lao động ước đạt 53,2 triệu người với cơ cấu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực: giảm mạnh tỷ lệ lao động nông nghiệp còn 25,8%; tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực đã qua đào tạo với 70%. Nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin được tập trung phát triển, bước đầu hình thành đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số ngày càng được nâng cao
Ngoài ra, tư liệu sản xuất vô hình (dữ liệu số) ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Điều này chính là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, là cơ sở để Việt Nam chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần là người lao động thủ công mà là đội ngũ lao động có trình độ khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần làm thay đổi toàn bộ cấu trúc sức sản xuất trong lực lượng sản xuất mới. Đặc biệt, hiện nay trí tuệ nhân tạo đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số và ngày càng gia tăng qua từng năm.
Mặc dù lực lượng sản xuất mới đang dần hình thành nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, chất lượng và hiệu quả vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu của phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Do đó, để Việt Nam vững bước tiến vài kỷ nguyên mới, cần chú trọng phát triển lực lượng sản xuất mới với những giải pháp cơ bản sau:
Một là, phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, nguồn lực từ đất đai, tài sản tích lũy trong dân, biến những tiềm năng này thành động lực, thành tư liệu sản xuất để tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Phát huy tối đa nguồn lực con người - nhân tố quyết định phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại thông qua cơ chế thú hút nguồn lao động giỏi, có trình độ chuyên môn cao ở trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong những ngành sử dụng công nghệ cao, có sự liên kết với nước ngoài. Đặc biệt, có cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế công; đồng thời hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” nguồn nhân lực sang nước ngoài.
Hai là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỷ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là yêu cầu về sự phối hợp giữa người lao động với trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Trước mắt, cần đổi mới nội dung chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp như chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - công nghệ, nhất là công nhệ thông tin, công nghệ vật liệu mới trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Mở rộng các ngành nghề đào tạo về công nghệ hiện đại như an toàn, an ninh mạng, công nghệ trí tuệ nhân tạo… Phát triển mô hình đào tạo phức hợp với sự liên kết của cơ sở đào tạo với các công tu, doanh nghiệp để tạo môi trường cho người ọc được rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm thực tế và có nhiều cơ hội việc làm sao khi tốt nghiệp. Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo để dần tạo ra một thế hệ người lao động mới có khả năng làm việc ở các công ty đa quốc gia và các ngành sản xuất có sử dụng công nghệ cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ba là, tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số cả trên phương diện quốc gia cũng như ở các ban, bộ, ngành, địa phương và trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu nguồn dữ liệu thông tin để thúc đẩy tư liệu sản xuất phát triển. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động trong kỷ nguyên số.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong kỷ nguyên số. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để giải phóng sức lao động trực tiếp và hạn chế tối đa những tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực công. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp để tạo thành cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm xây dựng nguồn tư liệu sản xuất mới thúc đẩy kinh tế số phát triển. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, có khả năng thích ứng với môi trường sản xuất mang tính cạnh tranh toàn cầu.
Năm là, hoàn thiện những quy định của pháp luật về sở hữu, sử dụng tài nguyên số với tính cách là tư liệu sản xuất mới cũng như những quy định về bảo mật và an toàn dữ liệu thông tin. Tăng cường đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và các công cụ phần mềm chuyên biệt để triển khai và tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất. Để con người và trí tuệ nhân tạo kết hợp hài hòa với nhau một mặt cần phải có nguồn nhân lực có chuyên môn cao, làm chủ công nghệ hiện đại, đồng thời các doanh nghiệp phải có những thay đổi nhất định trong mô hình sản xuất kinh doanh, điều chỉnh quy trình làm việc và văn hoá doanh nghiệp để phù hợp với xu hướng mới.
Quan niệm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta. Phát triển lực lượng sản xuất mới chính là cách thức quan trọng để Việt Nam đạt được những mục tiêu trong kỷ nguyên đó.
Chiên Lê