Tỉnh Hà Nam có diện tích tự nhiên không lớn, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng thủ đô, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong những năm qua, xác định rõ vai trò quan trọng của quá trình đô thị hóa nói chung và vai trò tích cực của quá trình đô thị hóa ở Hà Nam trong sự phát triển chung của tỉnh, cũng như thực hiện chương trình phát triển đô thị quốc gia, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực cho chương trình phát triển đô thị như: Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020; Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy Hà Nam về phát triển đô thị tỉnh Hà Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1633/KH-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh về phát triển thành phố Phủ Lý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 15/9/2021 về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030... Nhờ đó, sau hơn 25 năm tái lập, Hà Nam đã đạt được kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá và bức tranh đô thị ở Hà Nam đã có nhiều khởi sắc.
Thành phố Phủ Lý
(Ảnh: baochinhphu.vn)
Theo kết quả kiểm kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch để xây dựng đô thị toàn tỉnh là 16.957 ha, chiếm 19,6% tổng diện tích đất tự nhiên. Tính đến nay, Hà Nam đã thực hiện xây dựng hơn 1.758 ha đất ở đô thị, chiếm 10,3% tổng diện tích đất đô thị. Toàn tỉnh có 01 đô thị loại II (thành phố Phủ Lý), 01 đô thị loại IV (thị xã Duy Tiên) và 06 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại V: Quế, Ba Sao (Kim Bảng); Tân Thanh, Kiện Khê (Thanh Liêm); Vĩnh Trụ (Lý Nhân) và Bình Mỹ (Bình Lục). Đến hết năm 2021, tổng diện tích đất ở đô thị đạt 1.758 ha, tăng 920 ha so với năm 2015, tăng 1.330 ha so với năm 2010.
Tốc độ phát triển đô thị đạt mức tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước: giai đoạn từ năm 2015 - 2020, bình quân tăng 4,2%/năm; năm 2020 do ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19 song tốc độ phát triển đô thị của Hà Nam vẫn tăng 0,4 %, năm 2022 tăng 1,6% và tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2022 đạt 38,1%. Sự phát triển đô thị của thị xã Duy Tiên gắn với phát triển các khu công nghiệp, các trường đại học và hiện nay, thị xã Duy Tiên đang tập trung đầu tư và hoàn thiện hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại III. Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2022 – 2024, thành phố Phủ Lý sẽ thành lập các phường nội thị: Tiên Tân, Liêm Chung, Liêm Tiết, Liêm Tuyền với số dân khoảng 13 nghìn người, nâng tổng dân số của thành phố lên hơn 200 nghìn người. Huyện Kim Bảng tiếp tục hoàn thiện lập đồ án quy hoạch chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị - du lịch - công nghiệp, phấn đấu đến năm 2024 trở thành đô thị loại IV; trong đó, dân số khu vực nội thị khoảng 69 nghìn người.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa của toàn tỉnh chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc tỉnh, nơi có các khu công nghiệp lớn đang hoạt động như thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý; hạ tầng khung giao thông vùng kết nối Hà Nam với các tỉnh trong vùng thủ đô Hà Hội, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 38,1% (tỷ lệ bình quân chung cả nước là 41,7%). Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.
Một góc huyện Kim Bảng
(Ảnh: baohanam.com.vn)
Thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX là “xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ” và thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt ở tỉnh Hà Nam đạt 47,5%, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến phát triển đô thị của tỉnh, như: công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng dân số tại thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các đô thị mới.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là những khu vực có tiềm năng thu hút người dân sinh sống như: chợ Sông (Bình Lục), Nhật Tân (Kim Bảng), phố Cà (Thanh Liêm) và các dự án như: khu đô thị, khu nhà ở Trung Đông, khu nhà ở sinh thái xã Nhật Tân (Kim Bảng); khu nhà ở thương mại thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân); khu nhà ở phía Tây thị trấn Bình Mỹ, khu nhà ở sinh thái xã Tràng An (Bình Lục)... đáp ứng tiêu chí đô thị theo quy định.
Bốn là, theo quy hoạch phát triển đô thị, đến năm 2025, tỉnh thành lập đô thị Thái Hà với dân số khoảng 20 nghìn người. Vì vậy, bên cạnh ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong các khu vực, tỉnh cần quan tâm phát triển các đô thị mới tại Nhân Mỹ, Hòa Hậu, Vĩnh Trụ (Lý Nhân) góp phần tăng tỷ lệ đô thị trên địa bàn.
ThS Nguyễn Thị Mây - Trường Chính trị tỉnh Hà Nam