Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức?
Trả lời
Công nghiệp hóa (CNH) là một giai đoạn tất yếu của mỗi quốc gia. Đối với nước ta, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), nhất thiết phải trải qua CNH. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) giúp phát triển lực lượng sản xuất, làm thay đổi căn bản công nghệ sản xuất, tăng năng suất lao động. Đồng thời, CNH-HĐH là động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng và là tiền đề cho việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức tham gia một cách có hiệu quả vào sự phân công và hợp tác quốc tế. Kinh tế tri thức (KTTT) là thuật ngữ dùng để chỉ một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế thế giới. Đó là một giai đoạn mà tri thức, thông tin trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển của sản xuất; khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đóng vai trò quyết định hàng đầu.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Đảng ta luôn coi CNH là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ tiến lên CNXH. Đảng ta xác định thực chất của CNH xã hội chủ nghĩa là: Quyết tâm thực hiện cách mạng kỹ thuật, thực hiện phân công mới về lao động xã hội là quá trình tích lũy xã hội chủ nghĩa để không ngừng thực hiện tái sản xuất mở rộng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp đi lên CNXH, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta phải tiến thành đồng thời hai quá trình: Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp (CNH-HĐH); chuyển từ kinh tế nông - công nghiệp lên KTTT. Trong khi ở các nước đi trước, đó là hai quá trình kế tiếp nhau, thì ở nước ta, tận dụng cơ hội là nước đi sau, hai quá trình này được lồng ghép với nhau, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, tức là gắn CNH-HĐH với phát triển KTTT.
Từ chỗ cho rằng, “Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất”(1), Đảng ta đã chủ động đưa ra quan điểm về sự gắn kết CNH, HĐH với phát triển kinh tế tri thức. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 năm 2001), lần đầu tiên, Đảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển KTTT: “Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế- xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”(2). Như vậy, tuy lần đầu tiên thuật ngữ “phát triển kinh tế tri thức” được đưa vào đường lối, chiến lược phát triển đất nước, nhưng Đảng đã coi phát triển KTTT là cách thức để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước, để tạo ra những bước nhảy vọt.
Cũng tại Đại hội này, với nhận định rằng, sự phát triển của KTTT trong bối cảnh toàn cầu hoá đã đem lại lợi thế cho các nước đi sau, trong đó có nước ta, giúp chúng ta có thể và cần thiết không phải trải qua các bước tuần tự từ kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp rồi mới phát triển KTTT, Đảng ta đã xác định “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Phát huy những lợi thế của đất nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước phát triển kinh tế tri thức. Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh tinh thần của người Việt Nam; coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”(3).
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã khẳng định: “phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân”(4). Mặc dù đã khẳng định đường lối tiến hành công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại, nhưng Đảng ta chưa chỉ rõ những nội dung cụ thể của đường lối đó, chưa chỉ rõ vì sao chúng ta phải gắn kết chặt chẽ CNH với HĐH trong một chỉnh thể thống nhất. Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1-1994), khi nhận thức rõ rằng, tuy nền kinh tế nước ta đã có những bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đáng kể theo hướng CNH, nhưng chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tốc độ đổi mới chậm, sự tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, tài nguyên, ít dựa vào tiến bộ khoa học - công nghệ, tiềm năng trí tuệ chưa được phát huy…, Đảng ta mới khẳng định công nghiệp hoá phải gắn liền với hiện đại hoá, chủ trương “thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá”(5). Chỉ đến Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá VII (tháng 7 năm 1994), khi thông qua đường lối đẩy tới một bước sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Đảng ta mới khẳng định khoa học, công nghệ là nền tảng của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII (tháng 12 năm 1996) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng, thảo luận và thông qua Nghị quyết về “định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000”; trong đó, khẳng định rằng, “cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ”.
Kế thừa tinh thần đó, tại Đại hội X (năm 2006), Đảng ta đã xác định rằng, để thực hiện được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 “chúng ta chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”(6). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội X, Đảng chỉ rõ: “chúng ta tranh thủ các cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Phải coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh các ngành kinh tế và các sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức”(7) và “kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”(8). Như vậy, đến Đại hội X, Đảng ta đã gắn phát triển kinh tế tri thức với quá trình CNH, HĐH đất nước; coi kinh tế tri thức là một thành tố quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, trong các văn kiện Đảng, Đảng ta không dùng thuật ngữ nền kinh tế tri thức mà chỉ dùng thuật ngữ kinh tế tri thức, vì KTTT ở nước ta chỉ là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế đất nước chứ chưa phải là một nền kinh tế độc lập. Quan điểm của Đại hội X về phát triển KTTT không chỉ tiếp tục thể hiện đường lối kết hợp hai cách thức phát triển là tuần tự và nhảy vọt đã đề ra ở Đại hội IX, mà còn gắn phát triển KTTT với quá trình CNH, HĐH ở nước ta hiện nay. Thực hiện CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT là hai nội dung của một quá trình thống nhất và diễn ra đồng thời.
Trên cơ sở kế thừa những quan điểm của các kỳ đại hội trước về phát triển KTTT, tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục đưa ra những quan điểm cụ thể hơn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTTT ở Việt Nam trong những năm tới. Trong Văn kiện Đại hội XI, khi dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm sắp tới, Đảng ta đã khẳng định: “Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức” (9). Ngày nay, toàn cầu hoá kinh tế đã trở thành một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia. Chính vì thế, Đảng đã khẳng định rằng, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, chúng ta cần “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác".(10).
Với định hướng chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước;…”(11). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng chỉ rõ: “Phát triển KTTT trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”(12). Điểm mới trong tư duy của Đảng tại Đại hội XI là xác định rõ chủ trương và biện pháp phát triển KTTT, đó là, phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời “Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”(13).
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta nhận định: “Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước”(14). Phương hướng cơ bản để thực hiện các mục tiêu của thời kỳ quá độ đó là: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và bền vững, gắn kết chặt chẽ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…”(15). Do đó, khác với các kỳ đại hội trước, ở Đại hội XI, Đảng đã gắn quá trình phát triển KTTT với quá trình toàn cầu hóa và sự hình thành xã hội thông tin.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu;…”(16) để đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển KTTT. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhất quán, tư duy mới và quyết tâm chính trị của Đảng về phát triển KTTT ở nước ta hiện nay.
Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm phát triển đối với nền kinh tế nước ta: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”(17). Đại hội XIII đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”(18).
Để phát triển kinh tế tri thức, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đóng vai trò quyết định. Vì vậy, một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội nêu ra nhằm phát triển kinh tế - xã hội là cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”(19). Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, Đại hội chỉ ra một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các vùng, các ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”(20).
Như vậy, chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển KTTT không chỉ là sự tiếp nối đường lối chiến lược CNH, HĐH đã được đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), mà còn là bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng từ Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII, Đại hội XIII. Đặc biệt, đường lối của Đảng về phát triển KTTT gắn liền với quá trình CNH, HĐH đất nước đã được cụ thể hóa và hoàn thiện hơn ở Đại hội XI. Điều đó không chỉ phản ánh tư duy tích cực đổi mới, ngày càng nắm bắt xu thế tất yếu của thời cuộc mà còn cho thấy sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta về phát triển KTTT nhằm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại./.
Chú thích và tài liệu tham khảo
(1), (2), (3), Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tr.13; tr. 162-163; tr.91
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.9
(5) Nguyễn Phú Trọng - Trần Đình Nghiêm. Nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.34
(6), (7), (8), (10): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb.CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 25; tr. 28-29; tr. 88; tr.112
(9), (11), (12), (13), (14), (15): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.183; tr.218; tr.220; tr.221, tr.67; tr.75
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.90
(17), (18), (19), (20): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tập I, tr.214, tr.217; tr.221; tr.234-235
Ngọc Cảnh