Câu hỏi: Xin cho biết phương hướng phát triển các ngành có lợi thế của vùng Tây Nguyên.
Trả lời
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước. Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên phải có trọng tâm trọng điểm tập trung vào các ngành có lợi thế. Ngày 04/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch áp dụng cho toàn bộ địa giới hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển các ngành có lợi thế vùng Tây Nguyên như sau:
Một là, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
Thứ nhất, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng. Tập trung phát triển các cây trồng chủ lực: cây công nghiệp (như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, dâu, bông vải, mía), cây ăn quả (như sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít), cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, rau, hoa ôn đới gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Phát triển các vùng chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung; thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm).
Thứ hai, hình thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp vùng và hành lang kinh tế; liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương.
Thứ ba, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng. Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển kinh tế rừng, khuyến khích trồng rừng sản xuất ở những nơi có điều kiện phù hợp về đất đai, tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản; tiếp tục phát triển bền vững các vùng nguyên liệu đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến lâm sản và các loại lâm sản ngoài gỗ. Phát triển cây dược liệu và các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ carbon.
Hai là, ngành công nghiệp
Thứ nhất, ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ, thân thiện môi trường gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu trong vùng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến sâu, cụm liên kết ngành gắn với các đô thị trung tâm và hành lang kinh tế; liên kết hiệu quả với công nghiệp tiểu vùng Trung Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trong đó:
+ Phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin và nhôm ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng.
+ Hình thành các khu, cụm công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất, có điều kiện xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tham gia vào chuỗi sản xuất của thị trường thế giới.
Thứ hai, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn vùng.
Thứ ba, phát triển công nghiệp dệt may, da giầy tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Phát triển ngành sản xuất lụa tơ tằm, duy trì các cơ sở may, đan, thêu sử dụng nguồn nguyên liệu tại các làng nghề địa phương gắn với du lịch và sản xuất các sản phẩm thủ công xuất khẩu.
Thứ tư, phát triển công nghiệp hóa chất, dược phẩm, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất vật liệu composit. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hóa dược, chiết xuất dược liệu và chế biến thảo dược từ nguyên liệu thiên nhiên tập trung tại các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông.
Thứ năm, ưu tiên phát triển sản xuất phân bón, phân vi sinh tập trung tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghiệp hóa chất, giảm thiểu sử dụng hóa chất nguy hại, xây dựng lộ trình thay thế sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường trong khai thác khoáng sản.
Thứ sáu, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện áp mái) phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; ưu tiên phát triển tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Ba là, ngành dịch vụ
Thứ nhất, phát triển ngành dịch vụ trong mối quan hệ tương hỗ phát triển với các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tập trung phát triển thị trường cung ứng và tiêu thụ trong vùng và ngoài vùng theo các hành lang kết nối vùng và với cảng biển lớn ra các thị trường quốc tế.
Thứ hai, phát triển thương mại hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với điều kiện đặc thù của thị trường khu vực đô thị, nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa qua biên giới trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng ở một số cửa khẩu quốc tế chính: Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông) tạo thuận lợi hóa thương mại tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới với Lào và Campuchia.
Thứ ba, phát triển dịch vụ logicstics gắn với các trung tâm, hành lang kinh tế kết nối các hoạt động thương mại trong nội vùng, liên vùng và hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất gắn với các thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng các trung tâm thương mại, khu thương mại - dịch vụ, trung tâm hội chợ - triển lãm, trung tâm logistics tại các đô thị lớn, trung tâm vùng, tiểu vùng.
Thứ tư, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, liên kết với các tỉnh vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gắn với các hành lang kinh tế, liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ.
Thứ năm, tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù theo các địa bàn trọng điểm, gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng, lễ hội truyền thống, văn hóa cà phê và du lịch cộng đồng. Ưu tiên khai thác du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển các nhóm sản phẩm chính, sản phẩm du lịch đặc sắc riêng như du lịch tìm hiểu di sản văn hóa các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái và địa chất núi lửa đặc trưng nhằm tăng tính trải nghiệm cho du khách.
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).
ND