Những người có thiên kiến và cái nhìn lệch lạc về âm nhạc cách mạng thường cho rằng nhạc cách mạng cổ vũ bạo lực, thiếu tính nhân văn, mang nặng tính chính trị, trong khi đó dòng nhạc của chế độ Sài Gòn chỉ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa. Thực tế thì thế nào ?
Phán xét người khác
Hằng ngày chúng ta có thể thấy đầy rẫy trên báo chí hải ngoại hay trên mạng internet, mạng xã hội sự xuyên tạc của những người thiếu thiện cảm và có cái nhìn lệch lạc về dòng nhạc cách mạng Việt Nam.
Họ thường cho rằng dòng nhạc cách mạng là dòng nhạc cổ động chiến tranh, mang tính bạo lực, cổ động giết chóc, thiếu tính nhân văn.
Không chỉ nhắm vào những tác phẩm có tính cổ động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hay cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những người này còn nhắm cả vào bài hát đã được Nhà nước ta lấy làm quốc ca từ nhiều năm qua.
Chẳng hạn một website của một công ty tư nhân truyền thông Mỹ cho rằng bài Tiến quân ca là một bài hát được xếp hạng có tính bạo lực cao.
Trên Kênh Youtube còn có hẳn một video clips của một “người Việt yêu hòa bình ở hải ngoại” phân tích từng câu, từng chữ bài Tiến quân ca của Nhạc sĩ Văn Cao, đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy làm Quốc ca.
Người này dẫn ra lời bài hát với những câu như “Cờ in máu chiến thắng mạng hồn nước”, “đường vinh quang xây xác quân thù”…để cho rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu chiến, và nói rằng con người ta tiến lên văn minh mà không cần phải giết chóc nhiều thế, rằng Việt Nam có thể giành được độc lập mà không cần phải đánh Nhật, đuổi Tây, chống Mỹ.
Một số nhạc phẩm có tính cổ động cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng bị các thế lực này xếp vào loại nhạc mang tính bạo lực cao như các bài Cô gái vót chông,.... với những câu hát như “Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù, xuyên thây quân cướp nào vô đây, xiên thây quân cướp nào vô đây”.
Nhạc phẩm Tôi Đưa Em sang Sông phải sửa lời cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan tâm lý chiến Việt Nam Cộng hòa
Âm nhạc phản ánh lịch sử đấu tranh của dân tộc
Chúng ta phải khẳng định rằng, Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm nhưng phần lớn thời gian phải trải qua chiến tranh chống xâm lược, nên trong văn hóa nghệ thuật, nhất là trong thời kỳ hiện đại, việc sáng tác những tác phẩm âm nhạc cổ động tinh thần kháng chiến chống xâm lược của bộ đội và nhân dân là một điều bình thường.
Bài Tiến quân ca, đã được tu chỉnh lời hát vài lần cho phù hợp hơn, nói lên lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ chỗ chuẩn bị cuộc Cách mạng Tháng Tám và sau đó là cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nó có tinh thần cổ vũ quân và dân ta đứng lên làm cách mạng đánh Nhật, đuổi Tây giành độc lập dân tộc.
Để có được độc lập dân tộc, hàng nghìn, hàng chục nghìn đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước đã ngã xuống.
Không hề có chuyện thực dân phát xít trao trả độc lập hoàn toàn cho dân tộc Việt Nam như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Chính phủ Trần Trọng Kim hay Chính phủ Bảo Đại sau này, trên danh nghĩa được Nhật Pháp trao trả độc lập, nhưng thực chất chỉ là chế độ bù nhìn, không có quyền quyết định những công việc lớn của quốc gia.
Ngoài ra, thực dân Pháp còn tách hẳn Nam Kỳ thành lập Nam Kỳ tự trị thuộc Pháp, âm mưu chia cắt đất nước ta thành nhiều quốc gia nhỏ.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cố gắng đàm phán với Pháp, đã ký Hiệp điịnh Sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946, đã nhẫn nhịn để tránh một cuộc chiến tranh, nhưng kẻ thù bắt dân tộc ta phải cầm súng.
Không có cuộc đấu tranh cách mạng, cuộc kháng chiến với sự hy sinh của hàng chục nghìn người Việt Nam yêu nước, liệu đất nước ta có thể độc lập, thống nhất được không ?
Chắc chắn là không !
Vậy nên bài quốc ca phản ánh quá trình đất nước đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập ấy, không thể không phản ánh sự khốc liệt của cuộc đấu tranh.
Điều đó cũng hoàn toàn bình thường.
Văn học nghệ thuật, âm nhạc thuộc về lĩnh vực kiến trúc thượng tầng, nó phản ánh những gì thuộc về cơ sở hạ tầng, vậy nên âm nhạc và những tác phẩm phản ánh cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta chống xâm lược là điều hết sức bình thường. Một đất nước và luôn phải chống lại những kẻ cướp nước và về lũ tay sai thì trong những tác phẩm âm nhạc của nó không thể thiếu những lời ca câu hát cổ động ý chí căm thù giặc cổ động tinh thần chiến đấu và chiến thắng.
Bản thân dòng nhạc được ca ngợi là nhân văn thì sao ?
Bây giờ quay trở lại luận điệu của những người luôn ca ngợi tính nhân văn của dòng nhạc quê hương, dòng nhạc bolero, trước đây thường gọi là nhạc vàng thì sao.
Đồng ý rằng nhiều tác phẩm nhạc vàng có nội dung nói về quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa, nhưng có nhiều rất nhiều tác phẩm nhạc vàng được sáng tác đặt hàng bởi cơ quan tâm lý chiến của quân đội Việt Nam Cộng hòa, cũng đã có những lời nhạc mang tính kích động và đầy tính bạo lực không kém.
Thậm chí có nhiều bài hát được sửa lời cho phù hợp với tình hình “đất nước đang có chiến tranh”, “để cổ vũ người trai lên đường đền nợ nước”.
Chỉ cần dẫn ra mấy ví dụ này để thấy rằng không có chuyện tất cả những tác phẩm nhạc vàng đều có tư tưởng nhân văn, hòa bình như họ nói.
Thứ nhất là câu chuyện sáng tác và lưu hành nhạc phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông của hai nhạc sỹ Nhật Ngân và Y Vũ.
Theo hồi ức của nhạc sĩ Nhật Ngân trên một chương trình Paris by Night, số kỷ niệm sự nghiệp của ông, bài hát của ông muốn lưu hành được đã bị cơ quan tâm lý chiến của quân lực Việt Nam Cộng hòa yêu cầu phải sửa lời cho nó mang tính mạnh mẽ hơn, cho phù hợp với thời chiến hơn.
Chính vì vậy câu hát “Rồi thời gian lặng lẽ trôi; Đời tôi là cánh mây; Bay khắp phương trời”, đã được cơ quan tâm lý chiến của chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu phải sửa lời thành “Rồi thời gian lặng lẽ trôi; Đời tôi là chiến binh; Đi khắp phương trời”, nhằm cổ vũ cho việc gia nhập lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Sự can thiệp thô bạo vào lời bài hát của cơ quan tâm lý chiến Việt Nam Cộng hòa, vậy có tính chính trị không ?
Ví dụ thứ hai, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là một vùng đất chiến sự ác liệt chưa từng có, bởi nó là nơi giới tuyến giữa hai miền. Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã tập trung tại khu vực giới tuyến những lực lượng lớn nhất, hiện đại nhất, để chống phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Địa danh Gio Linh, Quảng Trị được nhắc đến trong nhạc phẩm Trên Bốn Vùng Chiến Thuật đã bị cơ quan tâm lý chiến của quân lực Việt Nam Cộng hòa sửa lời như sau:
Nguyên tác “Gio Linh khói bom đạn làm không xanh cây lá, Play me gió mưa mùa, Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi”...
Câu hát đã bị sửa thành “Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá”. Từ Gio Linh khói bom đạn làm không xanh cây lá sửa thành Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá phải chăng là nhân văn hơn ?
Thứ ba, nhạc phẩm Nét Nuồn Thời Chiến dường như chỉ nói về những đau khổ của chiến tranh, nhưng đã được cài vào những câu hát cổ động cho bạo lực giết chóc kiểu như: “Anh muốn đêm nay, xin thức trọn đêm dài, vương mình trên bãi chiến, giặc thù phơi thây, mang lại chiến công này dành tặng người hôm nay”. Đem “Giặc thù phơi thây” dâng cho người yêu liệu có nhân văn chăng ?
Bài hát Lính Xa Nhà, có vẻ như chỉ nói về tình cảm của người lính Việt Nam Cộng hòa đi chiến đấu, phải xa người yêu, nhưng trong đó cũng có những câu hát đầy tính bạo lực như: “Xa quá người ơi, kỷ niệm ngọc ngà, vòng tay ấm bờ môi, mắt nhìn thật đậm đà, nhưng thép súng đang còn say máu thù, hẹn em khi gặp trời nở đầy hoa có tôi về”. Người lính được cổ động say máu thù thì có tính bạo lực hay không ?
Chỉ cần điểm qua một số bài hát trong hàng nghìn bài hát của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975 được coi là có tính nhân văn, ít tính bạo lực hơn các tác phẩm âm nhạc cách mạng của miền Bắc trong cùng thời gian đó, chúng ta cũng có thể thấy rằng quan điểm của những người thiếu thiện ý đối với nền âm nhạc cách mạng nói chung và nền âm nhạc cách mạng trong giai đoạn 1954-1975 nói riêng là hoàn toàn không có cơ sở, là phiến diện, là xuyên tạc.
Cho nên trước khi phê phán điều gì, thì xin những người “yêu hòa bình, ghét bạo lực” hãy nhìn lại mình một cách toàn diện để có thể có những phát ngôn đúng đắn hơn. Chân mình lấm, không lo rửa, lại cứ đi nhìn, chê chân người khác lấm là như thế.
Xuân Nguyễn