Theo báo cáo của Digital toàn cầu, năm 2020 Việt Nam có dân số 96,9 triệu người, với 145,8 triệu thuê bao di động, số người dùng Internet là 68,17 triệu người (70% dân số), dùng mạng xã hội là 65 triệu người (67% dân số) (1). Với quy mô dân số lớn, tỷ lệ phổ cập Internet cao, Việt Nam hiện nay là một thị trường quan trọng và giàu tiềm năng của các tập đoàn công nghệ lớn. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức mà các ứng dụng công nghệ số gây ra (tin giả, tin độc hại; vi phạm quyền thông tin cá nhân, bản quyền tin tức; làm lu mờ hoạt động quảng cáo, truyền thông truyền thống; gia tăng chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội…). Tuy nhiên, chúng ta nên xem các thách thức đó là một hiện thực cần phải vượt qua hơn là đi tới việc ngăn chặn, loại bỏ các ứng dụng công nghệ số (google, gmail, Facebook, You Tube...) rất hữu ích mà các hãng công nghệ đã tạo ra. Đối với mỗi vấn đề bất cập cần có sự đánh giá chính xác, đầy đủ, kịp thời, trên cơ sở đó có cách tiếp cận và hướng giải quyết khác nhau.
Với tư cách là một đối tượng quản lý, cũng giống như các lĩnh vực khác, việc quản lý hoạt động của các tập đoàn công nghệ số lớn ở thị trường Việt Nam phải dựa trên hệ thống luật pháp quốc gia và quốc tế.
Trước hết, Việt Nam cần áp dụng các quy định hiện hành trong các luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, các luật về thuế, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin (2016), Luật Khoa học và Công nghệ (2013), Luật Công nghệ cao (năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật An ninh mạng (2018),... Trong những trường hợp chưa có quy định cụ thể, các cơ quan chức năng có thể vận dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật để xử lý, giải quyết các vấn đề nảy sinh, nhưng cách làm này thường dẫn đến những tranh cãi pháp lý gay gắt.
Thực tế cho thấy, luật pháp Việt Nam mặc dù tương đối hệ thống và cập nhật nhưng vẫn còn thiếu những quy định đối với mô hình kinh doanh kỹ thuật số, ở những điểm chủ yếu như: Bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế mới; trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ chế quản lý thuế đối với các hoạt động dịch vụ xuyên biên giới (2).
Để quản lý hiệu quả trước sự phát triển nhanh chóng, sinh động của thực tiễn, thì việc tạo dựng một nền tảng pháp lý mới làm công cụ là rất cần thiết. Về nguyên tắc, pháp luật cần điều chỉnh kịp thời với sự thay đổi về công nghệ để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và công bằng. Sự nhạy bén của pháp luật là vô cùng cần thiết để kiểm soát, ngăn chặn sự lạm dụng, gian lận hay gây ra những tác động tiêu cực khác.
Khi xây dựng pháp luật cần phải có đội ngũ am hiểu về công nghệ. Thực tế cũng đã cho thấy, khi có tranh chấp xảy ra, việc xác định đúng bản chất pháp lý của vấn đề không hề đơn giản, vì vậy đối tượng điều chỉnh cần được làm rõ (chẳng hạn như: xác định độc quyền kỹ thuật số hiện nay dựa trên tiêu chí gì? Quy mô, thực tế ảnh hưởng hay tác động?...). Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần lưu ý tới các công cụ phân tích các hiện tượng mới. Đối với lĩnh vực này, các đại biểu Quốc hội cũng cần am hiểu nhất định về bản chất của các hiện tượng kinh tế - công nghệ để thuận lợi và chính xác khi biểu quyết một dự luật về chủ đề này.
Mặt khác, trong xây dựng pháp luật cũng cần chú ý đến sự linh động trong công tác pháp lý. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, các ứng dụng công nghệ số thường thay đổi nhanh chóng, thậm chí mang tính cách mạng, làm nảy sinh những vấn đề mới. Sẽ có không ít trường hợp, thẩm phán không thể tìm được quy phạm pháp luật hiện có để giải quyết những vụ việc phát sinh(3), vì vậy pháp luật một mặt cần có độ “mở” nhất định để “xử lý” những vấn đề mới phát sinh, mặt khác cần chủ động nắm bắt diễn biến tình hình để bổ sung, điều chỉnh các quy định hiện hành cho kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Cùng với giải pháp mang tính pháp lý, để quản lý hoạt động thuộc lĩnh vực công nghệ số, nhà nước cần kết hợp với những giải pháp khác như: Tăng cường hơn nữa trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, các công ty truyền thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đối với vấn đề tin giả, tin độc hại, nhà nước một mặt tiếp tục yêu cầu các chủ sở hữu nền tảng kỹ thuật số có trách nhiệm hơn trong việc quản lý thông tin trên nền tảng của mình, mặt khác tăng cường theo dõi, phát hiện, xử lý những cá nhân, tổ chức đăng tin sai sự thật. Có chiến lược đào tạo, hay chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, đạo đức tốt. Tham khảo kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nội dung có liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ số.
Về vấn đề thu phí đối với các tập đoàn công nghệ hoạt động ở thị trường Việt Nam, theo báo cáo được thực hiện trong tháng 1-2021, thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2020 ước khoảng 820 triệu USD (khoảng 18.860 tỉ đồng), nhưng phần lớn doanh thu từ miếng bánh quảng cáo này rơi vào tay Google và Facebook(4). Như vậy, quy mô của thị trường Việt Nam là không nhỏ để tính đến việc yêu cầu các hãng công nghệ phải trả phí tin tức. Nhưng đối với vấn đề này, cần nhận thức rằng việc “đòi quyền lợi” từ các công ty công nghệ xuyên quốc gia là điều không hề đơn giản, cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và bước đi phù hợp. Đây là một việc làm chính đáng, hướng tới sự công bằng, phản ánh xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới.
----------------------
(1)Digital 2020: Vietnam, nguồn: datareportal.com, ngày 18/02/2020.
(2) Phan Chí Hiếu, Nguyễn Văn Cương (đồng chủ biên): Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra, Nxb. Tư pháp, 2019, tr.163, 265.
(3)Phan Chí Hiếu, Nguyễn Văn Cương (đồng chủ biên): Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra, Nxb. Tư pháp, 2019, tr.162.
(4)Buộc Facebook, Google trả phí cho báo chí: Việt Nam cần có lộ trình hành động, nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn, cập nhật ngày 26/2/2021.
Văn Chuyên