Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí cách mạng và tiến bộ ở hai miền Nam Bắc đã phản ánh thực tế chiến đấu, lao động, sản xuất sinh động ở hai miền Nam Bắc và mang tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đến bạn bè thế giới. Cho dù kẻ thù có dùng mọi thủ đoạn, từ đóng cửa phạt vạ các tờ báo tiến bộ đến càn quét, ném bom hủy diệt những vùng căn cứ giải phóng ở miền Nam hay dùng B 52 hủy diệt miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Việt Nam luôn vang vọng, cổ vũ, động viên quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc sớm nhận rõ sức mạnh của báo chí trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người đã sáng lập ra tờ Người cùng khổ (Le Paria) năm 1922 tại Pháp, tờ Thanh Niên, năm 1925 tại Trung Quốc, tờ Thân Ái tại Thái Lan năm 1928. Tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đã vang lên. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, một nền báo chí cách mạng đã thực sự ra đời, gắn liền với cuộc trường chinh của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, báo chí hai miền đã thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20-12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếng súng kháng chiến, tiếng súng chiến thắng đã nổ giòn giã, đã có những đại diện chân chính cho cuộc kháng chiến, cần phải có tiếng nói chính thức để cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân vang xa hơn, rộn rã hơn. Từ năm 1961-1963, lần lượt các cơ quan ngôn luận của cách mạng miền Nam ra đời: Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Giải phóng... đã truyền đi tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam tới nhân dân miền Bắc, tới Đảng, Bác Hồ đang ngày đêm mong ngóng tin tức từ miền Nam ruột thịt, tới bạn bè quốc tế và nhân dân tiến bộ thế giới.
Một trong những âm mưu của Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn là bưng bít sự thật, ngăn chặn tiếng nói chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, muốn mọi thông tin về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ đến với dư luận từ một phía. Chính vì thế, trong cuộc xâm lăng về tư tưởng văn hoá, Hoa Kỳ rất chú ý đến phương diện báo chí, nhất là phát thanh, truyền hình. Từ năm 1965 đến 1971, Hoa Kỳ đã viện trợ cho ngành thông tin Việt Nam Cộng hòa, trong đó riêng cho truyền thanh, truyền hình là 20 triệu dollar. Hệ thống phát thanh của chính quyền Sài Gòn có 4 đài mạnh (công suất trên 50kw) là Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và có hệ thống các đài địa phương (công suất từ 5-10kw) là Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột. Hàng loạt đài phát thanh cấp tỉnh như Quảng Nam, Phú Yên, Định Tường, Long An cũng được xây dựng, phục vụ chương trình bình định nông thôn. Để phát huy tác dụng của hệ thống phát thanh này, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn cũng tung ra những đợt bán rẻ hoặc cho không hàng trăm nghìn máy thu thanh các loại (năm 1965 là 125.000 chiếc) nhằm “tranh thủ trái tim, khối óc” người dân.
Đối lại với phương tiện hiện đại của Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng ... ra đời trên chiến hào, hoạt động giữa rừng già trong điều kiện ăn ở gian khổ, khi dưới mưa rừng, lúc trong lòng đất dưới mưa bom bão đạn, nhiều khi phải sơ tán sang đất bạn để tránh càn. Thế nhưng đó là tiếng nói chính nghĩa của nhân dân miền Nam, tiếng nói của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong quá trình kháng chiến, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng là người tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, cổ vũ động viên, hướng dẫn quần chúng kháng chiến. Nó đánh vào tâm trí kẻ thù làm đau đầu chính quyền Hoa Kỳ và đồng minh Sài Gòn. Kẻ thù run sợ ảnh hưởng của Đài, chúng phải lập ra những hệ thống phát thanh giả danh Đài giải phóng. Nhưng không thể đánh lận con đen. Trong tất cả các làn sóng âm thanh hỗn độn của Hoa Kỳ, của chính quyền Sài Gòn, của các hãng thông tấn UPI, AP, BBC... nhân dân vẫn mong đợi và sung sướng nhận ra tiếng nói của "phía ta". Hằng ngày, có hàng chục vạn đồng bào miền Nam thường xuyên nghe Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của chính nghĩa. Hàng chục vạn máy thu thanh mà Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn "tranh thủ trái tim, khối óc” nhân dân dường như "gậy ông đập lưng ông", kịp thời đem lại tin tức, chỉ thị, cổ vũ đấu tranh. Nghe đài, có người bị đoạ đầy, nghe đài mà phải ngó trước ngó sau, phải canh gác... nhưng nhân dân miền Nam vẫn hướng về Đài Phát thanh Giải phóng cũng như Đài tiếng nói Việt Nam từ miền Bắc, vui mừng với mỗi bước thắng lợi của cuộc kháng chiến.Tiếng nói chính nghĩa ảnh hưởng cả đến người của "phía bên kia", binh lính, công chức chính quyền Sài Gòn cũng không bỏ lỡ cơ hội nghe Đài cách mạng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, có trường hợp khi quân giải phóng đánh chiếm được xe bọc thép của địch vừa bỏ chạy thì đài bán dẫn trong xe vẫn đang phát đi bản tin chiến thắng của Đài Phát thanh giải phóng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Đài Phát thanh Giải phóng cố gắng phát bằng tiếng Anh, Pháp, Hoa, Miên để thông tin về cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ở miền Nam còn hơn thế nữa, người làm báo phải xông pha trong chiến đấu mới có được những tin, bài, ảnh xác thực, cụ thể, có tính cổ vũ, động viên cao. Nhiều cán bộ tuyên huấn, báo chí đã hy sinh anh dũng. Tháng 2/1967, Mỹ mở cuộc hành quân Junction City lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam vào Bắc Tây Ninh nhằm “tiêu diệt đầu não Việt cộng”, trong đó có mục tiêu bắt Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng phải “câm họng”. Bom B52, pháo bầy, chất độc hoá học, quân chiến đấu Mỹ đổ quân chụp bắt... đã không thể tiêu diệt tiếng nói chính nghĩa. Đài Phát thanh Giải phóng vẫn phát và phát đúng giờ, vẫn đưa những tin sốt dẻo về thắng lợi phản công của quân và dân miền Nam, cho dù bộ binh và xe tăng Mỹ đang hiện diện khắp nơi trong chiến khu Bắc Tây Ninh. Hơn thế nữa, nhiều cán bộ nhân viên Tuyên huấn, Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng đã trở thành “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt xe tăng”, “dũng sĩ diệt máy bay”, góp phần đánh bại cuộc hành quân của 45.000 quân chiến đấu Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, một trong những mục tiêu không quân chiến lược Mỹ tập trung đánh phá là Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ngày cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B52 ném bom ác liệt cơ sở phát sóng của Đài ở Mễ Trì, chỉ mong cho Đài ngừng hoạt động trong một thời gian, để có thể tuyên truyền thắng lợi về “một thời kỳ đồ đá” ở miền Bắc. Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vẫn bảo đảm giờ phát sóng. Những trận bom B52 huỷ diệt chỉ làm Đài tạm thời dừng 9 phút để củng cố, rồi lại dõng dạc tuyên bố trước nhân dân cả nước và thế giới về thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam Bắc, về âm mưu và tội ác của Hoa Kỳ khi đem pháo đài bay B52 rải thảm các khu đông dân cư ở miền Bắc. Hoa Kỳ chỉ thấy rõ hơn ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam, được truyền đi qua làn sóng điện. Những buổi phát thanh dành riêng cho lính Mỹ của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa lại cho nhiều người cái nhìn và hành động đúng đắn đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Hệ anten Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì những năm chiến tranh (Ảnh: internet).
Tại miền Nam, không thể không đề cập đến phong trào đấu tranh của giới báo chí yêu nước, cách mạng trong lòng các đô thị miền Nam đã vang xa, vượt qua hàng rào cảnh sát và sự đàn áp khốc liệt, hoà chung vào khúc quân hành của cả dân tộc. Tiêu biểu và vang dội là cuộc đấu tranh độc nhất vô nhị "Ký giả đi ăn mày" ngày 10/10/1974, đã góp phần đẩy nhanh chế độ Sài Gòn đến ngày tàn của nó.
Cùng với chiến thắng của cuộc kháng chiến trên các mặt trận, tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã chiến thắng, không sức mạnh bạo tàn nào có thể khuất phục được. Hoà trong chiến công chung của toàn dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần viết nên pho lịch sử vẻ vang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và ngày nay, báo chí Việt Nam với các thể loại, đang viết tiếp những trang sử thắng lợi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Bình Nguyễn
Bình Nguyễn