Thảm cảnh Covid-19 ở Ấn Độ…
Làn sóng Covid-19 thứ hai đang tàn phá Ấn Độ với mức độ khủng khiếp chưa từng thấy. Hôm qua 2/5, đất nước 1,3 tỷ dân đã ghi nhận 3.689 người chết vì Covid-19 - mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Tính đến nay, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Ấn Độ lên đến hơn 215.000 người.Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm gần 400.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này vượt 19,5 triệu người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh đó như sự xuất hiện của biến chủng mới của SARS-COVID 2, tình trạng thiếu vắc-xin nhưng quan trọng hơn là sự mất cảnh giác của người dân và hệ thống chính quyền.
Hình ảnh tại một lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ.
Trong thời gian từ tháng 1-3/2021, tình hình dịch bệnh của Ấn Độ dường như đã được kiểm soát khi số ca mắc trong ngày ở mức khoảng 10.000 ca. Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ bớt các biện pháp chống dịch, cho phép tập trung đông người trở lại. Trong khi đó, các cuộc tụ tập đông người, trong đó có lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới Kumbh Mela vẫn được phép diễn ra mà hầu như không có biện pháp hạn chế nào, bất chấp làn sóng dịch thứ hai đang tràn đến. Kết cục, sự mất cảnh giác đó đã đẩy Ấn Độ vào thảm cảnh Covid-19. 3,5 triệu người Ấn ngâm mình ở lễ hội sông Hằng ngày 01/4/2021 và trở thành cụm siêu lây nhiễm với hơn 2.000 ca một ngày.
Ấn Độ đang lâm vào khủng hoảng, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày. Nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô New Delhi đã ra thông báo nguồn oxy sắp cạn kiệt. Nhiều đường phố, ngay cả ở giữa thủ đô New Deli cũng trở thành các bãi thiêu người rực lửa cả ngày lẫn đêm. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng về thảm cảnh ở Ấn Độ: “Tình hình ở Ấn Độ hơn cả đau lòng”. Thảm cảnh đó phần lớn bắt nguồn từ sự chủ quan, mất cảnh giác của cả chính quyền và nhân dân về tình hình covid-19.
… và bài học cho Việt Nam
Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 đợt bùng phát của đại dịch Covid-19. Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền; sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, dân quân và sự hợp tác của nhân dân, tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, cũng từ đó mà nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là như không chú ý đến việc vệ sinh đúng cách, không giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang ở những nơi công công, thường xuyên tụ tập đông người... Nguy hại hơn, dịch bệnh đang bùng phát ở các nước láng giềng đang đe dọa trực tiếp đến tình hình an ninh biên giới.
Đặc biệt, trong 10 ngày qua Việt Nam đã ghi nhận 3 chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau hơn một tháng không có ca nhiễm mới, đó là: (i) Chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2 Yên Bái: 5 ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn; (ii) Chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Hà Nam: 18 ca liên quan bệnh nhân từ Nhật Bản về và lan 4 tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Thành phố Hồ Chí Minh; (iii) Chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc: 6 ca liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi, trong đó một cô gái ở Hà Nội di chuyển liên tục và tiếp xúc với nhiều người.
Hà Nam triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Internet
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, trong và sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 kéo dài 4 ngày sẽ là nỗi lo về nguy cơ bùng phát dịch covid-19 trên diện rộng. Nghỉ dài ngày, người dân có xu hướng tụ tập đông người, về quê, đi du lịch, an ninh biên giới cũng dễ bị lung lay... Nguy cơ chồng chất nguy cơ!
Làm gì để tránh được thảm cảnh của Ấn Độ?
Trông người mà nghĩ đến ta. Nhìn thảm cảnh của Ấn Độ mà phải nghĩ ngay đến các biện pháp phòng chống dịch để tránh cho Việt Nam thoát khỏi thảm cảnh đau thương như Ấn Độ.
Một là, phải nghiêm túc thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế: Khẩu Trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế để phòng, chống dịch.
Hai là, hạn chế tối đa việc tổ chức các sự kiện có sự tham gia của đông người. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, kiên quyết từ chối tiếp nhận những cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các địa phương có biển không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng, xã hội;...
Ba là, các cơ sở vận tải như nhà ga, sân bay, bến xe cần thực hiện nghiêm biện pháp khai báo y tế, thực hiện giãn cách ghế ngồi; từ chối phục vụ những hành khách không tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch.
Bốn là, tăng cường kiểm soát biên giới, lập thêm nhiều chốt chặn để kiên quyết ngăn chặn những hành vi vượt biên trái phép theo đường mòn, lối mở. Tăng cường hỗ trợ, đầu tư vật chất, các phương tiện kỹ thuật để đội ngũ cán bộ dân phòng, bộ đội, hải quan thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an ninh biên giới.
Năm là, mỗi người dân cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Hạn chế tụ tập đông người, hợp tác với chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; nghiêm túc khai báo y tế sau khi có sự di chuyển trong kỳ nghỉ; cùng nhau tuyên truyền, lan tỏa để người thân, bạn bè và cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
Có những cái chết được báo trước. Có những thảm họa có thể tránh được. Thảm họa của Ấn Độ là hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi người dân Việt Nam nêu cao tinh thần cảnh giác, gác bỏ những mong muốn được “xả hơi”, được “tụ tập”, “bay nhảy” để nghĩ đến lợi ích chung của cả xã hội.
Chiên Lê