Ngày 30/4/1975, chế độ Sài Gòn, được Washington hậu thuẫn, sụp đổ. Nhưng với Hoa Kỳ, tháng 3 mới là tháng có nhiều duyên nợ. Họ hào hứng đổ quân vào Việt Nam tháng 3/1965, tưởng như giành chiến thắng đến nơi, để rồi tháng 3/1973 ngậm ngùi làm lễ cuốn cờ, rút khỏi Việt Nam, bỏ lại đồng minh Việt Nam Cộng hoà chới với, với dự cảm ngày tàn đang đến gần
Ồ ạt đổ quân vào xâm lược Việt Nam
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, chế độ Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Hai chỗ dựa của chiến lược Chiến tranh đặc biệt là ấp chiến lược và quân lực Việt Nam cộng hòa mạng đã hoàn toàn bị đổ vỡ.
Đến cuối năm 1964 trên 80% ấp chiến lược đã bị phá vỡ ở nhiều mức độ, âm mưu “tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi Đảng đã thất bại. Về quân sự sự sau chiến thắng Ấp Bắc tháng 1 năm 1963, đến cuối tháng 12 năm 1964, quân và dân miền Nam mở chiến dịch Bình Giã, tiến lên đánh bại quân đội Sài Gòn ở mức cao hơn. Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xây dựng quyết tâm chiến lược giành thắng lợi quyết định khi thời cơ đến giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Cáo báo cáo của giới quân sự và chính trị Hoa Kỳ tại Sài Gòn về Washington đều xác nhận, nếu không đưa quân chiến đấu Hoa Kỳ vào để bảo vệ, thì đồng minh Nam Việt Nam của họ sẽ sụp đổ hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 năm tới và kêu gọi Tổng thống Johnson khẩn trương quyết định đưa quân vào miền Nam Việt Nam.
Để cứu vãn chế độ tay sai ở miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ không còn cách nào khác là đưa quân chiến đấu vào trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tại miền Nam Việt Nam.
Ngày 8/3/1965 những đơn vị thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đầu tiên tiến hành cuộc đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, mở đầu những trang sử mới trong cuộc cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.
Những lính viễn chinh đầu tiên của Quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng
Trước đó, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã mở các cuộc càn quét quanh khu vực, nhằm làm trong sạch địa bàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc đổ bộ. Vẫn chưa yên tâm, ngay trước khi cuộc đổ bộ diễn ra, lực lượng người nhái đặc biệt của hải quân Hoa Kỳ đã rà soát, kiểm tra lại địa điểm đổ bộ thêm một lần nữa.
8 giờ 30 sáng ngày 8/3/1965, cuộc đổ bộ bắt đầu. Dưới sự chỉ huy của Chuẩn tướng Frederick K. Karch, các tàu “há mồm” liên tục đổ quân vào bãi biển Xuân Thiều, tại một địa điểm được đánh dấu trên bản đồ quân sự là Red Beach Two, nay thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Tổng cộng đã có khoảng 1 tiểu đoàn với khoảng 1.400 quân tham gia cuộc đổ bộ này. Kèm theo là khối lượng khí tài khổng lồ gồm nhiều xe tăng hạng nặng, xe bọc thép và nhiều vũ khí cộng đồng khác[1].
Lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ đổ bộ cùng nhiều vũ khí hạng nặng
Mặc dù phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã bàn thảo về việc đưa quân chiến đấu Hoa Kỳ vào Việt Nam, nhưng thời điểm và quân số đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng không được tiết lộ. Chính vì vậy, nhiều nhân vật lớn trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ngay cả Thủ tướng Phan Huy Quát cũng bị bất ngờ khi nghe tin Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam.
Mặc dù có đường đột, nhưng chính quyền Đà Nẵng lúc đó, dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn I và Thị trưởng Đà Nẵng, cũng đã kịp thời tổ chức lễ đón. Một tốp nữ sinh trung học Đà Nẵng đã tham gia lễ đón tiếp và quàng vào cổ các sĩ quan chỉ huy cuộc đổ bộ những vòng hoa chiến thắng, chào đón quân đội Đồng minh Hoa Kỳ chính thức vào Việt Nam.
Những ngày sau đó, Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Đến cuối năm 1965, quân số quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam đã tăng lên 184.000 người, trong đó tập trung tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung 120.000 người. Hoa Kỳ tập trung xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ quân sự khổng lồ tại miền Nam Việt Nam.
Lặng lẽ cuốn cờ trong ngày thảm bại
Sau hơn 8 năm trực tiếp xâm lược Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam lúc cao điểm tăng lên gần 550.000 người, nhưng vẫn không đánh bại được ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết, Hoa Kỳ phải công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Theo thỏa thuận, sau hai tháng, quân đội Hoa Kỳ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam.
Quân đội Hoa Kỳ làm lễ cuốn cờ rút về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất
Thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, trưa ngày 29/3/1973, Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã làm lễ cuốn cờ tại căn cứ Tân Sơn Nhất. 16h25 phút ngày hôm đó, tướng F. C. Weyand, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam cùng 2.501 lính viễn chinh Mỹ và một số lính Nam Triều Tiên, Philippinnes đã rút khỏi nước ta. Không ồn ào, thị uy với những vòng hoa chiến thắng chào đón như khi đổ quân vào, những người lính viễn chinh Hoa Kỳ, dưới sự kiểm soát của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên đã âm thầm, lặng lẽ lên máy bay, chấm dứt những ngày tháng chinh chiến ở một quốc gia xa xôi để bảo vệ thế giới tự do.
Một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam "đếm" những lính viễn chinh Hoa Kỳ
cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam
Trước khi rút đi, Hoa Kỳ đã thiết lập cầu không vận, cung cấp cho quân đội Việt Nam Cộng hòa khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ. Một tướng lĩnh Hoa Kỳ phải thốt lên "Ta mà viện trợ quân sự cỡ này cho Bắc Việt, thì họ có thể đánh nhau với ta đến hết thế kỷ". Hoa Kỳ hy vọng có thể giúp Nguyễn Văn Thiệu, đang có trong tay một đội quân hùng hậu đứng thứ năm trên thế giới, chống cộng sản thêm hàng chục năm nữa. Nhưng sau khi quân đội Hoa Kỳ rút đi, với bản chất một đội quân đánh thuê không có lý tưởng, quân đội Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhanh hơn Hoa Kỳ dự kiến. Chỉ chưa đầy hai năm sau, chế độ Việt Nam Cộng hòa đã sụp đổ hoàn toàn.
[1] Có ý kiến cho rằng ngày 8/3/1965, 3.500 lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng. Con số thì đúng, nhưng cuộc đổ bộ trên bãi biển chỉ khoảng 1.400 lính, còn 1 tiểu đoàn khác thì được không vận từ căn cứ quân sự tại Nhật Bản đến sân bay Đà Nẵng trong buổi chiều cùng ngày.